Chuẩn bị lên sàn, VTVCab có điểm nhấn đầu tư nào đáng lưu ý?

VietTimes -- Tính đến ngày 31/5/2019, VTVCab đang cung cấp sản phẩm dịch vụ cho 1.864.919 thuê bao.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ngày 19/7/2019, Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab) vừa công bố thông tin về việc nhận được quyết định chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Theo đó, VTVCab sẽ niêm yết hơn 45,74 triệu cổ phiếu trên sàn UPCOM với mã chứng khoán là CAB. Ngày giao dịch đầu tiên cũng như mức giá tham chiếu của cổ phiếu CAB chưa được tiết lộ cụ thể.

VTVCab tiền thân là Trung tâm Truyền hình Cáp - MMDS, trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (Đài THVN), được thành lập vào ngày 20/9/1995, có chức năng quản lý hệ thống truyền hình CATV - MMDS theo kế hoạch của Đài THVN. Tới ngày 1/7/2018, VTVCab chính thức chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, với quy mô vốn điều lệ hơn 457,45 tỷ đồng.

Trước đó, vào tháng 4/2018, VTVCab đã tổ chức phiên đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), tiến hành cổ phần hóa theo hình thức “giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ”.

Cụ thể, công ty tiến hành chào bán đấu giá 42,29 triệu cổ phần cho nhà đầu tư. Với mức giá khởi điểm lên tới 140.900 đồng/cổ phần, VTVCab được định giá lên tới gần 12.500 tỷ đồng.  Dự kiến sau phiên IPO, quy mô vốn điều lệ của VTVCab sẽ được nâng lên mức 884 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký tham gia nên buổi đấu giá không thành công. Trong 1 tháng sau đó, VTVCab đã bán 664.800 cổ phần cho 1.156 người lao động.

Tính đến ngày 28/5/2019, cơ cấu cổ đông của VTVCab do Đài THVN nắm giữ tới 98,55% vốn điều lệ, với 3 đại diện góp vốn là các ông: Hoàng Ngọc Huấn (51%), Trịnh Long Vũ (22,55%), Nguyễn Hữu Long (25%).

Trong đó, ông Hoàng Ngọc Tuấn (sinh năm 1973) giữ vai trò Chủ tịch HĐQT của VTVCab.

Về kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2018, tổng doanh thu của VTVCab đạt 2.254,28 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 63,65 tỷ đồng. Trong đó, nguồn thu chủ yếu của VTVCab đến từ dịch vụ truyền hình với 1.245,6 tỷ đồng, chiếm 55,25%; tiếp đến là nguồn thu từ bản quyền, truyền dẫn.

Cơ cấu doanh thu của VTVCab - Nguồn: VTVCab
Cơ cấu doanh thu của VTVCab - Nguồn: VTVCab

Trong Quý 1/2019, VTVCab ghi nhận doanh thu đạt 501 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 7,3 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/3/2019, quy mô tài sản của tổng công ty đạt 2.451 tỷ đồng, không có nhiều thay đổi so với đầu năm. VTVCab đang cung cấp sản phẩm dịch vụ cho 1.864.919 thuê bao (tính tới ngày 31/5/2019).

Hiện VTV đang quản lý và sử dụng nhiều lô đất để làm văn phòng như: 69,7 m2 tại địa chỉ 89 Giang Văn Minh (quyền sử dụng đất vĩnh viễn); 1.000,9 m2 tại Khu 12 Đường Nguyễn Tất Thành, Thanh Miếu, Tp. Việt Trì, Phú Thọ (quyền sử dụng đất 50 năm) và 93 m2 tại Tổ dân phố bãi Giếng Nam, thị trấn Cam Đức, Cam Lâm, Khánh Hòa (quyền sử dụng đất lâu dài).

Nguồn: VTVCab
Nguồn: VTVCab

Theo bản thông tin tóm tắt, VTVCab định hướng sẽ không phát triển thêm dịch vụ truyền hình quảng bá, mà ưu tiên phát triển loại hình số mặt đất, di động mặt đất, số vệ tinh, kết hợp trên mạng viễn thông đã có sẵn phù hợp với định hướng số hóa và xu hướng hội tụ công nghệ và dịch vụ.

Trong mục tiêu phát triển, đến năm 2020, VTVCab sẽ cung cấp ổn định khoảng 70 - 80 kênh truyền hình quảng bá, trong đó có 10 - 15 kênh thông tin tuyên truyền thiết yếu quốc gia và 60 - 65 kênh thông tin tuyên truyền thiết yếu địa phương. Còn với lĩnh vực dịch vụ truyền hình trả tiền, mục tiêu đến năm 2020 sẽ phát hành khoảng 70 - 80% số hộ gia đình thu xem dịch vụ này.

Cũng trong năm 2019, VTVCab dự tính thoái vốn đầu tư tại công ty con là CTCP Công nghệ Việt Thành (Vita), mức giá chuyển nhượng chưa được xác định./.