Chuyện gì đằng sau “hài kịch” bức phù điêu có hình hiệu trưởng ở Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam?

VietTimes – Nhiều họa sĩ xôn xao đặt câu hỏi về những chuyện “đằng sau” bức phù điêu không đạt thẩm mỹ nhưng có hình ảnh thầy Hiệu trưởng treo ngay ở lối vào Trường?
Bức phù điêu có hình ảnh trung tâm là thầy Hiệu trưởng Lê Văn Sửu - Ảnh: LQH
Bức phù điêu có hình ảnh trung tâm là thầy Hiệu trưởng Lê Văn Sửu - Ảnh: LQH

Thầy hiệu trưởng không nhận ra chính mình trong bức phù điêu

“Chuyện thật như đùa. Ông hiệu trưởng thì không dạy điêu khắc, nhưng nếu những người thầy dạy điêu khắc trong môi trường ấy - những người thầy đi học ở Âu, Mỹ, Pháp… về mà có thể thấy những chuyện như thế là bình thường, thì thật nực cười? Bất cứ họa sĩ nào có chuyên môn về điêu khắc đều không thể thừa nhận điều gì từ bức phù điêu này. Tự đưa mình vào phù điêu, lại chọn vị trí treo ngay cổng trường đi vào như thế, thật ngớ ngẩn” – Họa sĩ Lê Huy Tiếp bảo “không muốn nói về vấn đề này”.

Được biết, bức phù điêu đặt ở lối vào Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam từ tháng 9/2019, mô tả không gian lớp học, trong đó hình ảnh trung tâm rất giống thầy Hiệu trưởng đương nhiệm. Tác phẩm là điêu khắc của tác giả Nguyễn Xuân Vinh, vừa tốt nghiệp cao học khoa Điêu khắc tại Trường.

Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tiền thân là trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, ra đời năm 1924 do họa sĩ người Pháp Victor Tardieu sáng lập, là cái nôi sản sinh ra hầu hết các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam, đặc biệt là họa sĩ thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương...

Mái trường mang nhiều yếu tố lịch sử chưa từng có tiền lệ tạc tượng hay gắn phù điêu có hình ảnh các vị Hiệu trưởng danh tiếng lẫy lừng, cống hiến đóng góp cho Mỹ thuật Việt, như Hiệu trưởng Tô Ngọc Vân, hay Hiệu trưởng Trần Đình Thọ.

Bức phù điêu treo ở lối vào trưởng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: Hoàng Huế
Bức phù điêu treo ở lối vào trưởng Mỹ thuật Việt Nam - Ảnh: Hoàng Huế

Họa sĩ Lê Thiết Cương đánh giá: “Bức phù điêu chỉ đáng là bài tập, ký họa, hoặc ghi chép, chưa thể gọi là tác phẩm hoàn chỉnh, chưa có bất cứ sự sáng tạo nào, không hề có yếu tố nào hấp dẫn về mặt thị giác”.

Một ngôi trường đậm tính chuyên môn mỹ thuật như thế lại có thể treo lên ngay vị trí cổng vào một bức phù điêu không hề đẹp, mà nhân vật chính xuất hiện trong đó, lại là thầy Hiệu trưởng đương nhiệm.

“Cho dù ông Sửu có thanh minh rằng không chỉ đạo thực hiện phù điêu có hình mình, nhưng với vị trí là một hiệu trưởng đương nhiệm, theo dõi từ phác thảo ý tưởng đến khi thực hiện, mà lại không nhìn thấy hình ảnh mình trong đó, nghe nực cười quá” – Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận xét.

Chuyện gì đằng sau tấm phù điêu?

Thầy Hiệu trưởng Lê Văn Sửu mới đây lên tiếng cho rằng việc hình ảnh ông xuất hiện trong tác phẩm là tai họa chứ không phải vinh dự gì. “Tôi đã nói với thầy hướng dẫn, học viên làm vậy là hại tôi”, ông Sửu nói.

Trong khi Phó Hiệu trưởng - PGS. TS Ngô Tuấn Phong, phụ trách Khoa Điêu khắc đồng thời là người hướng dẫn học viên Nguyễn Xuân Vinh - thì cho rằng Hiệu trưởng xuất hiện trong phù điêu là hoàn toàn bình thường.

Hình ảnh thầy hiệu trưởng vào bức phù điêu lớn treo ở cổng trường
Một phần của bức phù điêu cho thấy hình ảnh thầy hiệu trưởng Lê Văn Sửu


Theo thông tin từ các giảng viên trong Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho biết thì ban đầu bức phù điêu này không được chọn trưng bày. Nhưng sau khi Hội đồng, trong đó có thầy Hiệu trưởng Lê Văn Sửu và Hiệu phó Ngô Tuấn Phong, đồng thuận chấm tác phẩm 9,5 điểm với lý do đây là: “Sáng tạo nội dung và hình thức nghệ thuật”, thì bức phù điêu đã được treo lên.

Họa sĩ Lê Thiết Cương phân tích: “Chỉ cần phân tích cụm từ “sáng tạo nội dung” đã thấy rất phi lý. Nghệ thuật có hai phạm trù, một là nội dung hai là hình thức thì phần sáng tạo chỉ thuộc về hình thức. Ví dụ như nội dung của bức phù điêu này, trong đó có thầy và trò của một lớp học, nội dung ấy hoàn toàn không có giá trị gì, không cũ, không mới, không sai, không đúng. Đề tài ấy có trở thành tác phẩm không là phụ thuộc vào cái tài sáng tạo của người nghệ sĩ, bằng hình thức thể hiện của điêu khắc là tạo hình, bố cục, chất liệu…”

Nhiều họa sĩ xôn xao đặt vấn đề hay là còn những chuyện “đằng sau”, nên bức phù điêu đó đã được lắp đặt lên như một thứ “giả nghệ thuật” để che chắn cho vấn đề thực sự đang khuất lấp?

“Vấn đề là dù ông Hiệu trưởng có cho sửa chữa gương mặt Hiệu trưởng thành mặt người khác thì tác phẩm cũng vô nghĩa, không có tính nghệ thuật, không xứng đáng để mà treo lên ở vị trí trang trọng ngay cổng vào Trường Đại học Mỹ thuật như thế” – Họa sĩ Lê Thiết Cương nhận định.

“Trước một vấn đề mà xã hội đặt ra, người nghệ sĩ chỉ có một cách lên tiếng duy nhất, đẹp nhất, thuyết phục nhất bằng chính tác phẩm của mình” – Họa sĩ Lê Thiết Cương đúc kết.