Chuyên gia Trung Quốc: Máy bay chiến đấu J-16 hơn hẳn tiêm kích F-15E của Mỹ

VietTimes -- Chuyên gia Trung Quốc cho rằng J-16 là loại máy bay quá độ, có khả năng không chiến và tấn công đối đất, sẽ ứng phó linh hoạt với các tình huống trên chiến trường, tiến hành tác chiến có quy mô.
Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc bay thử. Ảnh: Cankao
Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc bay thử. Ảnh: Cankao

Tờ Nhân Dân Trung Quốc ngày 11/10 cho hay gần đây hình ảnh bay thử máy bay chiến đấu mới nhất J-16 của Quân đội Trung Quốc tiếp tục xuất hiện.

J-16 là máy bay chiến đấu ném bom đa dụng thế hệ thứ ba mới được phát triển trên nền tảng máy bay chiến đấu dòng J-11 của Công ty máy bay Thẩm Dương, Trung Quốc.

Ngày 17/10/2011, J-16 đã bay lần đầu tiên ở Thẩm Dương, trang bị radar mảng pha quét điện tử tự động, có thể đồng thời tấn công nhiều mục tiêu và nhận biết thông tin có liên quan của mục tiêu.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Vương Minh Lượng cho rằng, J-16 là máy bay chiến đấu có khả năng không chiến và khả năng tấn công đối đất mạnh, là máy bay chiến đấu kiêm tấn công-phòng thủ thực sự.

Máy bay này tương tự tính năng của máy bay chiến đấu F-15E Mỹ, nhưng lượng tải đạn và tính năng hệ thống điều khiển hỏa lực được tăng cường khá lớn.

Về quân sự, loại hình hành động quân sự được phân thành tấn công và phòng thủ, thường xuất phát từ sự cân nhắc có tính chuyên nghiệp, sẽ do lực lượng chuyên môn lần lượt thực hiện nhiệm vụ tấn công hoặc phòng thủ.

"Nhưng, trên chiến trường thực tế, tình hình vô cùng phức tạp, thay đổi khôn lường, trạng thái tấn công và phòng thủ sẽ chuyển đổi bất cứ lúc nào, vì vậy cần có máy bay chiến đấu đa dụng J-16 để ứng phó linh hoạt với các loại tình hình trên chiến trường" - Vương Minh Lượng cho biết.

Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc (ảnh tư liệu)

Sau khi J-16 được đưa ra, báo chí Nga dự đoán máy bay này là sản phẩm sao chép của Su-30. Nhưng báo chí Trung Quốc cho hay J-16 và Su-30 chỉ có thể là "anh em cùng mẹ", đều có nguồn gốc từ Su-27, nhưng con đường nghiên cứu phát triển hoàn toàn không giống nhau.

Vương Minh Lượng cho biết J-16 quả thật đã kế thừa một phần công nghệ quan trọng của máy bay Nga, chẳng hạn ngoại hình khí động học hoàn thiện, thiết bị điện tử hàng không và hệ thống động cơ.

Nhưng, Trung Quốc đã tiến hành tự chủ sáng tạo trên các phương diện như hệ thống điều khiển hỏa lực và vũ khí trên máy bay, tính năng "tốt hơn" Su-30 Nga.

Đến nay, các nước trên thế giới đều đang ra sức phát triển máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ tư, nhất cử nhất động của các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư J-20 và J-31 Trung Quốc đều gây chú ý lớn cho dư luận.

Có tờ báo cho rằng trong tương lai Trung Quốc không thể chỉ trang bị 2 loại máy bay chiến đấu J-20 và J-31; J-16 sẽ bổ sung cho J-20, trở thành một trong những máy bay chiến đấu chủ lực của Quân đội Trung Quốc trong tương lai.

"Trong tương lai, máy bay thế hệ thứ tư sẽ trở thành nòng cốt trong không chiến của Quân đội Trung Quốc, nhưng chủ thể vẫn là máy bay thế hệ thứ ba" - Vương Minh Lượng khẳng định.

Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc. Ảnh: Sina
Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc. Ảnh: Sina

Vương Minh Lượng cho rằng J-16 là một loại máy bay quá độ giữa thế hệ thứ ba và thế hệ thứ tư, là một trang bị mang tính nối tiếp, thuộc máy bay thế hệ thứ ba, nhưng tính năng tiên tiến hơn.

Trong tương lai, máy bay thế hệ thứ tư dựa vào tính năng tàng hình và tính năng cơ động cao, có thể hoàn toàn làm thay đổi quy tắc chiến trường, nhưng do giá cả đắt đỏ, mức độ hoàn thiện về tính năng và trang bị vẫn chưa được kiểm nghiệm chiến đấu thực tế.

Bất cứ nước nào đều không dám và không thể hoàn toàn đánh cược an toàn trên không của mình cho máy bay thế hệ thứ tư. Vì vậy, Quân đội Trung Quốc vẫn cần loại máy bay có tính năng ổn định, tốt hơn thế hệ thứ ba truyền thống như J-16, làm một bộ phận quan trọng trong hệ thống tấn công - phòng thủ.

Vương Minh Lượng còn cho biết trong tương lai máy bay thế hệ thứ ba và máy bay thế hệ thứ tư chắc chắn sẽ phối hợp tác chiến có hệ thống.

Trong đó, máy bay thế hệ thứ tư không chỉ phải trở thành "mũi nhọn", thực hiện nhiệm vụ "phá cửa", mà còn phải trở thành trung tâm thông tin chỉ huy trên không "cỡ nhỏ", dựa vào ưu thế tàng hình để tiến hành trinh sát tình báo và truyền tin về hệ thống phòng không của đối phương, thậm chí ra lệnh tác chiến.

Trong khi đó, những máy bay thế hệ thứ ba như J-16 sẽ thực hiện nhiệm vụ tác chiến có quy mô.

Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc (ảnh tư liệu)
Máy bay chiến đấu J-16 Trung Quốc (ảnh tư liệu)