Chủ tịch Vinaconex: Chúng tôi bỏ 7.400 tỷ đồng thì ký 1.000 tỷ đồng có sao (?!)

VietTimes -- Nhận được thắc mắc của các cổ đông về quy chế tài chính mới cấp quyền quá cao cho Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc Vinaconex, ông Đào Ngọc Thanh cho biết ông và Tổng giám đốc Nguyễn Xuân Đông đại diện cho một nhóm nhà đầu tư đã bỏ 7.400 tỷ vào Vinaconex. Số tiền này là "khoản đảm bảo" nên Chủ tịch có ký tới 1.000 tỷ đồng cũng không xem là rủi ro.
Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 (Ảnh: VT)
Chủ tịch Vinaconex Đào Ngọc Thanh phát biểu tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 (Ảnh: VT)

Phiên họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Tổng công ty Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, VCG) diễn ra trong không khí căng thẳng ngay từ ban đầu, với hàng loạt biện pháp "giới nghiêm" trong phòng họp.

Tuy nhiên "sức nóng" tại phiên hợp thường niên của doanh nghiệp có tổng tài sản ngót ngét 1 tỷ USD được đẩy lên cao khi bước vào phiên thảo luận, với hàng loạt ý kiến từ cổ đông hướng tới tính minh bạch và năng lực quản trị của ban điều hành mới.

Liên quan đến Quy chế quản trị mới sau khi nhóm An Quy Hưng tham gia vào điều hành, một số cổ đông bày tỏ lo ngại về nguy cơ thất thoát tài sản bởi quyền lực tập trung quá lớn trong tay Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc, vốn cũng là hai cá nhân liên quan tới nhóm An Quý Hưng.

Theo ý kiến của các cổ đông, người đứng đầu Vinaconex hiện có quyền quyết định đầu tư tài sản với giá trị cả nghìn tỷ đồng là không hợp lý và mang tính rủi ro, trong khi trước đây khi cổ đông lớn là SCIC và Viettel, quyền quyết định chỉ tới 15 tỷ đồng. Ngoài ra, một số ý kiến cũng nhắc tới những tin đồn về "rút ruột công ty" của nhóm cổ đông mới.

Sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật

Trả lời câu hỏi này, ông Đào Ngọc Thanh nhấn mạnh từ ngày trở thành Chủ tịch HĐQT "chưa tiêu bất kỳ một đồng nào của Vinaconex". Đồng thời, người đứng đầu Vinaconex cũng cho rằng, nhóm cổ đông do ông đại diện đã bỏ ra 7.400 tỷ đồng mua cổ phần tại doanh nghiệp này thì việc quyết định đầu tư 1.000 tỷ cũng không phải là con số quá lớn.

"Tôi bỏ tiền vào đây thì tôi ký 1.000 tỷ đồng có làm sao. Chúng tôi đã đầu tư vào Vinaconex 7.400 tỷ đồng thì tiền đó là tiền cọc của tôi. Tôi và ông Đông là đại diện của An Quý Hưng, nhưng sau chúng tôi còn nhiều người nữa”, ông Thanh nói nhưng không tiết lộ chi tiết nhóm cổ đông nào đứng sau thương vụ thâu tóm Vinaconex do đó là "vấn đề riêng tư".

Đối với vấn đề tẩu tán tài sản, Chủ tịch HĐQT Vinaconex khẳng định chuyện của An Quý Hưng và Vinaconex là khác nhau. “Không có chuyện tiền từ Vinaconex về An Quý Hưng. Tiền chúng tôi mua Vinaconex là do chúng tôi góp lại để mua, làm gì có ngân hàng phía sau để vay", ông Thanh đặt vấn đề ngược lại.

Người đứng đầu HĐQT cũng đưa ra câu hỏi, nếu thất thoát thật thì tại sao công ty kiểm toán Deloitte vẫn ký vào báo cáo kiểm toán. Vinaconex khi là công ty nhà nước thị giá cổ phiếu chỉ loanh quanh ở mức 17.000 đồng nhưng hiện nay giá cổ phiếu tăng lên trên 20.000, thậm chí có phiên 27.000 đồng/cổ phiếu. "Tài sản của VCG đang tăng đấy chứ, thất thoát ở đâu", ông Thanh nói.

Đối với việc thay đổi quy chế quản trị và quy chế tài chính theo hướng trao quyền nhiều hơn cho ban lãnh đạo, ông Thanh nói việc này chưa có tiền lệ nhưng không phải là vấn đề. "Việc của Chủ tich là phải tạo sự khác biệt, đẳng cấp và chuyên nghiệp. Bỏ phiếu quá bán thì quyết định thông qua, luật cho phép, 51% đồng ý là thông qua”, ông nói và cho rằng, toàn bộ các vấn đề đưa ra và được thông qua đều thực hiện theo đúng pháp luật.

Trước những tin đồn bên ngoài về việc "rút ruột công ty", giãi bày trước các cổ đông, ông Thanh cũng chia sẻ, thông tin ông lấy tiền của Vinaconex mua Maybach là hoàn toàn không chính xác.

"Tôi làm lãnh đạo lớn của 4 tập đoàn lớn, lúc nào tôi mua ô tô chẳng được. Ai chỉ được ông Thanh lấy tiền từ VCG mua Maybach tôi sẵn sàng tặng người đó một cái Maybach", ông nói và cho biết với tư cách Chủ tịch HĐQT sẽ chịu trách nhiệm tuyệt đối và hoàn toàn không có chuyện này.

Vị Chủ tịch Vinaconex cũng cho biết sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật về các quyết định của mình.

“Tôi sai tôi sẵn sàng đi tù nếu tôi làm sai, tôi năm nay 71 tuổi đi tù không sao, vấn đề ở đây tôi nhắc lại chúng tôi làm bất kỳ điều gì phải thượng tôn pháp luật”, ông Đào Ngọc Thanh nhấn mạnh.

Ông Thanh cho biết giám đốc tài chính Vinaconex "tha thiết" mua ô tô cho mình nhưng ông từ chối và cho biết "cái xe Cadillac" dưới sân mang tên mình và chỉ là một trong nhiều chiếc xe ông sở hữu (Ảnh minh họa: VT)

Ông Thanh cho biết giám đốc tài chính Vinaconex "tha thiết" mua ô tô cho mình nhưng ông từ chối và cho biết "cái xe Cadillac" dưới sân mang tên mình và chỉ là một trong nhiều chiếc xe ông sở hữu (Ảnh minh họa: VT)

Muốn triển khai dự án Splendora: Không dễ

Đề cập tới một số dự án lớn mà Vinaconex đang có kế hoạch thúc đẩy, triển khai trong năm 2019, ông Đào Ngọc Thanh và ông Nguyễn Quang Trung (Thành viên HĐQT Vinaconex và Tổng Giám đốc của An Khánh JVC) đã có nhiều chia sẻ về dự án Splendora (Bắc An Khánh).

Ông Thanh ví von hoàn cảnh của dự án này khá “trớ trêu” khi tỷ lệ góp vốn mỗi bên là “50/50”, cùng với đó là việc HĐQT của An Khánh JVC - chủ đầu tư dự án Splendora - cũng khá cân bằng khi mỗi bên nhà đầu tư đều có 2 đại diện tham gia.

“Dự án Splendora ban đầu do Vinaconex và POSCO (Hàn Quốc) thực hiện dự án này. Tuy nhiên, sau này POSCO đã thực hiện chuyển nhượng cổ phần cho đối tác khác. Về nguyên tắc, tôi được Vinaconex đề cử làm Chủ tịch HĐQT (An Khánh JVC - PV) nhưng vẫn chưa bầu được. Nếu chúng ta cứ để tình trạng này thì thiệt hại sẽ rất lớn”, ông Thanh bày tỏ.

Theo tính toán của vị Chủ tịch Vinaconex, dự án này có diện tích trên 200ha, khoảng 70ha là đất thương mại, nếu tính theo giá dự án bất động sản khác (100 triệu/m2) ở gần đó, tính ra dự án Splendora dự kiến sẽ đem về hàng nghìn tỷ đồng.

Có quan điểm khác, ông Nguyễn Quang Trung đại diện cho các nhà đầu tư góp 50% vốn còn lại tại An Khánh JVC cho rằng cần phải có sự hợp tác của cả 2 phía mới mong thúc đẩy dự án, và giúp Splendora trở nên cạnh tranh hơn.

“Tại An Khánh JVC, tôi có vai trò là Tổng Giám đốc. Từ 7 năm trước, nhóm nhà đầu tư chúng tôi đã bắt đầu tham gia theo đề nghị của lãnh đạo Vinaconex thời đó là anh Đạo (Chủ tịch), anh Hà (Tổng giám đốc) để hỗ trợ giải quyết bế tắc về tài chính và phát triển với đối tác Hàn Quốc. Tuy nhiên, sau đó, chúng tôi mua lại cổ phần của nhà đầu tư Hàn Quốc và chính thức đầu tư quản lý cũng được 2 năm”, ông Trung lý giải về sự góp mặt của nhà đầu tư mới tại An Khánh JVC.

Bên cạnh đó, ông Trung cũng cho rằng An Khánh JVC “không phải bức tranh màu hồng” và đây là một công ty liên doanh mà Vinaconex không toàn quyền chi phối.

“Hiện nay tình hình tài chính của công ty (An Khánh JVC - PV) đang vô cùng khó khăn, công ty đang lỗ lũy kế là 1.700 tỷ, âm vốn chủ sở hữu, các khoản nợ phải trả tổng cộng là khoảng 8.000 tỷ, hiện không thể thanh toán các khoản nợ đến hạn, bao gồm cả nhà thầu nước ngoài. Hàng năm hai bên góp vốn đều phải đứng ra bảo lãnh, cam kết hỗ trợ vô điều kiện để kiểm toán không công bố tình trạng phá sản. Nghĩa vụ của An Khánh JVC với chúng tôi cũng lên tới 5.000 tỉ đồng”, ông Nguyễn Quang Trung cho biết thêm.

Ông Trung cũng đề cập tới việc các thủ tục pháp lý đất đai của dự án chưa hoàn chỉnh, xung quanh bị lấn chiếm, bị phát triển công nghiệp địa phương ô nhiễm, công tác quy hoạch hiện hữu chưa hợp lý, sẽ cần điều chỉnh.

“Hiện trạng công ty An Khánh còn rất nhiều khó khăn phải giải quyết. Vinaconex phải đưa vào nguồn vốn rất lớn  để trả nợ mới có thể tiếp tục các công việc của dự án. Trong khi đó, nguồn tiền dự trữ trên quỹ đầu tư phát triển của Vinaconex lại đi mua cổ phiếu, đầu tư chứng khoán” - ông Trung tỏ ra khá băn khoăn về năng lực tài chính của “đối tác” Vinaconex./.