Có 11.000 ha đất sân golf; Giảm 52.200 ha đất lúa, 57.000 ha đất QPAN

VietTimes -- Sáng 9/4, với 86,64% tổng số đại biểu tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia.
Đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất đến 2020.
Đại biểu bấm nút thông qua nghị quyết điều chỉnh kế hoạch sử dụng đất đến 2020.

Trước khi Quốc hội bấm nút thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu đã trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày nêu rõ, Nghị quyết xác định mục tiêu của việc điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhằm đáp ứng yêu cầu về đất đai cho các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh trong tình hình mới; sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả; duy trì quỹ đất trồng lúa hợp lý nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang diễn biến nhanh hơn dự báo; tăng cường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.

Đáng chú ý, theo Ủy ban thường vụ Quốc hội, hiện nay, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xuất hiện với tần suất ngày càng tăng tại các vùng ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Cửu Long dẫn đến một số diện tích không còn phù hợp với điều kiện canh tác sản xuất lúa. 

Và diện tích đất lúa còn lại đã được tính toán trên cơ sở khoa học để bảo đảm an ninh lương thực với tầm nhìn dài hạn. Dự kiến có 400 nghìn ha đất trồng lúa được chuyển đổi sang trồng cây hàng năm như: ngô, lạc, đậu tương, rau, hoa… khi cần thiết diện tích này có thể quay lại trồng lúa được. 

Tuy nhiên, với giải trình này, Quốc hội chỉ đồng ý giảm hơn 52.000 héc ta đất trồng lúa, từ 3.812.000 héc ta xuống còn 3.760.000 héc ta.

Cuối cùng, theo Nghị quyết về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia vừa được Quốc hội thông qua vào sáng 9/4, quy hoạch sử dụng đất sẽ được điều chỉnh như sau:

Nhóm đất nông nghiệp (gồm đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối) điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 27.038,09 nghìn héc ta, tăng 306,33 nghìn héc ta so với quy hoạch đến năm 2020 theo Nghị quyết số 17/2011/QH13.

Nhóm đất phi nông nghiệp (gồm đất quốc phòng, đất an ninh, đất khu công nghiệp và đất phát triển hạ tầng) điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 là 4.780,24 nghìn héc ta, giảm 100,08 nghìn héc ta so với quy hoạch đến năm 2020 theo Nghị quyết số 17/2011/QH13.

Đất khu công nghệ cao, đất khu kinh tế và đất đô thị được quy hoạch sử dụng đến năm 2020 lần lượt là 3,63 nghìn héc ta, 1.582,96 nghìn héc ta, và 1.941,74 nghìn héc ta.

Nghị quyết cũng nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; chỉ đạo công tác điều chỉnh quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của các địa phương và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, đất an ninh.

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình lập hoặc rà soát, điều chỉnh quy hoạch ngành, lĩnh vực phù hợp với điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, đồng thời tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các chỉ tiêu đảm bảo cho việc sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

Định kỳ hàng năm Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Hội đồng nhân dân các cấp giám sát việc thực hiện Nghị quyết này tại địa phương; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác được thành lập theo quy định của pháp luật trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình tham gia giám sát và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt Nghị quyết./.

10,98 nghìn hec ta đất cho 96 sân golf

Liên quan đến đất phát triển hạ tầng, có ý kiến đề cho rằng diện tích đất dành cho sân golf là quá nhiều, đề nghị báo cáo rõ diện tích đất sân golf chiếm bao nhiêu.

Giải đáp thắc mắc này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông tin: Hiện cả nước có 96 sân golf với tổng diện tích 10,98 nghìn héc ta.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, việc phát triển sân golf không sử dụng vào đất trồng lúa, đất trồng rau, màu, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà chủ yếu tại các khu vực đất có chất lượng kém, đất cát.

Xuân Thắng