Chuyển đổi số quốc gia cần gắn chặt chẽ với tài nguyên đầu vào là công nghệ số và dữ liệu số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long tại Hội thảo "Phục hồi và bứt phá trong kỷ nguyên dữ liệu hóa", kỷ niệm 10 năm ngày Internet Việt Nam sáng 15/12.
Thứ trưởng Phạm Đức Long phát biểu tại hội thảo. Ảnh Mic
Thứ trưởng Phạm Đức Long phát biểu tại hội thảo. Ảnh Mic

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long cho biết, với nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, việc chuyển đổi nhận thức và kiến tạo thể chế đã được thực hiện tốt, tạo ra những kết quả tích cực trên cả 3 trụ cột là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Đặc biệt Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh chuyển đổi số quốc gia cần gắn liền chặt chẽ với "tài nguyên đầu vào" là công nghệ số và dữ liệu số. Vì vậy, chủ đề "Phục hồi và bứt phá trong kỷ nguyên dữ liệu hóa" được Hiệp hội Internet Việt Nam lựa chọn rất phù hợp cho hội thảo ngày hôm nay.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng cho rằng, để xây dựng, tạo ra nhiều dữ liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp khai thác hiệu quả giá trị dữ liệu nhằm thúc đẩy, phát huy trí tuệ, nguồn lực và sức mạnh quốc gia, cần chuyển đổi nhận thức, xây dựng văn hóa về dữ liệu. Dữ liệu chính là tài sản chiến lược của cơ quan, tổ chức, là nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế, trích xuất ra giá trị mới, tạo ra các giá trị mới phục vụ xã hội.

Thứ trưởng cho biết thêm, theo dự thảo về Quy hoạch hạ tầng TT&TT thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ TT&TT định hướng xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, mục tiêu đưa dữ liệu của người Việt về lưu trữ ở Việt Nam, hình thành hệ thống trung tâm dữ liệu quốc tế, quốc gia, các trung tâm dữ liệu vùng và địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm lưu trữ và xử lý dữ liệu của khu vực và quốc tế. Điều này đảm bảo cho dữ liệu Việt Nam lưu trữ tại Việt Nam khi 80% dữ liệu hiện tại có thể nằm ở các nền tảng nước ngoài.

Hiện nay, Bộ TT&TT đang chủ trì xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số đề cập đến các vấn đề dữ liệu từ quản lý, khai thác dữ liệu… tạo ra việc chia sẻ, sử dụng dữ liệu được bảo vệ.

Đặc biệt với việc phát triển hạ tầng, Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh: “Phát triển hạ tầng số là nhiệm vụ quan trọng, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu. Hạ tầng số chính là mạng Internet, hạ tầng băng rộng và IoT, hạ tầng điện toán đám mây và các nền tảng thiết yếu. Cần tập trung phát triển hạ tầng số, mạng Internet ở Việt Nam thật tốt, an toàn để có thể truyền tải an toàn, hiệu quả dữ liệu của chúng ta”.

Đánh giá về Internet Việt Nam trong 10 năm qua, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, vào năm 2012, khi sự kiện hội thảo và triển lãm Internet Day Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề "Hướng tới tương lai", nhằm kỷ niệm 15 năm ngày Việt Nam chính thức hòa mạng Internet toàn cầu (ngày 19/11/1997), Việt Nam khi đó đã được WeAreSocial đánh giá là "thị trường thú vị nhất châu Á" Việt Nam khi đó (năm 2012) mới chỉ có khoảng 30,8 triệu người sử dụng Internet.

Còn đến nay, theo ông Vũ Hoàng Liên cho biết trong báo cáo e-Conomy SEA 2021 vừa được Google, Temasek và Bain & Company công bố vào tháng 11, nền kinh tế Internet của Việt Nam được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á, đạt 220 tỷ USD về tổng giá trị hàng hóa (GMV) vào năm 2030.

Việt Nam hiện nay vẫn là một trung tâm đổi mới hấp dẫn khi nguồn vốn toàn cầu vẫn tiếp tục đổ vào. Theo số liệu thống kê của Digital, tính tới tháng 6/2021, số lượng người dùng Internet ở Việt Nam là gần 70 triệu người.