Chuyển đổi số và kiến trúc Chính quyền điện tử TP.HCM

VietTimes – Chuyển đổi số không chỉ là một xu thế về công nghệ trên toàn cầu, mà còn tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của kinh tế, xã hội. 
Trung tâm điều hành giao thông thông minh TPHCM. Ảnh: thanhuytphcm.vn
Trung tâm điều hành giao thông thông minh TPHCM. Ảnh: thanhuytphcm.vn

TP.HCM là thành phố lớn, năng động, là đầu tàu kinh tế của cả nước nên sẽ không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi số. UBND TP.HCM mới đây đã ban hành Quyết định số 2392/QĐ-UBND cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh và Quyết định số 2393/QĐ-UBND phê duyệt Chương trình chuyển đổi số.

Kiến trúc Chính quyền điện tử Thành phố Hồ Chí Minh là một kế hoạch tổng thể giúp định hướng triển khai một cách thống nhất và đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước của thành phố, đáp ứng các mục tiêu chiến lược của Thành phố Hồ Chí Minh phát triển thành đô thị thông minh.

Bên cạnh đó, thành phố cần có các định hướng, giải pháp để chủ động tối ưu hóa các lợi ích từ chuyển đổi số trong mối tương quan với Đề án Xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh và Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố, đồng thời giảm thiểu các tác động tiêu cực do quá trình chuyển đổi số gây nên, nhất là phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Thúc đẩy chuyển đổi số tại TP.HCM cũng chính là thúc đẩy nhiều việc đang làm và sẽ làm ở mức cao hơn, như Kho dữ liệu dùng chung (hạ tầng dữ liệu) hay Đề án xây dựng đô thị thông minh (hướng đến xã hội số).

TP.HCM cập nhật Kiến trúc Chính quyền điện tử nhằm cập nhật kiến trúc hiện tại với các kết quả triển khai đã thực hiện từ khi Kiến trúc được ban hành đến nay; đồng thời làm rõ sự tương quan và phù hợp của Kiến trúc Chính quyền điện tử với định hướng chuyển đổi số của thành phố, Đề án Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.

Thành phố cũng đặt ra mục tiêu các chương trình đầu tư công nghệ thông tin đạt được hiệu quả; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất, liên thông của các hệ thống thông tin của thành phố nhằm theo kịp sự phát triển nhanh chóng của các giải pháp công nghệ mới như công nghệ dữ liệu lớn (Big Data); ảo hóa, điện toán đám mây; xu hướng tăng cường tính di động; Internet vạn vật (Internet of things – IoT).

Ông Đào Thanh Tú, Phó Tổng giám đốc Công nghệ Thông tin của Prudential nói về chuyển đổi số tại một hội thảo
Ông Đào Thanh Tú, Phó Tổng GĐ phụ trách CNTT của Prudential nói về chuyển đổi số tại một hội thảo (Ảnh: Hòa Bình) 

Chương trình Chuyển đổi số của TP.HCM được xây dựng dựa trên Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Đề án Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 và Kiến trúc Chính quyền điện tử thành phố. Các nội dung chủ yếu của Chương trình Chuyển đổi số của thành phố, với tầm nhìn đến năm 2030, TP.HCM sẽ trở thành đô thị thông minh với sự đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động của bộ máy chính quyền số, của các doanh nghiệp số và sự thịnh vượng, văn minh của một xã hội số.

Mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số của thành phố Hồ Chí Minh là phát triển chính quyền số, kinh tế số, chuyển đổi số trong các ngành với tinh thần là đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong thực hiện mô hình tăng trưởng mới. Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, phong trào đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động, là trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn. Khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp có quy mô lớn, tiềm lực mạnh, có khả năng cạnh tranh cao ở khu vực. Thực hiện tăng trưởng xanh.

Cho đến 2025, mục tiêu cơ bản TP.HCM phải đạt được là 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 phổ biến, liên quan tới nhiều người dân, doanh nghiệp được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia; 100% giao dịch trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, Cổng Dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành phố Hồ Chí Minh được xác thực điện tử.

Tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trên tổng số hồ sơ đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; tối thiểu 90% người dân và doanh nghiệp hài lòng về việc giải quyết thủ tục hành chính.

60% các hệ thống thông tin của các sở, ngành, quận, huyện có liên quan đến người dân, doanh nghiệp đã đưa vào vận hành, khai thác được kết nối, liên thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; thông tin của người dân, doanh nghiệp đã được số hóa và lưu trữ tại Trung tâm dữ liệu thành phố không phải cung cấp lại.

Đặc biệt là 90% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng (không bao gồm hồ sơ xử lý công việc có nội dung mật).

Kho dữ liệu dùng chung và hệ sinh thái dữ liệu mở được kết nối với các CSDL quốc gia (gồm CSDL quốc gia về Dân cư, Đất đai, Đăng ký doanh nghiệp, Tài chính, Bảo hiểm) để phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.

Cả bệnh viện, bác sĩ và người bệnh đều phải vượt qua các rào cản bởi quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử là xu thế tất yếu (Ảnh: Internet)
Cả bệnh viện, bác sĩ và người bệnh đều phải vượt qua các rào cản bởi quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử là xu thế tất yếu (Ảnh: Internet)

Để chuyển đổi số, TP.HCM đưa ra một số giải pháp như: Đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về chuyển đổi số (cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân và doanh nghiệp thành phố); Phát triển hạ tầng số (bao gồm hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin, hạ tầng Internet vạn vật, hạ tầng dữ liệu).

Phát triển nền tảng số (bao gồm các nền tảng như nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, nền tảng Internet vạn vật, nền tảng trí tuệ nhân tạo, nền tảng kết nối dịch vụ số hóa, nền tảng chuỗi khối (blockchain), nền tảng định danh điện tử) đồng thời đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Sứ mệnh của các doanh nghiệp CNTT-TT trong quá trình chuyển đổi số của thành phố được đề cao với các dự án thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; đồng thời triển khai chính quyền số phục vụ phát triển kinh tế số.

Mục tiêu cơ bản đến 2030:

-  100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau, bao gồm cả thiết bị di động, 100% hồ sơ công việc ở cấp thành phố, 100% hồ sơ công việc ở cấp quận, huyện và 95% hồ sơ công việc ở cấp phường, xã được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước);

-  Hình thành đầy đủ nền tảng dữ liệu của đô thị thông minh phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, dữ liệu được chia sẻ rộng khắp trong toàn xã hội (trừ những dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước), giảm 40% thủ tục hành chính;

-  Tăng 40% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân và doanh nghiệp;

-  TP.HCM thuộc nhóm 2 địa phương dẫn đầu về chính quyền số, kinh tế số chiếm 40% GRDP, năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 9%;

-  TP.HCM thuộc nhóm 3 địa phương dẫn đầu về CNTT (IDI), nhóm 2 về chỉ số cạnh tranh (GCI), nhóm 2 về đổi mới sáng tạo (GII), nhóm 3 về an toàn, an ninh mạng (GCI);

-  Phổ cập dịch vụ mạng Internet băng rộng cáp quang toàn thành phố, phổ cập dịch vụ mạng di động 5G;

-  Tỷ lệ người dân và doanh nghiệp có tài khoản thanh toán điện tử trên 85%.