ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp:

Chưa có trường hợp nào nhiễm virus Corona mới qua đường ống nước

VietTimes -- Lợi dụng tình hình dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, nhiều đối tượng đã thông tin không chính xác khiến người dân hoang mang, lo lắng. Gần đây, thông tin virus Corona có thể lây truyền qua đường ống nước khiến không ít người dân hoang mang. Để thông tin rõ hơn cho bạn đọc về vấn đề này, PV VietTimes đã có cuộc trao đổi với ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Đăng Khoa
ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Đăng Khoa

+ Hiện trên các trang mạng đang lan truyền thông tin virus Corona mới (nCoV) gây dịch COVID-19 có thể lây truyền qua đường ống nước, đường ống chất thải trong gia đình khiến dư luận hoang mang. Xin ông cho biết quan điểm về vấn đề này?

- Đến thời điểm hiện tại tôi chưa thấy thông báo có trường hợp lây nhiễm virus Corona mới qua đường ống thoát nước hay đường ống chất thải. Đây chỉ có thể là một giả thuyết còn thực tiễn chưa có ca nào bị lây nhiễm virus Corona mới, gây bệnh viêm đường hô hấp cấp qua đường ống nước hay đường ống thoát chất thải.

Thực tế, phải có một chùm các ca mắc COVID-19 cùng bị nhiễm virus qua một đường lây truyền thì mới có thể khẳng định được đường lây đó là chính xác. Nếu không chứng minh được điều này thì mọi đường lây truyền khác chỉ là giả thuyết và không có cơ sở khoa học.

ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp chia sẻ về tình hình dịch COVID-19. Ảnh: Đăng Khoa
ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp chia sẻ về tình hình dịch COVID-19. Ảnh: Đăng Khoa 

+Trước vấn nạn fake news tràn lan trên mạng, theo ông, làm thế nào để truyền thông cho người dân có nhận thức đúng đắn về dịch COVID-19?

- COVID-19 là vụ dịch đầu tiên mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải kêu gọi để chống lại fake news lan truyền trên các trang mạng xã hội.

Thực tế, các bác sĩ có rất nhiều kinh nghiệm cũng như kiến thức trong công tác phòng, chống dịch nhưng khi nói ra người dân lại không hiểu. Còn các phóng viên, nhà báo có thông tin nhưng nhiều khi lại diễn giải sai thông tin ấy. Vì thế báo chí và các bác sĩ cần phối hợp với nhau nhiều hơn nữa để cung cấp thông tin chính xác nhất, nhanh nhất đến với người dân, đặc biệt là trong thời điểm dịch COVID-19 có nhiều diễn biến phức tạp như hiện nay.

ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp khẳng định: Việc người dân lo lắng mà không có nhận thức đúng đắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Ảnh: Đăng Khoa
ThS. BS. Nguyễn Trung Cấp khẳng định: Việc người dân lo lắng mà không có nhận thức đúng đắn sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường. Ảnh: Đăng Khoa

+ Thực tế, không ít người dân tỏ ra kỳ thị, thậm chí phân biệt đối xử với người dân sống tại Vĩnh Phúc, đặc biệt là ở xã Sơn Lôi – nơi phát hiện ra ổ dịch COVID-19. Vì sao người dân lại có thái độ như vậy thưa bác sĩ?

- Tôi cho rằng khi người dân lo lắng có hiểu biết thì sẽ dẫn đến hành động đúng, còn chỉ lo lắng mà không có hiểu biết sẽ gây ra nhiều hệ lụy khó lường.

Thực tế đã có sự đánh tráo khái niệm khiến nhiều người dân hiểu sai về tình hình dịch bệnh cũng như bản chất của vấn đề. Nhiều ý kiến cũng như các thông tin cho rằng vùng có dịch là cả tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, vùng có dịch là xã Sơn Lôi chứ không phải cả tỉnh Vĩnh Phúc. Việc đánh tráo khái niệm đã khiến không ít người dân có sự kỳ thị đối với người dân tại Vĩnh Phúc.

+ Trong dịp Tết vừa qua, khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp, nhiều người dân phản ánh lên đường dây nóng của Bộ Y tế và bị thu phí. Xin ông cho biết ý kiến về vấn đề này?

- Theo tôi, Bộ Y tế phải chủ động hơn trong việc giải quyết vấn đề cung cấp, tư vấn thông tin cho người dân trước kỳ nghỉ Tết, để người dân nắm bắt thông tin kịp thời, tránh tình trạng hiểu sai thông tin, nhận thức không đúng về tình hình dịch bệnh.

Bên cạnh đó, rất khó để xác định được bệnh nhân mắc COVID-19 lây bệnh lúc nào, bởi việc điều tra dịch tễ của người bệnh chủ yếu thông qua việc hỏi đáp.

+ Cảm ơn ông!