CNN: Mỹ phóng thử thành công tên lửa siêu thanh hồi giữa tháng 3 nhưng giữ kín vì e ngại Nga

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Các quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ Mỹ đã phóng thử nghiệm thành công một tên lửa siêu thanh vào giữa tháng 3, nhưng được giữ kín nhằm tránh làm gia tăng căng thẳng với Nga.
Trang web của CNN đưa tin Mỹ đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm hồi giữa tháng 3 nhưng im lặng vì sợ căng thẳng với Nga.
Trang web của CNN đưa tin Mỹ đã thử nghiệm thành công tên lửa siêu vượt âm hồi giữa tháng 3 nhưng im lặng vì sợ căng thẳng với Nga.

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương) ngày 5/4, Kênh truyền hình Mỹ CNN ngày 4/4 dẫn nguồn một quan chức Bộ Quốc phòng cho biết Mỹ đã phóng thử thành công một tên lửa siêu thanh vào giữa tháng 3, nhưng vẫn giữ im lặng trong hai tuần kể từ đó để tránh làm gia tăng căng thẳng quan hệ với Nga do thời điểm đó ông Joe Biden sắp tới thăm châu Âu giữa lúc đang diễn ra chiến tranh Nga-Ukraine.

Quan chức này cho biết, tên lửa loại vũ khí siêu vượt âm (HAWC), được phóng từ một máy bay ném bom chiến lược B-52H Stratofortress ở ngoài khơi Bờ Tây Hoa Kỳ, là lần thử nghiệm thành công đầu tiên của phiên bản tên lửa HAWC do Công ty Lockheed Martin chế tạo.

Chỉ vài ngày trước vụ thử tên lửa siêu thanh này của Mỹ, vào hôm 19/3, Nga cho biết họ đã sử dụng tên lửa siêu thanh trong cuộc chiến ở Ukraine và tuyên bố đã nhắm mục tiêu vào một kho đạn ngầm ở miền tây Ukraine.

Hình ảnh mô phỏng tên lửa siêu thanh được phóng từ máy bay B-52.

Hình ảnh mô phỏng tên lửa siêu thanh được phóng từ máy bay B-52.

Theo các cơ quan truyền thông Nga, lực lượng không quân vũ trụ nước này đã sử dụng hệ thống tên lửa siêu thanh Kinzhal lần đầu tiên vào ngày 19/3 để phá hủy một kho đạn hàng không và tên lửa lớn dưới lòng đất ở Ukraine. Về vấn đề này, các quan chức Mỹ cho rằng Kinzhal chỉ là phiên bản phóng từ trên không của tên lửa đạn đạo chiến thuật tầm ngắn Iskander, không phải là một cuộc cách mạng về vũ khí siêu thanh. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 20/3 nói ông không nghĩ việc Nga sử dụng tên lửa siêu thanh sẽ “thay đổi được quy tắc cuộc chơi". Ông Austin nói: "Tôi nghĩ ông ấy (Tổng thống Nga Putin) đang sử dụng vũ khí này để giành lại quyền chủ động."

Mỹ đã rất thận trọng, không đưa ra tuyên bố có thể làm leo thang căng thẳng với Nga một cách không cần thiết. Ngoài ra, ngày 1/4, Mỹ cũng đã hủy bỏ vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III để tránh gây hiểu nhầm cho người Nga, dù trước đó đã cho biết chỉ hoãn một thời gian nhằm giảm căng thẳng hạt nhân với Nga.

Lắp tên lửa siêu thanh AGM-183A lên máy bay B-52.

Lắp tên lửa siêu thanh AGM-183A lên máy bay B-52.

Khi Quân đội Mỹ tiến hành vụ thử nghiệm tên lửa siêu thanh này, Tổng thống Joe Biden đang chuẩn bị đi thăm các đồng minh NATO ở châu Âu

CNN cho biết Mỹ luôn né tránh các biện pháp hoặc tuyên bố có thể làm leo thang căng thẳng giữa Washington và Moscow một cách không cần thiết.

CNN, dẫn lời các quan chức quen thuộc với vấn đề này, chỉ ra rằng vụ thử thành công được một máy bay ném bom B-52 thực hiện khi động cơ tăng tốc tên lửa lên tốc độ cao nó đã phóng đi với tốc độ siêu vượt âm đạt trên Mach 5.

Đây là lần phóng thử thành công đầu tiên phiên bản HAWC của Lockheed Martin. Phiên bản HAWC này đã hai lần thử nghiệm vào tháng 7 và 8 năm ngoái nhưng đều bị thất bại; trong khi phiên bản HAWC do Raytheon và Northrop Grumman phát triển, đã được thử nghiệm thành công vào tháng 9 năm ngoái.

Các quan chức Quốc phòng Mỹ không cung cấp nhiều chi tiết, chỉ nói rằng tên lửa đã bay ở độ cao hơn 65.000 feet (19.800 mét) và với khoảng cách hơn 480 km. CNN cho biết với tốc độ 6.000 km một giờ, tên lửa chỉ mất chưa đầy 5 phút để bay được 480 km.

Cục Dự án Nghiên cứu Quốc phòng Tiên tiến (DARPA) của Lầu Năm Góc đã đưa ra thông cáo báo chí cho biết, vụ thử tiến hành hồi giữa tháng 3 này đã đạt được tất cả các mục tiêu đề ra, bao gồm tổng thể tên lửa, tách rời thành công khỏi bệ phóng, điểm hỏa thiết bị đẩy và hành trình bay. Nhưng thông cáo báo chí không đưa ra các chi tiết khác như tốc độ tên lửa cụ thể, về đường bay, khoảng cách, chỉ nói rằng tốc độ đã đạt cao hơn Mach 5.

Hình mô phỏng tên lửa siêu thanh của Mỹ đang bay tới mục tiêu.

Hình mô phỏng tên lửa siêu thanh của Mỹ đang bay tới mục tiêu.

Sau khi Trung Quốc, Triều Tiên tuyên bố phóng thử thành công và Nga đưa vũ khí siêu thanh vào sử dụng trong thực chiến, Mỹ đang cố gắng đuổi theo và bắt kịp các nước trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. Chính quyền Joe Biden đã phân bổ 7,2 tỷ USD ngân sách quốc phòng năm tài chính 2023 cho các dự án hỏa lực tầm xa trong đó bao gồm tên lửa siêu thanh. Một báo cáo của Văn phòng Kiểm toán Quốc hội (GAO) năm ngoái cũng chỉ ra rằng Mỹ có tới 70 dự án liên quan đến phát triển vũ khí siêu thanh; dự kiến ​​sẽ tiêu tốn gần 15 tỷ USD từ năm 2015 đến năm 2024.

Tuy nhiên, Mỹ đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh thất bại vào năm ngoái. Theo một bài báo trên trang web The Drive ngày 17/12/2021, loại vũ khí siêu thanh AGM-183A "ARRW" mà Không quân Mỹ đặt nhiều hy vọng, đã ba lần thử nghiệm lần lượt vào các ngày 5/4, 28/7 và 15/12 năm ngoái nhưng đều thất bại.