Chuyên gia Stephen Olson: Thương chiến Mỹ - Trung là quá trình không thể đảo ngược, bất kể Trump có tái đắc cử hay không!

VietTimes -- "Việc ông Trump có tái đắc cử hay không thì tôi nghĩ rằng cũng không quá ảnh hưởng đến thương chiến. Đó là một quá trình phải diễn ra và không thể đảo ngược" - theo Stephen Olson.
Ông Stephen Olson (thứ hai từ trái sang) đang trao đổi tại buổi gặp gỡ báo chí của quỹ Hinrich Foundation, diễn ra tại TP. HCM vào cuối tháng 9/2019.
Ông Stephen Olson (thứ hai từ trái sang) đang trao đổi tại buổi gặp gỡ báo chí của quỹ Hinrich Foundation, diễn ra tại TP. HCM vào cuối tháng 9/2019.

Thương chiến Mỹ - Trung có thể sẽ diễn biến theo chiều hướng như thế nào và điều này sẽ ảnh hưởng ra sao đến Việt Nam(?), chuyên gia thương mại quốc tế người Mỹ, ông Stephen Olson (Quỹ Nghiên cứu Hinrich – trụ sở tại Hongkong) đã có cuộc trò chuyện cùng chúng tôi về đề tài này.

Theo quan điểm của ông, đâu là yếu tố mâu thuẫn chính giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay?

Theo tôi mâu thuẫn chính ở đây chính là sự khác biệt lớn giữa hai hệ thống kinh tế. Trong đó, một bên đứng đầu là Mỹ với triết lý “thị trường tự do” (free market), và một bên là Trung Quốc, với triết lý “thị trường có sự điều tiết của nhà nước”.

Điều này dẫn đến nhiều vấn đề mâu thuẫn khác mà nhiều người có thể nhìn thấy trên bề mặt của cuộc thương chiến Mỹ - Trung hiện nay.

Ông nghĩ rằng liệu Trung Quốc có nhượng bộ trước sức ép của Mỹ?

Thật ra, chúng ta không nên kì vọng quá nhiều vào sự thay đổi về quan điểm của lãnh đạo Trung Quốc trong tương lai gần.

Hệ thống chính trị của Trung Quốc được tổ chức rất chặt chẽ, theo mô hình “chỉ đạo từ trên xuống” (top down), do đó không dễ gì có được sự thay đổi về cơ bản, như cách mà phía Mỹ mong muốn. Nhưng tôi cho rằng Mỹ sẽ không ngừng lại cho đến khi Trung Quốc có một sự nhượng bộ lớn.

Liệu phía Trung Quốc có nên hi vọng nhiều vào việc Tổng thống Donald Trump bận rộn cho cuộc bầu cử nhiệm kỳ hai và xao nhãng cuộc thương chiến, hoặc ông Trump sẽ không tái đắc cử và một Tổng thống Mỹ khác với quan điểm nhẹ nhàng hơn?

Từ quan điểm của đa số người Mỹ, cuộc thương chiến Mỹ - Trung là một điều không thể tránh khỏi. Từ thời Tổng thống B. Obama, ông ấy cũng đã có chiến lược “xoay trục” về phía châu Á và có những động thái nhằm đối thoại với Trung Quốc nhiều hơn.

Đến thời của Trump, đó là một sự tiếp nối của một cuộc đối đầu phát sinh từ những mâu thuẫn giữa hai cường quốc. Chỉ có điều do phong cách của Tổng thống Trump khá “bốc lửa” (“fire and fury”) và thích đưa ra những cuộc đàm phán hơi kịch tính, nên chúng ta thấy rằng cuộc chiến tranh thương mại đang được đẩy lên cao.

Tôi cũng nhận thấy một điều rằng trong các cuộc họp của Lưỡng viện Hoa Kỳ, các nghị sĩ đảng Dân chủ có thể bất đồng với phe Cộng hòa và ông Trump trong nhiều vấn đề, song cứ hễ đề cập đến những biện pháp thương chiến với Trung Quốc thì tất cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa đều nhiệt thành ủng hộ ông Trump.

Vậy nên việc ông Trump có tái đắc cử hay không thì tôi nghĩ rằng cũng không quá ảnh hưởng đến thương chiến. Đó là một quá trình phải diễn ra và không thể đảo ngược.

Phía Việt Nam nên có những hành động gì nhằm ứng phó với cuộc thương chiến dự kiến sẽ còn kéo dài này?

Thứ nhất, Việt Nam cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các bạn không có nguồn nhân công khổng lồ đến khoảng 200 triệu người trong độ tuổi lao động có thể làm công nhân như Trung Quốc, nên các bạn không có những lợi thế cạnh tranh theo kiểu “số nhiều” đó.

Thứ hai, chắc các bạn cũng thấy, đó là vấn đề về cơ sở hạ tầng. Điều đó có tương quan với vấn đề thứ ba, đó là chất lượng của nguồn vốn đầu tư nước ngoài – FDI. Tôi cho rằng chính phủ Việt Nam cần lưu tâm hơn về chất lượng của nguồn vốn FDI, cũng như các công trình lớn về cơ sở hạ tầng có sử dụng nguồn vốn này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Khó có thay đổi về cấu trúc nền kinh tế Trung Quốc

Ông Phạm Việt Anh, chuyên gia Chiến lược tăng trưởng doanh nghiệp, cũng đồng thuận với luận điểm chính của Stephen Olson.

Theo chia sẻ của ông Phạm Việt Anh, Trung Quốc đã phải nhún nhường, nhưng mục tiêu quan trọng nhất Mỹ vẫn chưa đạt được qua thương chiến, đó là yêu cầu về một thay đổi mang tính cấu trúc (structural change) với Trung Quốc: Structural adjustment program (SAP, tức Chương trình điều chỉnh tái cấu trúc).

Đây là thuật ngữ thường được các tổ chức thuộc hệ thống kinh tế Bretton Woods và Đồng thuận Washington sử dụng, đòi hỏi việc thu hẹp vai trò của chính phủ trong nền kinh tế bằng cách cắt giảm ngân sách, tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước, và giảm điều tiết, đặc biệt là điều tiết thương mại quốc tế.

Vấn đề của nền kinh tế Trung Quốc lại là yếu tố cơ cấu, nên khó mà điều chỉnh bởi những giải pháp vĩ mô qui chuẩn, vốn không hậu thuẫn cho một thể chế độc tài, thiếu minh bạch. Do đó, một sự thay đổi cấu trúc như yêu cầu của Mỹ là điều chưa thể.

Trung Quốc kiểm soát chặt chẽ quá trình chuyển đổi kinh tế vì cho rằng dự kiểm soát của nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì ổn định xã hội, vốn là nhân tố không thể thiếu đối với tăng trưởng kinh tế. Do vậy, Trung Quốc khó có thể mở cửa hoàn toàn thị trường tài chính, tự do hóa kinh tế toàn phần và dân chủ hóa mà không đối diện với nguy cơ mất ổn định kéo dài, tạo cơ hội cho Mỹ.

“Nhưng dù sao, dưới sức ép của các nước phương tây và những diễn biến trong thời gian gần đây, một số đổi mới cần thiết về thể chế là điều mà Trung Quốc đang từng bước triển khai, miễn là những đổi mới ấy có có lợi và đạt được các mục tiêu phát triển quốc gia, đồng thời vẫn trở nên thân thiện hơn với xã hội dân sự và kinh tế thị trường tự do” - ông Phạm Việt Anh nhận định./.