Chưa phê duyệt phương án sáp nhập PGBank với Vietinbank

Hiện phương án sáp nhập PGBank vào Vietinbank vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Theo phương án này, một phần PGBank sẽ làm ngân hàng, phần còn lại sẽ lập thành công ty tài chính PG-Vietinbank. 
TS. Lê Đức Thọ, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc VietinBank
TS. Lê Đức Thọ, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc VietinBank

Còn về phương án sáp nhập với PGBank, TS. Lê Đức Thọ, Ủy viên HĐQT, Tổng Giám đốc VietinBank, cho biết sẽ công bố vào thời điểm thích hợp, nhưng sẽ rất sớm.

“VietinBank tích cực tham gia quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện kế hoạch hợp nhất, sáp nhập ngân hàng phù hợp với chiến lược phát triển của VietinBank và các quy định của pháp luật”, ông Thọ nhấn mạnh.

Được biết Vietinbank sẽ tổ chức ĐHCĐ vào ngày 14/4 tới, đây có lẽ cũng sẽ là thời điểm công bố phương án sáp nhập PGBank vào Vietinbank, nếu Ngân hàng Nhà nước chính thức phê duyệt.

Theo nguồn tin của BizLIVE, hiện phương án sáp nhập PGBank vào Vietinbank vẫn chưa được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Theo phương án sáp nhập trình cơ quan này, một phần PGBank sẽ làm ngân hàng, phần còn lại sẽ lập thành công ty tài chính PG-Vietinbank.

Bình luận về cơ hội đến từ sáp nhập, hợp nhất, ông Thọ cho rằng việc sáp nhập ngân hàng tại Việt Nam là giải pháp cần thiết và có tính tất yếu để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.

Xu hướng ngân hàng nhỏ, yếu sáp nhập với ngân hàng lớn có năng lực tài chính tốt thực tế đang diễn ra khá sôi động và dự báo quá trình này sẽ tiếp diễn với tốc độ cao hơn trong năm 2015 và thời gian tới đây.

“Nếu giai đoạn 2012 - 2014 được coi là bước đi ban đầu, khắc phục những mắt xích yếu kém nhất, ngăn chặn nguy cơ đổ vỡ thì năm 2015 là năm tạo ra đột phá mới trong tái cơ cấu ngân hàng. Mục tiêu là cần xử lý triệt để những yếu kém còn tồn tại để tạo nền tảng phát triển bền vững hệ thống ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo”, ông Thọ bình luận.

Thực tế cho thấy, nhóm ngân hàng sáp nhập giai đoạn trước 2015 đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động, như huy động vốn, thanh khoản, xử lý nợ, cho vay, hiệu quả kinh doanh. Bởi vậy, năm 2015 là bước chuyển quan trọng trong quá trình tái cơ cấu ngân hàng.

“Đây thực sự là cơ hội cho các ngân hàng Việt thúc đẩy tái cơ cấu mạnh mẽ; nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh doanh, cơ hội thành công. Đồng thời đây cũng là cơ hội quan trọng cho VietinBank trong việc thực hiện tốt chiến lược phát triển mạnh mẽ của mình”, ông Thọ bình luận.

Không chỉ đối mặt với sáp nhập, ông Thọ còn cho rằng năm 2015 sẽ là năm các ngân hàng Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức cạnh tránh gay gắt hơn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các ngân hàng có động lực để thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình tái cơ cấu nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và kinh doanh hiệu quả.

“Khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (Asean Economics Community - AEC) chính thức được triển khai, các ngân hàng Việt sẽ có cơ hội mở rộng quy mô hoạt động để đáp ứng các nhu cầu tài chính và dịch vụ ngân hàng. Tuy nhiên, để tận dụng được cơ hội này, các NHTM phải phát triển mạnh về quy mô, đa dạng hóa dịch vụ, tăng hiệu quả kinh doanh”,  ông Thọ bình luận.

Cùng với đó, các NHTM sẽ phải tuân thủ đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về quản trị hoạt động, quản trị rủi ro. Đây là động lực thúc đẩy nhanh hơn quá trình tái cơ cấu cho các NHTM Việt.

“Chính sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trên thị trường sẽ là động lực buộc các ngân hàng trong nước phải tăng cường hợp tác, sáp nhập, hợp nhất, tái cấu trúc, đổi mới hoạt động, tăng khả năng tích lũy, tích tụ để trở nên mạnh hơn, chiếm được thị phần cao hơn nhằm bảo vệ được vị trí của mình trước xu hướng mở cửa và hội nhập quốc tế”, ông Thọ nhấn mạnh.

TS. Lê Đức Thọ nhấn mạnh mục tiêu của Vietinbank đến năm 2017 sẽ trở thành NHTM có quy mô tổng tài sản lớn nhất, có tầm cỡ khu vực. 

Theo Bizlive