Chuyên gia: Vay 30.000 tỉ đồng vì chi tiêu quá nhiều

(TBKTSG Online) - Câu chuyện thật của đề xuất vay 30.000 tỉ đồng từ Ngân hàng Nhà nước cho ngân sách nhà nước nằm ở đâu? Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online trao đổi với Tiến sỹ Phạm Thế Anh, Đại học Kinh tế Quốc dân.
Chuyên gia: Vay 30.000 tỉ đồng vì chi tiêu quá nhiều

Các tỉnh thi nhau xây dựng các công trình như tượng đài, bảo tàng làm ngân sách thêm khó khăn. Ảnh minh họa: Mô hình Bảo tàng Lịch sử quốc gia dự tính xây dựng với chi phí 11.000 tỉ đồng. Ảnh báo Tuổi trẻ

Các tỉnh thi nhau xây dựng các công trình như tượng đài, bảo tàng làm ngân sách thêm khó khăn. Ảnh minh họa: Mô hình Bảo tàng Lịch sử quốc gia dự tính xây dựng với chi phí 11.000 tỉ đồng. Ảnh báo Tuổi trẻ

Bộ Tài chính đề xuất vay 30.000 tỉ đồng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), song giải thích là không phải ngân sách nhà nước hụt thu. Là chuyên gia chuyên về mảng tài chính công, ông thấy thế nào?

Lẽ thường thì thiếu thì mới đi vay, không thiếu thì vay làm gì. Vấn đề là thiếu tạm thời hay là lâu dài. Nếu thiếu tạm thời thì là bình thường. Chính phủ các nước khác đôi khi cũng lâm vào tình trạng lệch pha giữa thu và chi trong năm tài khóa. Chẳng hạn, đầu năm thu được ít, nhưng chi nhiều, thì đến giữa năm có thể họ phải vay. Đây là vay tạm thời, và phải hoàn trả ngay trong tài khóa.

NHNN đã nói là họ sẽ quyết toán ngay trong năm. Điều này là ổn, nhưng vấn đề là những thông tin này có công khai hay không. Ngân hàng trung ương các nước thông thường có bảng cân đối tài sản công khai, cho ai vay, cuối năm thu lại thế nào, lãi, lỗ ra sao.

Những điều này thì chúng ta không có. NHNN nói cho vay, nhưng không rõ cuối năm có thu lại không, thu lại thì có công bố không, mà ai giám sát? Bộ Tài chính vay thì có trả lãi như khu vực tư nhân không, hay là nhà nước vay nhau thì không lãi gì cả?

Chuyên gia: Vay 30.000 tỉ đồng vì chi tiêu quá nhiều ảnh 2


Tiến sĩ Phạm Thế Anh. Ảnh TL

- Vấn đề ở chỗ, ngân sách lâm vào khó khăn trong bối cảnh kinh tế thì phục hồi, thu 7 tháng lại không giảm so với dự toán. Vì sao có sự mâu thuẫn vậy?

Do thâm hụt thôi, mà nguyên nhân chính là chi nhiều quá. Tới gần 70% chi ngân sách là chi thường xuyên thì quá lớn, chưa kể chi trả lãi vay cũng gần 10%. Chi cho đầu tư phát triển còn lại rất ít.

Bên cạnh đó là hụt thu. Các năm trước lạm phát cao thì thu NSNN đều tăng rất cao, có năm tăng tới 20%. Lạm phát cao thì làm số thu từ thuế, đặc biệt là thuế VAT 10%, đều tăng cao. Năm nay thì thu chỉ tăng ước tính 6-7% thôi. Đó là còn chưa nói đến giá dầu thô sụt giảm.

- Vậy, trong bối cảnh ngân sách khó khăn hiện nay, cần nhất là làm gì?

Quan trọng nhất là phải giảm bộ máy. Bộ máy Nhà nước quá cồng kềnh, trùng lắp. Ngoài ra, có những hoạt động như vui chơi, giải trí, lễ hội, thể thao thì ngân sách không nên chi.

Hiện nay có tình trạng các tỉnh thi nhau xây dựng các công trình như tượng đài, bảo tàng. Vừa rồi lại có đề xuất xây dựng tượng đài 1.400 tỉ đồng. Những công trình này làm ngân sách thêm khó khăn.

Tuy nhiên, lẽ ra phải cơ cấu lại chi, thì tôi lại thấy động thái tăng thêm các loại phí, tạo khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

- Ngân hàng Thế giới (WB) vừa cảnh báo nợ công là vấn đề lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Quan điểm của ông như thế nào?

Đúng vậy. Cách đây ba năm tôi đã cảnh báo điều này. Bắt đầu từ năm 2012 chính sách kinh tế vĩ mô của Việt Nam không phải là vấn đề lạm phát hay tiền tệ, mà là vấn đề chính sách tài khóa, nợ công. Hiện nay, vấn đề đúng là như thế.

Vấn đề nợ công khó giải quyết hơn rất nhiều so với lạm phát. Giải quyết vấn đề lạm phát ông chỉ cần thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất một năm là xong. Nhưng vấn đề nợ công phải mất 5-10 năm mới giải quyết được. Đó là thực sự muốn làm. Nhưng tôi thấy không thực sự muốn làm thì không biết bao giờ mới giải quyết được vấn đề này.

Theo Tư Hoàng - TBKTSG