Chúc Tết 'nhân bản': Sao có thể nhân bản được lòng thành?

Lời chúc 'nhân bản', thiệp nhân bản…, tất cả vì sự tiện lợi. Mà trong sự tiện lợi, có bao nhiêu là lòng thành chúc nhau?
Chúc Tết 'nhân bản': Sao có thể nhân bản được lòng thành? - Ảnh 1

Câu chuyện chúc Tết "nhân bản" từ lời chúc (text) cho đến thiệp (hình ảnh) không phải là mới và trên thực tế nó chẳng phải tới thời Công nghiệp 4.0 mới nở rộ. Mà cách đây hàng chục năm về trước, khi nở rộ trào lưu chúc nhau qua tin nhắn SMS, thì tình trạng "nhân bản" đã được dùng đến, vì tiện ích...

Nói cho đúng hơn, sự "nhân bản" chính là dùng một mẫu lời chúc hay là thiệp điện tử để gửi đến nhiều người. Người gửi khéo thì soạn/làm nhiều mẫu để gửi đến cho nhiều đối tượng nhưng vẫn khớp với hoàn cảnh, bối cảnh.v.v… người nhận; thậm chí người nhận không bị cảm giác là đã nhận được lời chúc Tết "nhân bản". Tuy nhiên, với rất nhiều trường hợp chúc Tết "nhân bản" khác, thì chỉ thuần một mẫu và gửi đi cho hàng trăm người; lấy "độ phủ" làm trọng, coi như thế là hoàn thành nhiệm vụ chúc nhau mà người gửi không nghĩ rằng người nhận rất khó chịu, chẳng mảy may có được cảm xúc được chúc Tết hay cảm nhận được tình cảm chân thật từ người gửi.

Đó là những trường hợp chúc Tết "nhân bản" từ các cá nhân. Chứ còn đối với các tổ chức, công ty, đơn vị doanh nghiệp…, thì chúc Tết "nhân bản" đã là "chuyện thường ngày ở huyện" từ lâu rồi. Một mẫu thiệp Tết được gửi đi từ công ty, từ một người đại diện về đối ngoại, truyền thông, hoặc phòng chăm sóc khách hàng hay khối kinh doanh gửi đi cho các đối tác. Cũng coi như xong một thủ tục chúc Tết.

Thường thì trước những lời chúc Tết "nhân bản", tỉ lệ phản hồi rất thấp. Bởi cá nhân mỗi người nhận, khi họ đã không cảm thấy thích thú với sự "nhân bản" đó, thì cũng khó mà bắt họ reply lại. Mỗi chúng ta cũng thế thôi, cách ứng xử chung với những lời chúc "nhân bản" dường như là thế. Hơn cả cái cảm giác mất đi sự thích thú hay hứng thú, là cảm giác không nhận được tình cảm chân thành, sự trân trọng từ lời chúc đó. Thậm chí dần dà, người nhận sẽ đánh giá thấp, xem thường người gửi, mối quan hệ cũng có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Vậy thì tại sao cứ phải chúc Tết "nhân bản", cứ phải chạy theo số lượng trong sự lười nhác khi không đủ sự chân thành?

Bởi sự chân thành làm sao có thể nhân bản được. Bởi sự chân thành là tình cảm chân thực, trân quí nhau thực sự. Có nhớ nhau, quí nhau, thực lòng muốn chúc nhau những lời tốt đẹp, thì cứ bỏ ra vài phút mà soạn lời chúc, chỉnh sửa nội dung thiệp cho phù hợp. Bản thân sự đầu tư dù chẳng mất nhiều thời gian đó, chắc chắn người nhận sẽ cảm nhận được và sẽ cảm thấy vui và trân trọng.

Chẳng ai ép uổng người này phải chúc người kia trong dịp Tết. Sự chúc mừng nhau xuất phát từ sự tự nguyện, mà đã tự nguyện thì phải chân thật và trong sáng, chẳng cần sự gắng gượng làm gì. Đã không thực sự xuất phát từ trong tâm muốn chúc mừng nhau, cũng chẳng cần phải gửi đi lời chúc (text) hay thiệp điện tử (hình ảnh) mà làm gì, bởi như thế hóa ra lại tự làm khổ và khiến mình nhọc công, muốn làm hàng trăm người hài lòng mà thực tế đâu được như vậy.

Thời đại công nghiệp 2.0, 3.0 hay 4.0 cũng vậy thôi, lời chúc hay thiệp chúc chỉ là cái vỏ ngôn ngữ, chỉ là cách thiết kế, nó là hình thức để chuyên chở nội dung chính là tình cảm. Công nghệ có hiện đại và phát triển đến đâu cũng không thể tạo ra loại tình cảm ảo trên không gian số mà qua mặt được mọi người. Công nghệ phát triển có thể sẽ mở ra nhiều hơn các phương tiện, giao diện, phương thức… để tương tác và chuyển tải nội dung, chứ không không thể thay thế được cho nội dung, đặc biệt là khi những nội dung ấy lại rất đặc biệt, vì nó chứa đựng tình cảm trong mối quan hệ giữa con người với con người.

Tôi nhớ một câu trong tác phẩm "Vợ chồng A Phủ" của nhà văn Tô Hoài, mộc mạc và chân thật: "Em không thương anh thì thôi, thương anh thì về…"

Nếu không thực sự nhớ nhau, nghĩ về nhau, hay mối quan hệ cũng chưa đủ đến mức cần quan tâm chúc mừng nhau, thì thôi… Còn ngược lại, nếu đã chúc nhau, thì hãy từ lòng thành và tình cảm chân thật, dù lời chúc mộc mạc, bình dị chứ không được trau chuốt, hoa lá cành. Chẳng nên cứ "nhân bản" lời chúc và gửi hàng loại, chỉ khiến người khác khó chịu, bực bội, và những lời chúc đó vô hình chung trở thành "lời chúc rác" gây phiền cho người nhận.

Còn không, thì cứ một lời chúc hay thiệp chúc chung mọi người, để trên trang cá nhân của mình, mọi người thấy thích thì Like không thì thôi. Nhưng chí ít đó là một ứng xử chuẩn mực, mọi người sẽ không trách cứ. Còn ngược lại, đã gửi lời chúc, thiệp chúc đến một người nào đó, thì tính cá nhân hóa đối với họ là điều phải được thể hiện chứ không thể chung chung "gửi đến cho mình mà cứ như gửi cho ai vậy" được.

Theo Báo Diễn đàn đầu tư

http://vnreview.vn/tin-tuc-xa-hoi-so/-/view_content/content/2411859/chuc-tet-nhan-ban-sao-co-the-nhan-ban-duoc-long-thanh