Chuyên gia thuỷ điện Nguyễn Tài Sơn: Đừng bài xích thuỷ điện nhỏ!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Theo chuyên gia thuỷ điện Nguyễn Tài Sơn, những lợi ích mà thuỷ điện nhỏ mang lại là vô cùng lớn, do đó không có căn cứ để bài xích những công trình dự án này.
Chuyên gia thuỷ điện Nguyễn Tài Sơn
Chuyên gia thuỷ điện Nguyễn Tài Sơn

Phát biểu tại buổi sinh hoạt chuyên đề “Thuỷ điện nhỏ và vấn đề lũ lụt” do CLB Café Số và VietTimes phối hợp thực hiện vào sáng hôm nay (30/10), chuyên gia thuỷ điện Nguyễn Tài Sơn cho biết nhiều nước trên thế giới đều tìm cách để khai thác thuỷ điện nhỏ.

Cụ thể, theo ông Nguyễn Tài Sơn, thuỷ điện là năng lượng tái tạo sạch nhất trong các nguồn năng lượng. Đặc biệt, thuỷ điện không tiêu hao lượng nước của dòng chảy, nó còn góp phần dự trữ và điều tiết nguồn nước cho ngành nông nghiệp. Các tác động đến môi trường do thuỷ điện nhỏ gây ra là không đáng kể, trong khi những lợi ích mà nó mang lại là vô cùng lớn.

Tại Việt Nam, thuỷ điện đang đóng góp từ 30-40% cho hệ thống điện quốc gia.

Hiện nay, thuỷ điện được chia làm 3 loại là thuỷ điện có hồ điều tiết dài hạn (thuỷ điện lớn), thuỷ điện có hồ điều tiết ngắn hạn (thuỷ điện nhỏ) và thuỷ điện không điều tiết. Do điều kiện về địa hình, địa chất tại Việt Nam nên các dự án thuỷ điện được cấp phép đầu tư xây dựng chủ yếu là thuỷ điện nhỏ.

Chuyên gia thuỷ điện Nguyễn Tài Sơn chia sẻ tại buổi toạ đàm

Theo vị chuyên gia này, Việt Nam có nhiều con sông hẹp, mùa khô nước rất ít, còn mùa mưa lũ thì nước dâng rất cao. Nhưng trong “đời sống” của một con sông sẽ có 1 hành lang thoát lũ tự nhiên. Những vị trí đó hầu như không có rừng, hoặc có rừng rất ít. Việc khai thác thuỷ điện nhỏ chủ yếu tập trung vào những khu vực này nên rừng mất không đáng kể, bình quân 1,92 ha rừng/MW.

Đối với một số thông tin cho rằng, hiện nay Mỹ đang cho tháo dỡ hàng nghìn dự án thuỷ điện để tập trung sang các nguồn năng lượng khác, ông Sơn khẳng định thông tin này là hoàn toàn sai sự thật. Các dự án được tháo dỡ là do đã hết hạn hoạt động hoặc không thể tiếp tục khai thác.

Về vấn đề lũ lụt tại miền Trung, ông Sơn khẳng định thuỷ điện không thể gây ra lũ, thậm chí nó còn làm giảm các tác động của lũ tự nhiên.

Ví dụ tại thuỷ điện Hương Điền (Huế), dự án này đã giảm thiểu lưu lượng lũ đến 45%, tuy nhiên lượng nước xả xuống vẫn lớn nên thiệt hại gây ra là không thể tránh khỏi.

Các hồ thủy điện khác cũng đã góp phần không nhỏ vào việc cắt lũ, như hồ Quảng Trị cắt 21% đỉnh lũ, hồ Bình Điền 42,3%, Sông Bung 4 cắt 42,7%, Đăk Mi 4 cắt 74,7%, đặc biệt trận lũ ngày 29/10, hồ Sông Tranh 2 cắt tới hơn 50%...

“Khi có lũ, thủy điện giữ bao nhiêu thì cắt đi bấy nhiêu, còn lại nhả lại ra sông, tức là chỉ thủy điện chỉ cắt đi lũ chứ không sinh ra. Bản chất lũ không phải do thủy điện mà quan trọng phải quản lý cho tốt, lơ là thì sẽ có hậu quả” – ông Sơn nói.

Liên quan đến vụ sạt lở tại Quốc lộ 71, gần khu vực thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên - Huế), ông Đỗ Đức Quân (Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo – Bộ Công Thương) cho hay sự cố xảy ra cách công trình vài trăm mét.

Còn tại công trình Rào Trăng 3, đến nay, các công trình chính, đập, nhà máy... đều không gặp vấn đề gì. Với các công trình như Rào Trăng 3, mái dốc, mái công trình, mái phía đập đều phải được kiểm tra, đảm bảo an toàn.

Sẽ rà soát và đánh giá lại các dự án thuỷ điện

Trao đổi với báo chí, ông Đỗ Đức Quân cho biết hiện các công trình thủy điện khi đưa vào xây dựng phải trải qua nhiều thủ tục liên quan đến Luật Xây dựng, Luật Điện lực, Luật Tài nguyên môi trường, Luật Thủy Lợi...

Bộ Công Thương đã dừng không bổ sung quy hoạch các dự án dưới thủy điện nhỏ dưới 3 MW, các dự án ảnh hưởng đất rừng, đất lúa, môi trường từ nhiều năm.

“Tuy nhiên, liên quan vấn đề thủy điện, các địa phương cũng cần đánh giá lại, với tình hình cực đoan thời tiết như này, kế hoạch xây dựng ra sao để có kế hoạch phát triển về sau” – ông Quân nói.

Ông Đỗ Đức Quân đại diện Bộ Công thương trả lời câu hỏi

Về vấn đề xây dựng các dự án thủy điện trong tương lai, ông Vũ Thanh Ca (Khoa môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cũng cho rằng, cần hết sức thận trọng khi thiết kế và thi công xây dựng thủy điện.

“Phải lập thẩm định và phê duyệt dự án một cách nghiêm túc báo cáo đánh giá tác động môi trường, có kế hoạch giảm thiểu tác động môi trường của hồ, đập thủy điện để đảm bảo xem xét, giảm thiểu mọi nguy cơ tác động môi trường mà thủy điện đem lại” – ông Ca nêu quan điểm./.