Chuyển đổi số trong ngành điện: Tăng năng lực quản lý, chất lượng dịch vụ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Trong xu hướng chuyển đổi số đang diễn ra ở các lĩnh vực, ngành điện không nằm ngoài cuộc. Với mục tiêu CĐS để không ngừng nâng cao năng lực quản lý, khai thác vận hành hiệu quả lưới điện và chất lượng dịch vụ khách hàng.

Công ty Điện lực Bắc Giang đang từng bước CĐS một cách vững chắc.

Những năm qua, ngành điện đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh nhưng thực hiện CĐS là bước phát triển mới ở cấp độ cao hơn, đồng bộ hóa và khai thác triệt để tài nguyên dữ liệu, nền tảng công nghệ thông tin hiện đại.

Vận hành toàn bộ lưới điện trên địa bàn tỉnh thông qua hệ thống số hóa.
Vận hành toàn bộ lưới điện trên địa bàn tỉnh thông qua hệ thống số hóa.

Bắt tay vào triển khai lộ trình CĐS, đơn vị đã thành lập tiểu ban điều hành và đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến 100% cán bộ, công nhân viên để thay đổi tư duy, nhận thức và xác định CĐS là trách nhiệm của toàn ngành và mỗi người. Công ty xây dựng kế hoạch chi tiết, xác định phần việc cụ thể trong các lĩnh vực nghiệp vụ sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khách hàng. Đẩy mạnh đào tạo, tập huấn kỹ năng CĐS và phát triển doanh nghiệp số cho cán bộ, công nhân viên gắn với từng vị trí công tác để có thể áp dụng ngay trong thực tế công việc.

Hiện Công ty quản lý gần 585 nghìn hợp đồng mua bán điện (MBĐ). Trước đây, hồ sơ MBĐ của khách hàng được thực hiện bằng văn bản giấy, việc bảo quản, lưu trữ, tìm kiếm thông tin khách hàng gặp nhiều khó khăn, mất thời gian, dễ gây nhầm lẫn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng sử dụng điện, từ tháng 10/2020, Công ty bắt đầu triển khai chương trình số hóa hợp đồng MBĐ đối với các khách hàng sử dụng điện sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

Chị Lương Thị Chinh mới xây nhà ở khu dân cư Cống Ngóc - Bến Xe, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) có nhu cầu lắp đặt điện sinh hoạt để sử dụng. Chị Chinh cho biết: “Ngày 7/5, tôi vào trang web của Công ty Điện lực Bắc Giang để làm thủ tục đăng ký. Chỉ hai ngày sau, nhân viên Điện lực TP Bắc Giang đến tận nhà trao đổi, kiểm tra địa hình, vị trí… Đến ngày 12/5, gia đình tôi có điện sinh hoạt, công nhân thi công nhiệt tình, thân thiện. Các chi phí thu đúng quy định và hoàn toàn trên mạng, không dùng tiền mặt. Trong hoàn cảnh các hộ dân đều bận rộn với công việc và tập trung phòng, chống dịch Covid-19 như hiện nay, cách làm này rất phù hợp, giúp người dân đỡ mất công đi lại, không phải có mặt tại nơi đông người”.

Từ đầu năm đến nay có 1.488 tỷ đồng tiền điện được thanh toán không dùng tiền mặt (đạt 77%); giải quyết gần 4.700 yêu cầu dịch vụ điện của khách hàng, trong đó có 3.657 yêu cầu của khách hàng đăng ký qua Cổng dịch vụ công quốc gia; duy trì tốt việc tiếp nhận giải quyết các dịch vụ điện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh và bộ phận một cửa tại các huyện, TP với trình tự, thủ tục được niêm yết công khai.

Ông Ngô Tiến Đăng, Phó trưởng Phòng Kinh doanh (Công ty Điện lực Bắc Giang) cho biết, việc số hóa hợp đồng MBĐ nhằm nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng phầm mềm phục vụ công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng cũng như thuận tiện cho khách hàng theo dõi, tra cứu trên các thiết bị di động hoặc máy tính. Đối với hợp đồng MBĐ ngoài sinh hoạt, đơn vị thực hiện số hóa bằng cách scan hồ sơ và lưu trữ toàn bộ dữ liệu dưới dạng file PDF lên máy chủ, đồng bộ sang website chăm sóc khách hàng (đã thực hiện xong hơn 88 nghìn hợp đồng MBĐ ngoài sinh hoạt, đạt 100%).

Các hợp đồng MBĐ sinh hoạt được số hóa bằng cách chuyển đổi sang hợp đồng điện tử, khách hàng ký xác nhận phương thức OTP (đã CĐS được hơn 118 nghìn hợp đồng, dự kiến hoàn thành số còn lại trong năm 2021). Việc này mang lại ý nghĩa đặc biệt quan trọng là tạo nguồn dữ liệu để có thể khai thác, phân tích trên phần mềm quản lý thông tin khách hàng, có thể khai thác bất cứ lúc nào.

Trong hoạt động sản xuất, vận hành, quản lý và cung cấp điện, ngành điện tập trung thu thập, chuẩn hóa các thông tin của lưới điện và khách hàng tại hiện trường. Đồng thời số hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ; thông tin khách hàng trên hệ thống CMIS 3.0 (hệ thống thông tin quản lý khách hàng sử dụng điện); đẩy nhanh lắp đặt hệ thống đo đếm điện tử, ghi chỉ số qua hệ thống đo xa; giao dịch và phát hành 100% hóa đơn điện tử, đẩy mạnh thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt; cung cấp 100% dịch vụ điện bằng phương thức điện tử; cung cấp dịch vụ điện cấp độ 3 và 4 trên cổng dịch vụ công quốc gia và trang web chăm sóc khách hàng…

Điểm nhấn trong thực hiện là Công ty đẩy mạnh CĐS trong khai thác hiệu quả các phần mềm kiểm soát hệ thống lưới điện, hình ảnh (PMIS, OMS, ECP…); vận hành 12 trạm biến áp 110kV không người trực, tự động hoàn toàn; 3 trạm đang thực hiện cải tạo theo tiêu chí điều khiển xa; hơn 100 thiết bị đóng cắt trung thế Recloser/LBS được kết nối và điều khiển từ trung tâm. Công ty sử dụng hiệu quả hệ thống camera giám sát toàn cảnh và tình trạng vận hành của thiết bị trong các trạm 110kV; chia sẻ thông số vận hành, hình ảnh tại các TBA 110kV không người trực khi vận hành lưới điện cao thế nhằm tăng cường quản lý, giúp giám sát thường xuyên, giảm thời gian tiếp cận và xử lý sự cố.

Công nhân Điện lực TP Bắc Giang sử dụng thiết bị tự động đọc chỉ số công tơ của khách hàng.
Công nhân Điện lực TP Bắc Giang sử dụng thiết bị tự động đọc chỉ số công tơ của khách hàng.

Ông Bạch Hồng Quân, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Bắc Giang cho biết, CĐS được đơn vị triển khai trên tất cả các lĩnh vực. Ngoài những hoạt động nêu trên, Công ty còn khai thác, ứng dụng các phần mềm theo dõi và quản lý hồ sơ cán bộ, công nhân viên (HRM), quản lý tài chính và vật tư (MMIS), hệ thống văn phòng điện tử Eoffice 3.0, quản lý thông tin đầu tư xây dựng…

Với mục tiêu phát triển hướng tới doanh nghiệp số, áp dụng các công nghệ 4.0, Công ty ưu tiên xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, nâng cao năng lực khai thác tối đa mạng nội bộ bảo đảm tự động hóa chính xác cao, an toàn và đáp ứng nhu cầu quản lý điều hành. Đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm kinh doanh, dịch vụ khách hàng, quản trị doanh nghiệp, quản lý vận hành hệ thống bảo đảm truyền tải dữ liệu an toàn, ổn định, góp phần tăng năng suất lao động và nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng.

Theo Báo Bắc Giang