Chưa “chốt” được phương án mua vắc xin, các nhà sản xuất đứng trước rủi ro lớn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giải pháp cho vấn đề thiếu vắc xin vẫn còn “bùng nhùng”, dù không thiếu tiền lẫn nguồn cung. Bối cảnh này đặt các nhà sản xuất vắc xin nội trước những thách thức lớn với nhiều rủi ro...

11/12 loại vắc xin TCMR do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất
11/12 loại vắc xin TCMR do Việt Nam nghiên cứu và sản xuất

Việt Nam hiện có 3 đơn vị sản xuất được 11 loại vắc xin cho chương trình Tiêm chủng mở rộng (TCMR) đều trực thuộc Bộ Y tế là Viện vắc xin sinh phẩm và Y tế (IVAC), Công ty TNHH Một thành viên Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) và Trung tâm Nghiên cứu Sản xuất Vắc xin và Sinh phẩm Y tế (POLYVAC), đảm bảo đủ nguồn cung cho 11/12 loại vắc xin TCMR.

Nhưng để sản xuất ra vắc xin, không phải nay muốn là mai có ngay, mà các đơn vị sản xuất vắc xin phải có thời gian chuẩn bị ít nhất từ 4-6 tháng, tùy loại vắc xin. Chưa kể, nhiều nguyên liệu, hóa chất phải đặt mua ở nước ngoài, thường mất nửa năm mới có.

Nhà sản xuất: Rủi ro vì phải hủy vắc xin quá hạn

Theo Bộ Y tế, đến tháng 7 này, tất cả các địa phương có thể sẽ không còn vắc xin TCMR. Thực tế hiện nay, chưa đến tháng 7, nhiều loại vắc xin đã hết sạch. Thế nhưng đến giờ, vẫn chưa “chốt” được cách thức mua bán vắc xin cho các địa phương, khi phương án mà Bộ Y tế đề xuất, thì Bộ Tài chính lại cho rằng không đúng quy định.

Vì thế, cả 3 đơn vị sản xuất vắc xin đang phải “nín thở” chờ đợi phương án cuối cùng cho bài toán thiếu vắc xin. Bởi vướng mắc về cơ chế chính sách, không biết đến khi nào mới xong, mà vắc xin thì thường hạn dùng không dài. Do đó, dễ diễn ra cảnh các địa phương “khát” vắc xin, nhưng các nhà sản xuất vẫn phải hủy vắc xin do quá hạn không bán được.

“Hiện chúng tôi không biết ai sẽ mua vắc xin của mình cũng như phương thức mua bán, giá cả thế nào” - lãnh đạo một đơn vị sản xuất vắc xin chia sẻ.

Đại diện một nhà sản xuất vắc xin khác không muốn nêu tên, cũng tâm sự: “Mặc dù vậy, theo nhiệm vụ, các đơn vị vẫn phải luôn sẵn sàng vắc xin để cung cấp khi có yêu cầu. Nhưng sản xuất khi chưa có hợp đồng ký kết thì rủi ro cho các nhà sản xuất rất lớn. Vì vắc xin chúng tôi sản xuất ra có thể không được đưa vào sử dụng cho chương trình TCMR vì một lý do nào đó, chẳng hạn như một tổ chức nào lại tặng vắc xin TCMR cho Việt Nam, đồng nghĩa với vắc xin của chúng tôi sẽ không được sử dụng, thiệt hại và trách nhiệm lại thuộc về chúng tôi”.

VT_ thư nghiem vac xin.JPG
Vắc xin COVIVAC do IVAC nghiên cứu được thử nghiệm tại Trường Đại học Y Hà Nội

Thực tế, năm 2021 và 2022, các đơn vị sản xuất vắc xin đủ để cung cấp cho các địa phương, nhưng Bộ Y tế mua rất ít hoặc không mua như dự kiến trước đây, nên số vắc xin hết hạn khá nhiều.

Lãnh đạo một đơn vị sản xuất vắc xin cho biết: Năm trước, đơn vị ông đã phải hủy khoảng 3 triệu liều vắc xin sản xuất cho chương trình TCMR (giá 16.000đ/liều) vì quá hạn. Mà các đơn vị này đều tự chủ 100% chi thường xuyên nên phải tự gánh khoản “tiền tỷ ném ra gió” này.

Hay như VABIOTECH sản xuất vắc xin viêm gan B cho TCMR là loại lọ 0,5ml/liều, dùng cho trẻ sơ sinh, nếu không bán được, cũng không thể dùng cho người lớn (1ml/liều). Hoặc vắc xin đa liều cho TCMR mỗi lọ 5-10 liều, nếu không bán được, cũng không thể đưa ra thị trường.

Nhiều vướng mắc

Các đơn vị sản xuất vắc xin đang rất lo lắng về các phương án cung cấp vắc xin đưa ra, vì đều có những vướng mắc không dễ giải quyết.

Nếu theo phương án Bộ Y tế đặt hàng thì phải dùng ngân sách Trung ương. Như vậy, sẽ phải duyệt giá vắc xin. Nhưng hiện vẫn đang triển khai thì chưa biết khi nào mới xong.

Còn nếu các địa phương mua thì bằng ngân sách tỉnh và theo hình thức đấu thầu, thì sẽ không cần Bộ Tài chính duyệt giá, nhưng dễ dẫn đến tỉnh có, tỉnh không, tỉnh làm nhanh, tỉnh làm chậm.

Trao đổi với VietTimes sáng nay, 10/6, đại diện các đơn vị sản xuất vắc xin đều bày tỏ mối quan tâm đặc biệt là: Khi 63 tỉnh tự mở thầu thì nhà sản xuất sẽ có 63 hợp đồng cung cấp, vận chuyển vắc xin. Vấn đề đặt ra là việc vận chuyển sẽ như thế nào, vì liên quan đến dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin lẫn chi phí, mà đầu tư dây chuyền lạnh không hề rẻ.

Trước đây, Bộ Y tế đặt hàng tập trung thông qua Chương trình TCRM, thì nhà sản xuất chỉ vận chuyển ra NIHE hoặc cùng lắm đến 4 Viện Vệ sinh Dịch tễ ở 4 khu vực, còn nay, sẽ có cảnh IVAC bán chỉ vài ngàn liều cho Hà Giang, hay VABIOTECH bán vài nghìn liều cho Cà Mau, hoặc POLYVAC bán vài nghìn liều cho Lai Châu. Khi phải chia lẻ ra 63 tỉnh, thành thì ngoài chuyện đẩy cao chi phí, vấn đề mà các nhà sản xuất lo lắng nhất là đảm bảo quy trình vận chuyển (GDP) và quy trình bảo quản (GSP) nếu không sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vắc xin.

sp_26.jpg
Một trong các loại vắc xin do Việt Nam sản xuất được đưa vào chương trình TCMR nhiều năm nay

Năng lực cung ứng vắc xin

Trao đổi với VietTimes, TS. Dương Hữu Thái - Viện trưởng IVAC - cho biết, dù chưa rõ cơ chế mua bán vắc xin cho các địa phương, IVAC vẫn phải sẵn sàng một lượng nhỏ vắc xin TCMR, để có thể cung cấp ngay khi có yêu cầu, đồng thời, chuẩn bị sản phẩm trung gian để khi rõ về chính sách sẽ sản xuất ngay.

IVAC cũng đã thông báo với Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương về khả năng tiến độ cung ứng các vắc xin sử dụng trong Chương trình TCMR nếu nhận được đặt hàng trong tháng 6/2023.

vac xin của VABIOTECH.jpeg
VABIOTECH đã nghiên cứu nhiều loại vắc xin có hiệu quả

TS. Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc VABIOTECH - cho biết: Để chủ động nguồn cung luôn sẵn sàng, đáp ứng yêu cầu của người dân, đồng thời, tránh được rủi ro, VABIOTECH đã chuẩn bị sẵn bán thành phẩm đặc, để khi có ý kiến chỉ đạo cung cấp vắc xin là đưa vào sản xuất.

“Nếu có công văn đặt hàng, sau 4 tháng chúng tôi sẽ cung ứng được ngay” - TS. Tuấn cho biết.

Để giải quyết ổn định vấn đề vắc xin cho cả nước trong vài năm tới, các nhà sản xuất vắc xin đều cho rằng, cách tốt nhất trong giai đoạn hiện nay là giữ nguyên cách thức mua vắc xin như trước đây đã làm, còn việc cho các địa phương nên có lộ trình để tránh bị xáo trộn việc cung cấp vắc xin.

Một chuyên gia về chính sách y tế cũng cho rằng, chính sách do chúng ta ban hành thì chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi cho phù hợp, với mục tiêu cao nhất là đảm bảo quyền lợi cũng như sức khỏe của trẻ em.