Chủ tịch Tasco: “Nói BOT như tội đồ, chúng tôi không hưng phấn đầu tư nữa”

Đó là quan điểm được ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tasco đưa ra khi bình luận về vấn đề nhà đầu tư tham gia vào các dự án BOT giao thông hiện nay tại Hội nghị về BOT diễn ra sáng nay.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tasco.
Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tasco.

Theo ông Dũng, trong giai đoan gần đây, do những khó khăn về kinh tế, hoạt động đầu tư xây dựng, bất động sản chững lại nên nhiều doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đã chuyển hướng sang BOT. Mặc dù đây là lĩnh vực có lợi nhuận thấp, nhưng do “không có việc làm” nên đã đầu tư sang BOT.

“Sự chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực BOT không chỉ giúp tăng GDP, mà Bộ Giao thông vận tải và Chính phủ còn mua rẻ được tài sản BOT trong 5 năm vừa qua. Tôi khẳng định hơn rẻ hơn vốn ODA” – ông Dũng nói.

Phân tích vấn đề này, ông Dũng chỉ rõ các dự án vay vốn ODA luôn phải tuân thủ theo các điều khoản, là hợp đồng vay có điều kiện. Trong khi đó, các nhà thầu của Việt Nam cũng không thể tham gia vào các dự án này, và tổng mức đầu tư thường tăng gấp rưỡi hoặc gấp đôi gây đội vốn lớn.

“Thế nhưng, thời gian qua cứ nói nhà đầu tư BOT ăn dày, giàu có, nhưng trong hợp đồng BOT thì chỉ quy định 11-12% lãi trên vốn chủ sở hữu. Lợi nhuận mà DN phải nộp thuế TNDN là 22%, trừ đi lãi đưa về là 8 – 9%, trong khi cam kết cổ đông là 12 – 15%, thì hỏi rằng lợi nhuận ở đâu mà dư luận nói dư luận nói nhà đầu tư tranh nhau” – ông Dũng bức xúc nói.

Theo ông Dũng, mặc dù thời gian qua nhiều nhà đầu tư đã rót vốn vào lĩnh vực BOT, nhưng thực tế việc họ có lãi với BOT là câu hỏi bỏ ngỏ, khi mà thời gian thu hồi vốn kéo dài tới 20 năm, tức là nhà đầu tư không có sự bảo toàn vốn.

Ông Dũng đặt câu hỏi: “20 năm đồng tiền Việt Nam trược giá 6 – 7% thì còn lại bao nhiêu? Tôi cho rằng Nhà nước được rất lớn so với thu hút vốn ODA. Nói rằng vốn ODA có lãi suất thì rẻ nhưng giá thành gấp rưỡi hoặc gấp đôi, thì hỏi rằng giá thành là đắt hay là rẻ? Chứ cứ nói nhà đầu tư BOT như tội đồ, chúng tôi ái ngại và không có hưng phấn đầu tư nữa”.

Trong khi đó, các nhà đầu tư BOT cũng gặp không ít khó khăn khi mà các nhà quản lý đưa ra nhiều yêu cầu cao hơn. Đơn cử, việc cấp giấy chứng nhận đầu tư phải có sự tham gia thẩm định của 8 bộ ngành. Quản lý quá trình chuẩn bị đầu tư cũng chặt chẽ, khi có một cơ quan kiểm toán và hai cơ quan thanh tra, nên ông Dũng cho rằng không thể nói rằng các dự án BOT có tham nhũng.

Do đó, Chủ tịch Tasco cho rằng, việc thu hút đầu tư BOT thời gian tới sẽ không thuận lợi như giai đoạn vừa rồi. Bởi hiệu quả đầu tư phải bắt nguồn từ hài hòa lợi ích xã hội – người dân – doanh nghiệp và nhà đầu tư. Song việc hài hòa lợi ích này này xem ra chưa được đảm bảo, khi có không ít thông tin tiêu cực về BOT, khiến cho các nhà đầu tư nản lòng.

Trước thực trạng trên, nhà đầu tư này kiến nghị BOT chỉ nên tập trung vào đầu tư dự án mới, còn dự án nào sửa chữa, người dân muốn đi thì phải bỏ tiền ra.

“Có nghĩa, cần quy hoạch lại BOT, chỗ nào cần đầu tư, chỗ nào xã hội hóa, còn định hướng BOT thì nên đầu tư vào tuyến mới” – ông Dũng kiến nghị.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện về khả năng tín dụng, hệ thống tín dụng cho các nhà đầu tư. Hiện đầu tư một tuyến BOT lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, kể cả DN và hệ thống tín dụng Việt Nam cũng đều không đủ năng lực đầu tư. Do đó, cần nghiên cứu mức thuế, phí, giá cho phù hợp để thu hút đầu tư hiệu quả.

Theo Trí thức trẻ