Chuyên gia Mỹ: Đảo nhân tạo phi pháp bắt đầu "gây áp lực liên tục" ở Biển Đông

Chuyên gia Gregory Poling thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) cảnh báo việc Trung Quốc hoàn tất bộ ba đảo nhân tạo xây dựng phi pháp ở Biển Đông đồng nghĩa với việc “Trung Quốc có khả năng và ý định theo dõi mọi động thái ở Biển Đông và can thiệp bất cứ ở đâu và bất kỳ lúc nào thấy phù hợp”.
Cận cảnh Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự tại quần đảo Trường Sa. Khu vực màu đỏ là nơi bố trí các hệ thống radar. Khu vực màu xanh dương là nhà chứa máy bay; Khu màu vàng xây dựng c
Cận cảnh Đá Chữ Thập đã bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng và các công trình quân sự tại quần đảo Trường Sa. Khu vực màu đỏ là nơi bố trí các hệ thống radar. Khu vực màu xanh dương là nhà chứa máy bay; Khu màu vàng xây dựng c

Hơn một năm trước, cựu giám đốc cơ quan tình báo quốc gia của Mỹ James Clapper đã gửi một lá thư cho Thượng nghị sĩ John McCain thuộc Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ dự báo rằng “Trung Quốc sẽ hoàn tất các cơ sở phòng thủ và phản công tại quần đảo Trường Sa vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017”. Giới quan sát nhận định điều này đang trở thành sự thật.

Sau gần hai năm theo dõi, cơ quan Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington DC (Mỹ) vừa cho biết Trung Quốc hiện đã có thể sẵn sàng triển khai các thiết bị quân sự, trong đó có các chiến đấu cơ và các khẩu đội tên lửa tới quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam) bất cứ lúc nào.

Ông Poling, một chuyên gia về Đông Nam Á tại CSIS nhận xét: “Mọi quốc gia trong khu vực có lẽ thực sự lo ngại về chuyện xây dựng này.

Trung Quốc đã bồi đắp, xây dựng phi pháp 7 hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông, khiến nhiều quốc gia lên tiếng chỉ trích. Theo AMTI, việc xây dựng trái phép đã hoàn tất trên các bãi đá Chữ Thập, Subi và Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa.

Trung Quốc luôn bác bỏ chỉ trích của Mỹ rằng nước này đang quân sự hóa Biển Đông, dù trong chuyến thăm Úc mới đây thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã tuyên bố rằng các thiết bị đặt trên những hòn đảo nhân tạo (xây dựng phi pháp) là nhằm để duy trì “tự do hàng hải”.

Bắc Kinh cũng luôn biện bạch rằng các hòn đảo nhân tạo (phi pháp) được xây dựng cho các mục đích dân sự, đặc biệt là để bảo vệ các tàu bè qua lại tuyến hàng hải chiến lược này. Trung Quốc còn trấn an dư luận rằng sẽ không cản trở tàu bè cũng như máy bay qua khu vực tranh chấp, nhưng giới quan sát lo ngại không rõ chuyện đó có áp dụng đối với các tàu và máy bay quân sự hay không.

Cho đến nay, Trung Quốc chưa xác nhận liệu nước này có kế hoạch tuyên bố vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông như từng làm với Biển Hoa Đông hay không. Ông Poling khuyến cáo: “Trung Quốc nhiều lần nói rằng họ sẽ làm như vậy khi thời điểm chín muồi. Khả năng phòng không và radar như hiện thời có thể giúp Bắc Kinh tiến gần hơn nhiều tới khả năng thiết lập một ADIZ”.

Theo chuyên gia Mỹ, hệ quả lâu dài của việc Trung Quốc lắp đặt tên lửa, radar hay các thiết bị khác trên các đảo nhân tạo này khá sâu rộng. Ông Poling cảnh báo: “Chúng ta sẽ chứng kiến sự hiện diện 24/7 của lực lượng bán quân sự, tuần duyên, hàng không và hải quân của Trung Quốc lần đầu tiên trên dải phía nam của Biển Đông”.

Ông Poling dự báo các nước Indonesia, Malaysia và Philippines sẽ bắt đầu cảm nhận “áp lực liên tục” mà Việt Nam đã trải nghiệm trong nhiều thập kỷ với Trung Quốc liên quan tới quần đảo Hoàng Sa (Bắc Kinh dùng vũ lực cưỡng chiếm phi pháp).

Trong trường hợp Trung Quốc đơn phương lập ADIZ ở Biển Đông, phi công các nước khi bay qua vùng này sẽ phải khai báo nhân thân cũng như công bố đường bay cho các kiểm soát viên không lưu của Trung Quốc và phải làm theo hướng dẫn của Bắc Kinh. “Việc vấp phải các lực lượng Trung Quốc sẽ trở nên thường xuyên hơn, và điều đó đồng nghĩa với việc cuộc khủng hoảng sắp tới sẽ là thời điểm, chứ không phải khả năng xảy ra”, chuyên gia Mỹ cảnh báo.

Giới phân tích lo ngại rằng với các căn cứ không quân tại 3 đảo nhân tạo xây dựng phi pháp trên và thêm một căn cứ ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam), máy bay quân sự của Trung Quốc sẽ có thể hoạt động gần như trên toàn bộ Biển Đông. Tầm hoạt động của radar Trung Quốc cũng bao phủ gần cả Biển Đông.

Trong khi đó, bộ quốc phòng Trung Quốc ngày 30/3 thản nhiên tuyên bố rằng, “không có cái gọi là đảo nhân tạo” ở Biển Đông. Người phát ngôn bộ này lặp lại biện bạch quen thuộc rằng bất kỳ công trình xây dựng nào tại đây chủ yếu cũng "nhằm phục vụ các mục đích dân sự".