Chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B: Không phải là ngừng các biện pháp phòng, chống

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Việc chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B không có nghĩa là không cần dự phòng với căn bệnh này nữa, mà là chuyển từ “chiến đấu” cấp tập sang dự phòng dài hạn, có kiểm soát.

Sau hơn một năm đất nước kiểm soát được dịch Covid-19, chiều 3/6, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và thống nhất chuyển bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B để chuẩn bị công bố hết dịch.

Vậy khi chuyển từ nhóm A sang nhóm B, việc phòng ngừa dịch bệnh Covid -19 sẽ thay đổi như thế nào? Để kiểm soát dịch bệnh, về lâu dài, chúng ta cần có những giải pháp gì? Đó là nội dung cuộc trao đổi của chúng tôi với PGS.TS Phạm Quang Thái - Trưởng Văn phòng Tiêm chủng miền Bắc Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

Thưa PGS.TS Phạm Quang Thái! Ông có thể phân tích về điều kiện cũng như thời điểm công bố hết dịch Covid-19 tại nước ta?

PGS.TS Phạm Quang Thái: Việc công bố dịch Covid-19 nhằm huy động nhiều nguồn lực cho chống dịch, đồng thời, nâng cao cảnh giác của người dân, chính quyền, ban ngành, để sẵn sàng ứng phó với dịch.

Rất nhiều người thắc mắc vì sao vẫn có bệnh Covid-19, vẫn có người mắc Covid-19 nhập viện, vẫn có ổ dịch bùng phát, mà lại công bố hết dịch?

Theo quan điểm của Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, việc công bố hết dịch hay công bố hết tình trạng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, là làm giảm bớt các hạn chế liên quan đến di chuyển, cũng như giúp hoạt động mở cửa, phục hồi kinh tế tốt hơn.

Nhưng điều đó không có nghĩa là ngừng theo dõi dịch, hay ngừng có biện pháp phòng, chống; mà nó có ý nghĩa chuyển từ “chiến đấu” cấp tập sang dự phòng dài hạn, có kiểm soát.

z4402606084056_6e300e51617a6d0d1ff9b817500ba2da.jpg
PGS.TS Phạm Quang Thái

Khi chuyển cấp độ bệnh Covid-19 từ nhóm A sang nhóm B, thì về mặt dịch tễ, 2 nhóm này có đặc điểm gì khác nhau, thưa ông?

PGS.TS Phạm Quang Thái: Thực ra, cả nhóm A và nhóm B đều là những bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao. Điểm phân biệt ở chỗ nhóm A nhấn mạnh đặc biệt nguy hiểm, truyền nhiễm rất nhanh, phát tán rộng, tử vong cao, hoặc chưa rõ tác nhân. Nhóm này gồm các bệnh bại liệt, dịch hạch, đậu mùa, Ebola, và gần đây là Covid-19. Đưa Covid-19 vào nhóm A vì đây là bệnh chúng ta chưa rõ về tác nhân tại thời điểm đó.

Còn nhóm B cũng là bệnh nguy hiểm, truyền nhiễm nhanh, có thể tử vong nhưng thấp hơn một chút so với nhóm A, như Adeno, HIV, cúm, bạch hầu, ho gà, sốt xuất huyết, hoặc viêm não... Các bệnh trong nhóm B không may mắc phải vẫn có thể tử vong, thậm chí không kém nhóm A, tuy nhiên, chúng ta đã rõ những tác nhân của nó và đã có các biện pháp để phòng và điều trị chủ động.

Với tỷ lệ tử vong ở bệnh Covid-19 còn ở mức cao so với các bệnh dịch nhóm B như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm vv…, theo ông, công tác phòng, chống dịch Covid-19 khi chuyển xuống nhóm B sẽ theo cách thức nào?

vt_khu-vuc-cach-ly-7908162_732020.jpg
Sẽ không còn tình trạng phải cách ly vì dịch Covid-19

PGS.TS Phạm Quang Thái: Nói về tỷ lệ tử vong, bệnh bạch hầu có tỷ lệ tử vong lên tới 50% nếu như không được điều trị và nếu có điều trị thì tỷ lệ tử vong là 2,5 đến 5%, như vậy cao hơn rất nhiều so với Covid-19. Nhưng do bệnh bạch hầu có vắc xin dự phòng chủ động, nên chỉ ở nhóm B, chứ không ở nhóm A.

Thực tế chúng ta thấy rằng, tử vong do Covid-19 hiện tại nằm chủ yếu ở nhóm bệnh lý nền, miễn dịch kém, còn ở người khỏe mạnh, tỷ lệ này rất thấp. Do đó, công tác dự phòng chống dịch của chúng ta sẽ chuyển hướng sang dự phòng chủ động, bảo vệ nhóm nguy cơ, thay vì làm dàn trải. Tức là việc phòng, chống dịch Covid-19 hiện nay nhấn mạnh vấn đề quản lý người có bệnh nền, tiêm chủng vắc xin, giám sát sự biến đổi virus ở Việt Nam, cũng như theo dõi sát tình hình Covid-19 trên thế giới.

Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi!