Chuyển đổi số ngành ngân hàng: Không còn là xu hướng, mà là “bắt buộc”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Nắm bắt được dòng chảy và tác động của cuộc CMCN 4.0, ngành ngân hàng đã định hình lại chiến lược, xác định chuyển đổi số là lựa chọn tất yếu để tồn tại, bắt kịp xu hướng và tạo lợi thế cạnh tranh.
Nhiều ngân hàng xác định chuyển đổi số không còn là xu hướng, mà là bắt buộc. Ảnh minh họa.
Nhiều ngân hàng xác định chuyển đổi số không còn là xu hướng, mà là bắt buộc. Ảnh minh họa.

Nội dung trên được đề cập trong khuôn khổ hội thảo “Ngân hàng số: Xoay chuyển thách thức thành cơ hội bứt tốc”, do Viện chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp tổ chức vừa qua.

2021 được dự báo sẽ là năm bùng nổ về chuyển đổi số, sẽ có các chuyển biến tích cực trong việc cải thiện trải nghiệm khách hàng và nâng cao năng suất thông qua tự động hoá, các nền tảng gắn kết mới. Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Chính phủ đã nêu rõ, một trong những lĩnh vực có tác động xã hội, liên quan hàng ngày tới người dân, cần ưu tiên chuyển đổi số trước tiên là ngành tài chính - ngân hàng. Đây được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế số với nhiệm vụ cung ứng những dịch vụ thiết yếu và nền tảng, thúc đẩy cho các ngành kinh tế phát triển, trở thành xu hướng tất yếu của thời đại.

Theo thống kê trong thời gian qua, có 95% tổ chức tín dụng đang xây dựng hoặc có kế hoạch cho chiến lược chuyển đổi số. Trong đó, 39% tổ chức đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số hoặc tích hợp trong chiến lược phát triển kinh doanh CNTT, 42% tổ chức đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số toàn diện.

Tuy nhiên theo các đánh giá, chuyển đổi số ngành ngân hàng hiện nay còn đối mặt với rất nhiều thách thức. Ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước – đã chỉ ra 5 thách thức lớn với chuyển đổi số ngân hàng. Thứ nhất, khuôn khổ pháp lý còn nhiều vướng mắc, cần được nghiên cứu và điều chỉnh để phù hợp với xu thế phát triển. Thứ hai, cơ sở hạ tầng số cũng đòi hỏi hạ tầng đồng bộ, tập trung, chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật. Thứ ba, sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong hợp tác với ngân hàng đã đặt ra các vấn đề về an ninh an toàn, bảo mật thông tin. Thứ tư, tội phạm công nghệ cũng là mối nguy lớn với thủ đoạn tinh vi, buộc các ngân hàng phải xây dựng hệ thống bảo mật, đảm bảo hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Thứ năm, những khó khăn khi bảo vệ người tiêu dùng, cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo khi giao dịch ngân hàng số cũng chưa được khắc phục.

Để khắc phục những khó khăn, giúp ngành ngân hàng vươn lên bứt phá, các chuyên gia cho rằng ngành ngân hàng phải hoạch định chiến lược cụ thể. Đại diện Ngân hàng Nhà nước đề xuất, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường bảo mật, đảm bảo an toàn an ninh mạng, ngành ngân hàng cần chủ động giáo dục tài chính cho khách hàng, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về ứng dụng kỹ thuật số, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực thích ứng với chuyển đổi số.