Chuyện ở làng Lon

VietTimes – “Làng lớn Biện Thượng từ đời thượng cổ (Lê sơ) do ba làng hợp lại. Mỗi làng mang tên một con vật. Làng Báo to nhất. Bồng, Báo là địa danh cổ có tiếng về đất học hành cũng như cái đức rèn cặp người. Lon là giống vật chỉ con cầy hương lanh lẹ đi đâu cũng tiết ra thứ xạ thơm lừng. Nếu cứ ồn ào cái chuyện LON là “phản cảm”, thì làng Lon quê tôi chắc phải… đổi tên”
Hội làng.
Hội làng.

Nửa đêm chuông điện thoại đổ dồn. Bừng thức chợt giận mình hồi hôm đã quên béng tắt máy. Cái giống già mà nương lại được giấc ngủ quả là khốn nạn!

Tiếng ông trưởng thôn oang oang này ngày mai bác về quê có việc rất khẩn…

Việc gì chả biết nhưng làng đã cho gọi là phải tính! Nghĩa là phải lên đường. Bao việc, từ trứng chí mén. Cứ ời ợi như thế. Cảm cái tình làng lớn nhỏ gì đều gọi. Nhưng phiền phức nhiêu khê cũng chả nhỏ?

Một cuộc tụ qua điện thoại đã hẹn ở quê. Bước vào nhà ông trưởng thôn nhác thấy chai rượu ngang sáu lăm trong văn vắt  nút lá chuối đã chĩnh chiện bên mâm lươn om củ chuối thức quê lúc nào cũng sẵn…

Chưa kịp tợp hớp nào, trưởng thôn đã buông giọng rất oách này bác, thế cơ sự thế này là thế nào…

Tôi ớ ra… Cơ sự nào? Trưởng thôn không biết có ngụm nào chưa nhưng mặt đã tía gắt Trời ơi bác còn vờ! Thế cái tên làng Lon coi như mất, như tiệt hẳn hả?

Mất?  Tôi vẫn chưa hiểu… Làng Lon. Vâng. Trước khi kịp ớ ra là chuyện gì thì cũng phải biên ra cho nó có ngọn ngành thế này. Làng Biện Thượng là tên cổ của xã Vĩnh Hùng huyện Vĩnh Lộc tỉnh thanh Hóa. Cái năm Tổng tuyển cử quốc hội tháng Giêng năm 1946, như các làng lớn khác của huyện Vĩnh Lộc, Biện Thượng đổi thành Vĩnh Hùng. Chả biết ai nghĩ ra tinh những cái tên với những ngữ nghĩa hay ho. Những Vĩnh Hùng, Vĩnh Hòa, Vĩnh Tân, Vĩnh Thịnh, Vĩnh An… Không mạnh ( hùng) thì cũng hòa hợp an lành, giàu có vv… và vv…

Viếng chùa Làng
Viếng chùa Làng

Số là làng lớn Biện Thượng từ đời thượng cổ (có từ thời Lê sơ) do ba làng hợp lại. Mỗi làng mang tên một con vật. Làng Báo to nhất. Bồng, Báo là địa danh cổ có tiếng về đất học hành cũng như cái đức rèn cặp người.  Chả thế mà vở chèo Quan Âm Thị Kính có câu ngựa bất kham thôi phó về Bồng Báo. Làng Lon nhỏ hơn làng Báo. Lon là giống vật chỉ con cầy hương lanh lẹ đi đâu cũng tiết ra thứ xạ thơm lừng. Giống cầy hương hay xạ hương là một tên gọi. Làng Sóc chỉ giống Sóc, bé nhất nhưng là nơi phát tích vị chúa tiên khởi Trịnh Kiểm khởi đầu cho lịch sử 12 đời chúa Trịnh với 249 năm trong sử Đại Việt chẳng đế chẳng bá quyền khuynh thiên hạ tạo nên chế độ lưỡng đầu chế độc đáo nhất của lịch sử Việt Nam. Báo, Lon, Sóc là tên nôm của Biện Thượng.

Và lạ sao, những tên giống vật ấy cứ đeo mãi cho ba làng đến tận bây giờ?  Thời cuộc biết bao những đổi thay chóng mặt nhưng cái làng quê thèo đảnh nép dưới chân núi như làng tôi vẫn mang cái tên nôm cũ là Làng Lon mà ít khi gọi cái tên chữ là làng Việt Yên! Đi làm ăn xa, mỗi khi nhớ làng, cái thằng tôi nhiều khi hứng chí rách việc thòng mấy chữ cứ như cảm khái phía cuối bài viết đại loại Làng Lon chót thu hay Làng Lon tiết đông chí, hạ chí vv…

Mà duyên do của bữa nhậu lươn om củ chuối là thế này. Nghe mà khiếp mà hãi và nể nữa cho sức mạnh của thời buổi mạng mung ba, bốn “Gờ” đã phát tác từ chốn làng Lon của tôi vốn vẫn bị coi cách đây chưa lâu là xứ khỉ ho cò gáy!?

Chai rượu trắng dần vơi cũng là tỷ lệ thuận với cái đà ông trưởng thôn và đám anh em hoạt động văn hóa xã dẫn ra vanh vách trên mạng sự kiện  (bà gì đó là Cục trưởng tôi quên mất tên?) của Cục văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa là cơ quan quản lý Nhà nước đã yêu cầu bỏ cụm từ "Mở lon Việt Nam" trong chương trình quảng cáo mà phải thay bằng cụm từ "Cơ hội trúng vàng mỗi ngày" trong các chương trình khuyến mãi sản phẩm trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác. 

Những pho tượng từ cổ ở đình làng quê
Những pho tượng từ cổ ở đình làng quê

Bởi theo bà Cục trưởng cụm từ “ Mở lon Việt Nam”  trong quảng cáo Coca-Cola  không có danh từ tên sản phẩm hoặc trạng từ ở phía sau, đồng thời gắn với tên gọi Việt Nam trong một hoạt động quảng cáo không rõ ràng, không trang trọng, không phù hợp thuần phong mỹ tục (!?)

Rằng "Tên gọi Việt Nam không thể tùy tiện dùng vào mục đích quảng cáo với các slogan thiếu trang trọng như vậy". Một ông bên văn hóa xã rành rẽ dẫn tiếp lời bà Cục trưởng. Theo lệnh đó, Coca-Cola Việt Nam đã thay đổi cụm từ "Mở lon Việt Nam" thành "Cơ hội trúng vàng mỗi ngày" trong các chương trình khuyến mãi sản phẩm trên truyền hình và các phương tiện quảng cáo khác. Rồi toàn bộ nội dung quảng cáo trên tất cả các kênh truyền hình, kỹ thuật số và 70% bảng hiệu quảng cáo ngoài trời đã được thay bằng cụm từ mới. Dự kiến, việc thay các bảng hiệu sẽ hoàn tất vào đầu tháng 7.

Chiêu vội ngụm rượu để đưa khẩu lươn củ chuối, cái cậu bên văn hóa xã nhìn ông trưởng thôn với ánh mắt đầy ngụ ý khi oang oang dẫn lại một tờ báo mạng. Rằng Cục Văn hóa cơ sở đã coi cụm từ "Mở lon Việt Nam" đã vi phạm khoản 3, điều 8, Luật Quảng cáo 2018 là: "Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam".

Vãn cảnh chùa
Vãn cảnh chùa

Đồng thời, cụm từ này còn vi phạm khoản 1, điều 19, Luât Quảng cáo 2018: "Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo".

Tôi giật thót bừng tỉnh cơn rượu khi cái chén sứ của cậu văn hóa xã đánh cạch cái xuống mâm Vậy tôi hỏi các vị cái tên làng Lon này còn có cơ mà tồn tại hay là phải đổi?

Ánh mắt ông trưởng thôn chiếu vào tôi như cầu cứu… Rồi ông vớ lấy cái điếu cày vê vê mồi thuốc rõ lâu, cất giọng thủng thẳng nhưng đượm đầy vẻ băn khoăn mà cái bà Cục trưởng nói thế nào ấy chứ, trái với thuần phong mỹ tục là sao nhỉ?  Mở, bật lon bia hay lon cô ca thì đến đứa trẻ con làng này nó cũng hiểu chứ làm chi phải thay, phải đổi…

Ông phụ trách hội bảo thọ của làng đế theo. Ấy đấy, tôi nghĩ cái tên làng Lon của mình có từ thời cổ hàng bao đời gọi thế có ai nghĩ lạc nghĩ khác sang nghĩa chi bậy bạ đâu nào? Xin lỗi các vị, trong đầu có nghĩ điều chi không trong sáng thì mới suy ra là trái thuần phong mỹ tục chứ nhỉ…

Nắng mặc nắng. Lại tiếp thêm một chai sáu lăm nút lá chuối. Để câu chuyện cứ dài mãi ra của ông hội bảo thọ rằng cái đứa trẻ nít làng ta cũng biết bữa nay thổi cơm thì lấy mấy lon gạo thay cho từ bơ gạo trước đây!

Rồi chuyện ông đi thăm một ông bạn ở Trại cải tạo trước đây ở miền Tây Thanh Hóa. Được biết một thứ vật dụng bất ly thân cực kỳ lợi hại đối với người tù. Gọi là cái lon gui gô. Đó là cái hộp sữa bò bằng nhôm mà người miền Nam trước đây vẫn xài. Dùng xong họ giữ lại dùng vào vô số việc như đựng thuốc, chứa đồ lặt vặt… Lon gui gô ( guigoz) bằng nhôm hoặc hợp kim gì đó rất nhẹ rất bền có nắp đậy.

Người tù dùng đựng nước pha trà hay nấu chui con ếch con nhái, luộc cọng rau kiếm vội được đều rất tiện. Họ coi cái lon guigoz như báu vật thân thiết hằng ngày. Mà có ai gọi là cái lọ cái chai hay cái thùng guigoz đâu. Cũng tương tự thế bây giờ trẻ mỏ hay cánh thanh niên, cấm có đứa nào dùng từ chai hay lọ và cả hộp để gọi lon bia hay Co ca cả?

Những công trình đang được tu bổ
Những công trình đang được tu bổ

Trong cái đà vui vẻ ấy, tôi cũng chỉ còn biết gà gật ba phải theo vậy để giữ cái hòa khí người làng, người nước!

Ông trưởng thôn có một lúc đưa mắt lườm thằng cháu có hoa tay chuyên kẻ vẽ cho làng nãy giờ ngồi hầu rượu im rõ ngoan  bỗng hắn nhảy lên như choi choi  Ơ may quá là may! Ngay chiều nay cháu phải lên anh Tiến Phòng văn hóa trên huyện phụ giúp để thay mấy cái pano áp phích quảng cáo Co Ca cô la! Gì nhỉ, thay mở lon bằng cơ hội trúng vàng… Bọn cháu có dịp cá kiếm rồi các bác ơi! Chừng như đương lúc cao hứng chi đó, hắn hềnh hệch Mà các bác lo gì. Cái bà Cục trưởng mô đó đã cấm không cho gọi làng mình là Lon thì ta thay tên nôm bằng tên chữ. Đại để không là làng Ché, làng Hĩm thì làng Phụ Khoa hay Âm… âm hờ gì đó chẳng hạn…

Đến nước này thì ông Trưởng thôn không lườm nữa mà vớ cái chén tống lia thẳng vào chỗ cu cậu. May mà hắn né được trong tiếng cười đủ mọi cung bậc bất thần bật ra.

 Rồi kết thúc bữa rượu còm, ông trưởng thôn nói như ra lệnh để bác Huyên (tên cũ của tôi ở làng) ra hỏi thẳng Trung ương xem cái tên Lon của làng ta có bị làm sao không!

Làng Lon mùa nắng năm Hợi.