Clip quy trình lắp ráp máy bay chiến đấu F/A-18 của Mỹ

Tiêm kích dùng trên tàu sân bay F/A-18 của Boeing (Mỹ) đang sắp bị F-35 thay thế, nếu sắp tới F/A-18 không tìm được khách hàng đặt mua thì dây chuyền sản xuất loại máy bay này phải đóng cửa.
Tiêm kích F/A-18F do Boeing sản xuất dành cho Úc
Tiêm kích F/A-18F do Boeing sản xuất dành cho Úc

Một clip quay cực nhanh về quy trình lắp ráp tiêm kích dùng trên tàu sân bay F/A-18F Super Hornet của Mỹ vừa được trang tin FoxtrotAlpha giới thiệu. Loại máy bay chiến đấu chủ lực trên 10 tàu sân bay hiện tại của Mỹ này nặng hơn 16 tấn, dùng 2 động cơ F414-GE-400 của General Electric, có tốc độ 2.200 km/giờ, bán kính tác chiến 740 km.

Dây chuyền sản xuất lắp ráp F/A-18 trong clip mà FoxtrotAlpha giới thiệu này ở thành phố St. Louis (bang Missouri ), thời điểm quay cảnh này tận năm 2009. Loại máy bay mà nhà máy này lắp ráp là F/A-18F Super Hornet sản xuất dành cho không quân Úc.

Hải quân Mỹ gần đây cũng đặt Boeing nâng cấp loại F/A-Hornet (ngừng sản xuất) lên thành Super Hornet trong khi chờ F-35 chính thức trang bị cho hải quân vào năm 2019.

Dây chuyền của Boeing ở St. Louis cũng là nơi từng sản xuất các loại máy bay F-15, F-4; và tàu không gian Mercury và Gemini cho NASA. Hai thập niên gần đây nhà máy chỉ sản xuất F/A-18 Super Hornet.

Mỗi chiếc Super Hornet có giá đến 52 triệu USD, còn loại dùng làm máy bay trinh sát và chiến tranh điện tử E/A-18G Growler có giá 61 triệu USD.

Ngoài Úc từng là khách hàng, nay Boeing hy vọng có thêm khách hàng mới từ Kuwait, Đan Mạch, Canada. Lầu Năm Góc cũng muốn mua thêm máy bay này nhưng với số lượng cực ít ỏi: 5 chiếc Super Hornet và 7 chiếc Growler (năm 2016).

Clip quy trình lắp ráp máy bay chiến đấu F/A-18 của Mỹ ảnh 1

Tiêm kích F/A-18 Super Hornet đang là máy bay chủ lực trên các tàu sân bay Mỹ - Ảnh: Không lực Mỹ

Boeing từng ước tính phải sản xuất 24 chiếc Super Hornet hoặc Growler mỗi năm mới có thể duy trì tính kinh tế của nhà máy. Và nếu Bộ Quốc phòng Mỹ không còn mua hoặc mua rất ít máy bay này hay cả loại F-15 thì Boeing có lẽ đành đóng cửa nhà máy, khi đơn hàng xuất khẩu vừa khó tìm vừa có số lượng mua ít.

Gần đây việc Boeing bị đối thủ Northrop Grumman qua mặt khi giành gói thầu sản xuất máy bay ném bom chiến lược tầm xa (LRSB) càng khiến nhánh sản xuất máy bay quân sự của Boeing thêm khó khăn.

Xem nhanh quy trình lắp ráp tiêm kích F/A-18F tại nhà máy Boeing ở St. Louis:

Theo Thanh Niên