Chuyên gia Trung Quốc: Mỹ đã tạo ra thách thức chưa từng có trong lịch sử đối với Bắc Kinh

VietTimes -- Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng hiện nay, Hạm đội 3 và Hạm đội 7 tác chiến liên hợp cho thấy Mỹ phần nào có ý đồ tiến hành "sáp nhập vùng biển".
Biên đội tàu sân bay Hạm đội 7 Hải quân Mỹ. Nguồn ảnh: News.qq.com
Biên đội tàu sân bay Hạm đội 7 Hải quân Mỹ. Nguồn ảnh: News.qq.com

Tờ Thời báo Hoàn Cầu Trung Quốc ngày 21/6 dẫn hãng tin VOA Mỹ ngày 15/6 cho hay, 2 tàu khu trục tên lửa của Hạm đội 3 Hải quân Mỹ đã triển khai ở Đông Á vào tháng 4/2016.

Như vậy, Hạm đội 3 Hải quân Mỹ đã điều thêm tàu chiến vượt qua đường thay đổi ngày quốc tế (International date line, đi gần với kinh tuyến 180 độ kinh Đông), đến tập kết với Hạm đội 7 có trụ sở ở Nhật Bản.

Tuy nhiên, quan chức Mỹ không tiết lộ loại hình, số lượng và thời gian cụ thể triển khai thêm các tàu chiến của Hạm đội 3.

Báo chí Nhật Bản ngày 14/6 đã dẫn lời Đô đốc Scott Swift, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết hành động của Hạm đội 3 có liên quan đến "những lo ngại và tính không xác định của khu vực". 

Được biết, căn cứ của Hạm đội 3 Hải quân Mỹ đặt ở San Diego, California. Về truyền thống, hạm đội này chỉ hoạt động ở khu vực bờ đông Thái Bình Dương.

Khi đề cập đến ý đồ của Mỹ trong hành động lần này, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long nói trên kênh truyền hình CCTV Trung Quốc cho rằng trước đây Mỹ rất ít triển khai cơ động vượt khu vực như vậy.

Hải quân Mỹ tuần tra Biển Đông. Nguồn ảnh: Internet
Hải quân Mỹ tuần tra Biển Đông. Nguồn ảnh: Internet

Đỗ Văn Long khẳng định, hiện nay, Hạm đội 3 và Hạm đội 7 tác chiến liên hợp cho thấy Mỹ phần nào có ý đồ tiến hành "sáp nhập vùng biển". Nếu khu vực Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương xuất hiện xu thế "sáp nhập" này thì sẽ dẫn tới một số vấn đề sau:

Trước hết, rất có khả năng đây là nền tảng quan trọng để “chiến lược châu Á - Thái Bình Dương” chuyển thành “chiến lược Ấn Độ Dương và châu Á - Thái Bình Dương”.

Mỹ cho rằng phạm vi của “chiến lược châu Á - Thái Bình Dương” tương đối hẹp. Nếu phạm trù tác chiến có thể từ bờ biển phía đông nước Mỹ mở rộng tới khu vực Ấn Độ Dương, không gian kiểm soát sẽ tiếp tục tăng lớn, hiệu quả phong tỏa, kinh nghiệm và khả năng tác chiến cũng sẽ tiếp tục nâng cao. 

Đặc biệt là nếu tạo ra ưu thế trước Trung Quốc và Nga ở khu vực này, sự chuyển đổi chiến lược như vậy sẽ trở nên rất quan trọng.

Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ. Nguồn ảnh: Internet.
Cụm tấn công tàu sân bay Mỹ. Nguồn ảnh: Internet.

Thứ hai, có thể hình thành "đông tây cùng tiến". Nhìn vào xu thế cơ bản của hai hạm đội - một hạm đội ở hướng đông, một hạm đội hướng tây, nếu lần lượt gây sức ép với Trung Quốc từ Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, rất rõ ràng, Trung Quốc là mục tiêu phong tỏa chủ yếu. 

Nếu tàu chiến chủ lực của hai hạm đội lớn Mỹ đều triển khai "đông tây cùng tiến", mối đe dọa đối với Trung Quốc trên hướng biển có thể tiếp tục tăng lớn, thậm chí chưa từng có trong lịch sử.

Đỗ Văn Long cho rằng hành động này của Mỹ còn có thể hình thành liên kết "2 biển 1 đại dương". Mỹ đang không ngừng can thiệp vào vấn đề biển Hoa Đông và Biển Đông. 

Nếu Mỹ tiếp tục đẩy Thái Bình Dương nóng lên, thì trên toàn bộ hướng biển, sức ép quân sự của Trung Quốc sẽ rất lớn.