Chuyện “bắt nhốt” nợ xấu làm nóng diễn đàn Quốc hội

Tại phiên thảo luận kinh tế xã hội sáng nay, ngày 8/6, nhiều đại biểu Quốc hội tỏ ra băn khoăn về giải pháp xử lý nợ xấu hiện nay, khả năng xử lý nợ xấu của Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC)…
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa, đoàn Đà Nẵng
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa, đoàn Đà Nẵng

“Đến nay, nợ xấu trong nền kinh tế lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng, đã bị VAMC “bắt nhốt” lại. Nhưng đó mới chỉ là “nhốt” lại, “xích” lại mà thôi. Nợ xấu hầu như vẫn còn nguyên và đang trở thành gánh nặng cho nền kinh tế. Điều quan ngại là chúng ta chưa xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường”, đại biểu Huỳnh Nghĩa, đoàn Đà Nẵng nêu quan điểm.

Theo đại biểu Nghĩa, qua gần 3 năm, VAMC mới bán được 2-3% nợ xấu và cứ đà này thì bao giờ xử lý hết nợ xấu? Đến bao giờ thì cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp được giải phóng khỏi nợ xấu, để nhanh chóng phá tan được cục máu đông hàng trăm ngàn tỷ đồng cho nền kinh tế?

“Rõ ràng cần phải tư duy lại phương pháp xử lý nợ xấu là phải theo nguyên lý thị trường, “tiền tươi, thóc thật”, sòng phẳng và gắn với tình trạng thị trường bất động sản để tránh nguy cơ ảo tưởng có thể giải quyết triệt để và nhanh chóng nợ xấu”, đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Nhiều đại biểu khác cũng băn khoăn về việc giải quyết nợ xấu. Mặc dù việc giải quyết nợ xấu đã chủ động hơn nhưng về bản chất nợ xấu chưa giảm, tỷ lệ còn cao và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Việc xử lý nợ xấu còn khó khăn, nhất là về thủ tục phát mại tài sản; khả năng xử lý nợ của VAMC còn hạn chế.

Thậm chí, có ý kiến băn khoăn về khả năng nợ xấu vẫn có thể phát sinh sau khi VAMC phát hành trái phiếu để xử lý tài sản thế chấp của doanh nghiệp. Hơn nữa, việc đánh giá nợ xấu cần phải thực chất, chính xác và nghiêm túc hơn. Một số ý kiến băn khoăn về tính khả thi của chỉ tiêu đưa tỉ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3% vào cuối năm 2015.

Nhiều đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền địa phương tăng cường phối hợp trong giải quyết nợ xấu; tăng dự phòng để xử lý nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cần giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động của các TCTD; rà soát, xử lý và có giải pháp ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng.

“Ngân hàng Nhà nước cần phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng Đề án mô hình thị trường mua bán nợ. Các cơ quan tư pháp cần xử lý dứt điểm các vụ án liên quan đến hoạt động ngân hàng, đẩy nhanh tiến độ thi hành án các vụ án dân sự, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ. Đồng thời, phải tháo gỡ và có cơ chế đặc biệt cho VAMC giải quyết hiệu quả nợ xấu, nhất là giải quyết các tài sản phức tạp, tài sản kéo dài, tài sản khó xử lý; sớm ban hành các văn hướng dẫn phát hành trái phiếu của VAMC”, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế phân tích.

Cũng tại phiên thảo luận sáng nay, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về việc triển khai không hiệu quả nhiều gói hỗ trợ cho người thu nhập thấp và nông dân. Nhiều chủ trương của Chính phủ hợp lòng dân, nhưng triển khai chậm, người dân thiếu tin tưởng.

“Như gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Đây là chủ trương đúng, người thu nhập thấp mong chờ hy vọng có được nhà từ gói hỗ trợ này, nhưng đến nay mới giải ngân trên 20%. Hay như gói hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ cũng được ngư dân chờ đợi nhưng theo báo cáo mới có 2 tàu đóng mới, giải ngân xong ở Huế, Bến Tre và gần đây nhất là thêm một vài trường hợp ở Ninh Thuận. Vì sao chủ trương khi bàn thì nhận được sự ủng hộ cao, nhưng khi triển khai lại chậm thế?”, đại biểu Nguyễn Thái  Học, đoàn Phú Yên đặt câu hỏi.

Theo Bizlive