Chứng nghiện công nghệ: Apple và Google giúp người dùng kiểm soát thời gian sử dụng thiết bị

Biểu hiện của chứng nghiện thiết bị di động là bạn liếc nhìn thấy màn hình điện thoại của mình sáng lên, rồi cầm lên kiểm tra thông báo và dành hàng giờ tiếp theo đó dán mắt vào màn hình để xem lại những thông báo cũ.

Từ những nhà phát triển ứng dụng tới ông trùm công nghệ như Google và Facebook, đều tiêu tốn hàng năm trời nghiên cứu nhằm đưa công nghệ thu hút người dùng càng nhiều càng tốt. Nếu thời gian dùng càng nhiều, số tiền thu về cho các nhà sản xuất càng tăng. Nhưng chắc hẳn các bạn cũng để ý có sự biến chuyển trong ngành công nghiệp di động đang diễn ra. Apple và Google đã triển khai nhiều tính năng mới nhằm kiểm soát tình hình sử dụng điện thoại và ứng dụng như Instagram đang áp dụng tùy chọn cho biết thời gian sử dụng hàng ngày nhằm quản lý thời gian tốt hơn.

(Nguồn: Internet)

Tristan Harris đã từng làm việc ở Google ở vị trí nhà đạo đức học thiết kế và tận mắt chứng kiến những kỹ sư tập trung vào kỹ nghệ thu hút công chúng. Harris là thành viên của một lớp học mang tên "Lớp Facebook" tại Đại học Stanford. Được hướng dẫn bởi chuyên gia BJ Fogg, Giám đốc điều hành của Phòng Thí nghiệm Công nghệ Thuyết phục của Đại học này, các thành viên của "Lớp Facebook" nghiên cứu cách thức thuyết phục người dùng thực hiện một số hành vi đặc biệt và sau đó phát triển sự nghiệp thiết kế của mình tại Instagram, Google, Facebook và Uber.

Chia sẻ về thời gian làm việc ở Google, Harris nhấn mạnh vai trò thu hút sự quan tâm của người dùng, “bạn biết đó, làm sao chúng tôi có thể thu hút họ nhìn vào màn hình lâu hơn, tăng lượng page view hay click vào ads”. Sau khi rời Google vào năm 2016, chuyên gia này đã thiết lập một tổ chức phi lợi nhuận mang tên Trung tâm Công nghệ con người, cùng phong trào “Thời gian tiêu xài có ích”. "Chúng tôi mong muốn công nghệ phải quan tâm tới cách giúp con người tiêu khiển thời gian, cũng như cuộc đời họ chứ không phải dụ dỗ họ nhìn cả ngày vào màn hình, chờ đợi những tin nhắn hay thông báo", Harris nói về "Thời gian tiêu xài có ích". Phong trào này đã tạo ra làn sóng tại Thung lũng Silicon và hứa hẹn đem lại luồng sinh khí cho cả ngành công nghệ.

Các ông lớn công nghệ đang làm gì để giải quyết vấn đề này?

Apple có khả năng sẽ bắt tay với hai nhà đầu tư lớn, Jana Partners and the CalSTRS (California State Teachers' Retirement System), khi họ đề nghị tập đoàn này hỗ trợ công tác chiến đấu với chứng nghiện điện thoại ở trẻ em hồi đầu năm 2018. Apple có hồi đáp bằng sự ra mắt của các công cụ trong hệ điều hành iOS 12 hướng tới cung cấp thông tin và củng cố người dùng quản lý sử dụng điện thoại và kiểm soát của phụ huynh đối với con trẻ.

Ứng dụng Screen Time của iOS 12 (Nguồn: Internet)

Ứng dụng Screen Time là bảng đo chi tiết hoạt động của người dùng, thời gian sử dụng từng ứng dụng, tần suất mở điện thoại và số lượng thông báo nhận được. Bạn có thể đặt giới hạn hàng ngày trên điện thoại của con mình để khóa ứng dụng khi đạt mức đó. Tuy vậy, không hề khó khăn để mở khóa nên ứng dụng này giống như nhắc nhở hơn là có hiệu quả ngăn chặn thực sự. Phụ huynh thật sự có thể đặt những giới hạn vững chắc để khóa sử dụng ngay khi khoảng thời gian định mức.

"Người tiêu dùng, đặc biệt các bậc cha mẹ, đang phải đương đầu với đội ngũ kỹ sư và nhà tâm lý học thiết kế công nghệ nhằm mục tiêu sử dụng liên tục", theo Christine Elgersma, phụ trách biên tập về giáo dục phụ huynh của Common Sense Media, "kể cả có công cụ bảo tôi đã vào Twitter 100 lần trong ngày, tôi vẫn cảm thấy một nỗi bức bách để tiếp tục xem tweet bởi cách thiết bị và ứng dụng được tạo ra".

Google cũng giới thiệu công cụ tương tự trong phiên bản sắp tới của Android Pie, mang tên "Sức khỏe số", đang trong giai đoạn thử nghiệm. Công cụ được giới thiệu bởi Apple và Google khá giống nhau, nhưng Google có chuyên sâu hơn hãng công nghệ còn lại. Ví dụ, ứng dụng sẽ chuyển sang màu xám khi người dụng đạt giới hạn và để xử lý nó, người dùng phải mở màn hình chính để tự tay xóa ứng dụng thay vì chỉ đơn giản chọn nút ignore trong iOS 12.

Ứng dụng Sức khỏe số - Digital Wellbeing của Google (Nguồn: Internet)

Tính năng "Wind Down" được bổ sung để đặt thời gian đi ngủ, tức tự động chuyển điện thoại sang chế độ không làm phiền và cả màn hình sang trạng thái màu xám. Không thông báo nào sẽ xuất hiện và nhìn màn hình chẳng có tí màu sắc nào chắc chắn sẽ khiến bạn đặt điện thoại xuống.

Các công cụ mới có tác động như thế nào?

Google kiếm tiền đa phần từ quảng cáo, và việc giới hạn thời gian sử dụng có nguy cơ tiềm tàng ảnh hưởng tới doanh thu của hãng. Tuy vậy, Sức khỏe số vẫn được đầu tư phát triển. Kể cả khi sản phẩm của Google chưa bao giờ ở ngưỡng thân thiện với khách hàng, ít nhất gã khổng lồ này đã có quyết định tỉnh táo để đánh cược lợi nhuận của mình. Một phát ngôn viên của Google đã chia sẻ với kênh CNN: "Chúng tôi nghiêm túc chịu trách nhiệm với khách hàng và xã hội, cũng như nỗ lực xây dựng các sản phẩm giúp cuộc sống của con người dễ dàng hơn, chứ không phải gây khó khăn cho họ. Chúng tôi đã tập trung nghiên cứu để bổ sung các tính năng quan trọng vào sản phẩm của mình, và mục tiêu của chúng tôi là giúp người dùng đạt được mối quan hệ cân bằng với công nghệ mà họ đang tìm kiếm, đặc biệt chú trọng vào nhận thức về hành vi hiện hữu của người dùng, và kiểm soát tương tác với thiết bị".

Theo nhà báo Christine Elgerma, những ảnh hưởng của thiết bị lên người dùng đã được biết đến, tại sao lại không thay thế những nhà tâm lý học bằng những chuyên gia phát triển thiếu nhi tham gia vào quá trình nghiên cứu công nghệ mà trẻ con dùng, "Nếu chúng ta đầu tư vào nghiên cứu và giáo dục về những vấn đề đó, để các thế hệ đang lớn lên online cùng thiết bị công nghệ được đào tạo để sử dụng có trách nhiệm và nhận thức hậu quả dài hạn của lạm dụng. Chúng ta đều có trách nhiệm với con cái, nhưng trách nhiệm đó nên được chia sẻ đồng đều, trước hết với những người sáng tạo công nghệ".

Thời gian sử dụng gây ra vấn đề

Hiện tại chưa có chỉ định cụ thể về lý do gây ra chứng nghiện công nghệ, nhưng càng ngày càng nhiều sự lo lắng trong đầu óc của phụ huynh khi nhìn thấy con mình dán mắt vào màn hình điện thoại. Và kể cả bạn đi bất kỳ đâu, bạn cũng nhìn thấy mọi người chú tâm vào smartphone của họ.

Apple và Google có thể là hai thủ phạm lớn nhất, khi sản phẩm của họ là phương tiện đem lại trải nghiệm công nghệ. Bên cạnh đó, Facebook cũng chia sẻ một phần trách nhiệm, với CEO Mark Zuckerberg đã thừa nhận trước đây khi nhắc tới phong trào Thời gian tiêu xài có ích. Mạng xã hội lớn nhất thế giới tuyên bố triển khai các kế hoạch thay đổi nhằm cải thiện tương tác người dùng. Mark Zuckerberg cho biết: "Với những thay đổi này, tôi kỳ vọng thời gian mọi người dành cho Facebook và các sản phẩm tương tự sẽ giảm xuống. Nhưng tôi cũng mong muốn trải nghiệm với Facebook của người dùng cũng mang giá trị lớn hơn. Nếu chúng ta làm điều đúng đắn, cả cộng đồng và công việc kinh doanh của Facebook sẽ được lợi trong dài hạn".

Cả Facebook và Instagram bắt đầu áp dụng các tính năng cải thiện tương tác với những nền tảng của mình, và người dùng sẽ sớm truy cập một bảng theo dõi hoạt động, giới hạn nhắc nhở hàng ngày và kiểm soát thông báo nhiều hơn. "Vấn đề quyết định là người dùng liên kết và chia sẻ bằng những cách thức ý nghĩa trên các nền tảng của chúng tôi", Ameet Ranadive, Giám đốc Quản lý sản phẩm của Instagram, chia sẻ "người dùng cảm thấy thời gian dành cho Facebook và Instagram là có ích, điều đó vô cùng quan trọng".

Nhà báo Christine Elgerma có đưa ra một vài lời khuyên cho phụ huynh về cách thức trẻ em sử dụng công nghệ như sau:

- Duy trì đối thoại cởi mở và thẳng thắn với con bạn về công nghệ và truyền thông nhằm theo dõi được cuộc sống trực tuyến của chúng.

- Chọn các nội dung được phát triển phù hợp và có tính giáo dục.

- Hướng dẫn con bạn cách thức bảo vệ mình và giữ tính riêng tư cá nhân.

- Dạy con bạn cư xử đúng mực của công dân mạng và sử dụng cũng như sáng tạo nội dung tốt.

Theo ICT News

https://ictnews.vn/the-gioi-so/di-dong/chung-nghien-cong-nghe-apple-va-google-giup-nguoi-dung-kiem-soat-thoi-gian-su-dung-thiet-bi-173931.ict