Chuyển đổi số - Hãy nghĩ lớn, đừng “nghĩ vụn”!

VietTimes – Tối 17/1, tại TP.HCM, hội thảo với các chuyên gia về chuyển đổi số trong doanh nghiệp thời  4.0 nóng bỏng những tranh luận.
Ông Colin Blackwell đến từ Singapore, ông Chuyên Huỳnh trở về từ Pháp và ông Phí Anh Tuấn, chủ tịch HĐQT công ty TNHH tư vấn CNTT PAT
Ông Colin Blackwell đến từ Singapore, ông Chuyên Huỳnh trở về từ Pháp và ông Phí Anh Tuấn, chủ tịch HĐQT công ty TNHH tư vấn CNTT PAT

Nhiều câu hỏi khó

Trong khi nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Philippines, Indonesia,… đã có những bước chuyển đổi mạnh mẽ trong cuộc chuyển đổi số thì hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam lại chưa làm gì. Câu hỏi đặt ra ở đây là thách thức lớn nhất của việc chuyển đổi số phải chăng là ở nhận thức của các lãnh đạo trong doanh nghiệp?

Chiến lược trong việc chuyển đổi số của doanh nghiệp sẽ được thực hiện như thế nào? Làm thế nào để thay đổi tư duy từ công nghệ sang tư duy kinh doanh để nâng cao năng lực ứng dụng CNTT áp dụng vào trong doanh nghiệp? Những rủi ro & thất bại thường gặp phải trong quá trình chuyển đổi số là gì và giải pháp ra sao?

Đó là những câu hỏi khiến rất nhiều doanh nghiệp Việt trăn trở. Đặc biệt là thường xuyên được đặt ra trong mỗi chương trình CIO Talks do cộng đồng CIO Vietnam tổ chức.

Ông Huỳnh Chuyên - sáng lập và là giám đốc điều hành công ty phần mềm Jazz ITup và ông Colin Blackwell - sáng lập và là người sở hữu công ty Enablecode
Ông Huỳnh Chuyên - sáng lập và là giám đốc điều hành công ty phần mềm Jazz ITup và ông Colin Blackwell - sáng lập và là người sở hữu công ty Enablecode

Tối 17/1, chủ đề “Digital Transformation in Vietnam: Hype or Reality” mở đầu cho chuỗi sự kiện 2019 cũng nóng bỏng thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp tìm giải pháp ứng dụng CNTT cụ thể trong doanh nghiệp.

Digital Transformation là khái niệm được nhắc tới rất nhiều trong thời gian gần đây nhưng cụ thể chuyển đổi số là gì? Giải pháp chuyển đổi số ra sao thì không phải doanh nghiệp nào cũng nắm được.

Doanh nghiệp phải bắt đầu từ đâu?

“Với những ứng dụng đã rất phổ biến của trí thông minh nhân tạo trong cuộc cách mạng 4.0, nhờ kỹ thuật, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể hiểu dữ liệu khách hàng, cho thấy khách hàng trung thành là ai, tâm tư nguyện vọng của họ như thế nào? Đâu là khách hàng tiềm năng của doanh nghiệp? Làm thế nào để thu hút và mở rộng khách hàng, tăng doanh số?” – Ông Huỳnh Chuyên, sáng lập và là giám đốc điều hành công ty phần mềm Jazz ITup, giám đốc đào tạo về chuyển đổi số trở về từ Pháp khẳng định.

Ông Huỳnh Chuyên nói về những điều doanh nghiệp nên và không nên làm
Ông Huỳnh Chuyên nói về những điều doanh nghiệp nên và không nên làm

Đến từ Singapore, ông chủ sáng lập và là người sở hữu công ty Enablecode, chuyên gia Colin Blackwell chia sẻ về tương lai của chuyển đổi số và những điều doanh nghiệp Việt cần làm trong thời ứng dụng trí tuệ nhân tạo. “Cần ngồi lại phân tích rõ vì sao doanh nghiệp của bạn đã đạt được những thành tựu trước kia. Và bây giờ, những thách thức nào của thời đại 4.0 đặt ra cho doanh nghiệp? Những gì thời đại 4.0 không còn chấp nhận như trước kia? Doanh nghiệp của bạn cần thay đổi cụ thể theo hướng nào?”

“Cần xác định phân khúc khách hàng và thị trường, rồi xác định xem doanh nghiệp mình cần chuyển đổi bao nhiêu phần trăm và thuộc phần nào trên sơ đồ chiến lược – Ông Huỳnh Chuyên nói – Bạn không có nhiều tiền để đầu tư, ai cũng nói thế, vậy hãy tìm hiểu và học cách “đứng trên vai” những “người khổng lồ”, bằng cách tận dụng hạ tầng họ đã xây dựng, tương tác với nó, tìm kiếm khách hàng và cùng nhau phát triển”.

Ông Colin Blackwell chia sẻ về tương lai của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0
Ông Colin Blackwell chia sẻ về tương lai của chuyển đổi số trong cuộc cách mạng 4.0

“Một khi bạn nhận thức được sự thiếu hụt của thị trường và những gì khách hàng đang mong đợi, bạn có thể dễ dàng đáp ứng nhu cầu của họ. Phân tích, ứng dụng, tối ưu hóa thông tin của doanh nghiệp, nói một cách khác là “chuyển đổi thông tin sang dạng số” chính là một trong những cách thu hút khách hàng và khiến doanh nghiệp phát triển bền vững” – Ông Huỳnh Chuyên khẳng định.

Hãy nghĩ lớn, đừng “nghĩ vụn”

Trao đổi với VietTimes, ông Đoàn Văn Ngọc – Solution Director đến từ công ty APZON cho rằng: “Nhận thức chưa đầy đủ về chuyển đổi số dẫn đến thực hiện chưa đúng trình tự và đồng bộ. Cụ thể, doanh nghiệp thường tập trung ngay vào mua sắm hạ tầng phần cứng, phần mềm quản trị mà chưa kết hợp đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp về con người, quy trình và các đối tác của doanh nghiệp. Ví dụ: mua phần mềm quản trị tốt nhưng quy trình doanh nghiệp chưa kịp chuẩn hóa, dẫn đến không theo kịp quy trình của phần mềm; Số hóa chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp đến phân hệ mua hàng của doanh nghiệp trong khi nhà cung cấp không đáp ứng được yêu cầu số hóa”.

Ông Phí Anh Tuấn, chủ tịch HĐQT công ty TNHH tư vấn CNTT PAT tha thiết nhắc nhở các doanh nghiệp: "Hãy nghĩ lớn!"
 Ông Phí Anh Tuấn, chủ tịch HĐQT công ty TNHH tư vấn CNTT PAT tha thiết nhắc nhở các doanh nghiệp: "Hãy nghĩ lớn!"

“Bạn có thể nói rằng kinh doanh ngày nay khó khăn hơn trước kia rất nhiều. Nhưng chính vì thế, nếu từ chối ứng dụng CNTT, nói không với mạng xã hội, chỉ bán hàng theo cách truyền thống, sẽ có một ngày bạn đột nhiên bất ngờ nhận ra doanh nghiệp của mình bị đẩy ra ngoài rìa thế giới. Thay đổi hay là chết? Cuộc cách mạng 4.0 đã khẳng định sức mạnh của nó với sự thành công của những tập đoàn “con voi” toàn cầu như Amazon” – Ông Huỳnh Chuyên khẳng định.

Digital transfomation nói về việc kết hợp công nghệ hay còn gọi là digitalize (số hóa) vào tất cả các mặt của kinh doanh và thông qua đó thay đổi cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động và mang lại giá trị cho khách hàng. Thay đổi là từ khóa quan trọng, nếu một công nghệ không thay đổi cách thức mà một doanh nghiệp hoạt động (operations) hay về mặt (infracstructure) thì nó không thể gọi là transformation.

“Hãy nghĩ lớn, quan trọng nhất là phải quy hoạch tổng thể ngay từ đầu, chứ không phải kiểu “nghĩ vụn” là có đến đâu thì đầu tư đến đó. Nếu số hóa toàn bộ dữ liệu, những doanh nghiệp lớn có thể tiết kiệm vài chục tỉ đồng mỗi năm từ những việc rất nhỏ" - ông Phí Anh Tuấn, chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Tư vấn CNTT PAT tha thiết nói - "Chuyển đổi số không phải cuộc chơi công nghệ mà là thay đổi tư duy, mở rộng nhận thức, đặc biệt cần người lãnh đạo doanh nghiệp phải có tầm nhìn và hiểu được tầm quan trọng cũng như xu hướng CNTT để điều hành guồng máy doanh nghiệp đi theo”.

Ông Colin Blackwell đánh giá cao tiềm năng chuyển đổi số thành công ở các doanh nghiệp Việt Nam
Ông Colin Blackwell đánh giá cao tiềm năng chuyển đổi số thành công ở các doanh nghiệp Việt Nam

Tư vấn giải pháp từ ông Đoàn Văn Ngọc – Solution Director công ty APZON thì doanh nghiệp cần: “Xác định rõ mục tiêu ngắn hạn, dài hạn của doanh nghiệp: từ tầm nhìn định hướng, mô hình doanh nghiệp, chiến lược phát triển để dẫn đến chiến lược về số hóa phù hợp. Trang bị đầy đủ kiến thức về số hóa và lộ trình số hóa, vì ở một góc độ khác của số hóa chính là thay đổi về tư quy quản trị doanh nghiệp. Đánh giá hiện trạng của doanh nghiệp về con người, quy trình, đối tác để thực hiện số hóa từng bước”.

Các chuyên gia Chuyên Huỳnh và Colin Blackwell đều cho rằng muốn chuyển đổi số tức là phải: “Tái cấu trúc lại doanh nghiệp để phù hợp với thời 4.0; Phân rã toàn bộ dữ liệu của công ty; Xây dựng bản đồ chuyển đổi số trong đó thiết lập chiến lược và văn hóa; Gắn kết và tối ưu trải nghiệm khách hàng; Tối ưu quy trình trên nền tảng ứng dụng CNTT”.

Ông Colin Blackwell khẳng định hoàn toàn tin tưởng là các doanh nghiệp Việt có thể chuyển đổi số thành công bởi người Việt ngoài sự mạnh mẽ và bản tính nhân hậu còn có tố chất linh hoạt, dễ thích nghi, khả năng phản ứng nhanh, ham học hỏi và chuyên cần trong công việc.

Thông tin lạc quan là theo báo cáo năm 2015 của Forrester về các nhân tố ảnh hưởng đến thành công chuyển đổi số của doanh nghiệp, có đến 59% doanh nghiệp triển khai Digital thành công vì CEO và CIO thấu hiểu và hỗ trợ xuyên suốt quá trình Digital Transformation. Các CEO và CIO sẽ phải đối mặt với nhiều công việc liên quan đến việc trang bị kiến thức cơ bản về Digital, nắm bắt những xu hướng chuyển đổi mới, tham vấn với các bộ phận nghiệp vụ và công nghệ… Họ cần là người hiểu rõ, liên tục nắm bắt xu hướng công nghệ mới và tỉnh táo trong việc đề xuất những phù hợp cho việc thực hiện Digital Transformation trong doanh nghiệp.