Chủ tịch Quốc hội 'chấm điểm' 4 Bộ trưởng trả lời chất vấn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chủ tịch Quốc hội nhận xét, Bộ trưởng LĐ-TB&XH có kinh nghiệm trong quản lý; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc bình tĩnh, tự tin, chuẩn bị tốt nội dung; Bộ trưởng KH&CN càng trả lời càng tự tin, càng hay; Bộ trưởng GTVT nắm vững, nhận diện tồn tại.

Sau 2,5 ngày, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Bộ trưởng KH-CN Huỳnh Thành Đạt và Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng đã hoàn thành trả lời chất vấn trước Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các Bộ trưởng tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đồng thời chỉ đạo quyết liệt thực hiện giải pháp đề ra.

Với phần trả lời của Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, Chủ tịch Quốc hội cho biết có 99 ĐBQH đăng ký chất vấn.

“Đây là một số lượng đông rất kỷ lục, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của ĐBQH cũng như là cử tri và Nhân dân đối với lĩnh vực lao động, việc làm rất quan trọng”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Trong đó có 46 đại biểu chất vấn bao gồm 35 người trực tiếp đặt câu hỏi và 11 đại biểu tranh luận. Còn 54 đại biểu đăng ký nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian và một đại biểu tranh luận cũng không đủ thời gian sẽ gửi câu hỏi đến Bộ trưởng để được trả lời bằng văn bản.

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung

Chủ tịch Quốc hội nhận định, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, đại biểu đặt câu hỏi rất ngắn gọn, trách nhiệm, thẳng thắn và đi thẳng vào vấn đề mà người dân, cử tri và doanh nghiệp đang rất quan tâm.

“Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong nhiệm kỳ thứ hai phải nói đã có rất nhiều kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước và đặc biệt rất thành thạo trong khâu đăng đàn chất vấn”, Chủ tịch Quốc hội nhận xét.

Vì vậy, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã nắm rất chắc quy định cũng như thực trạng lĩnh vực quản lý của bộ và trả lời đúng trọng tâm, giải trình đầy đủ, thỏa đáng, đồng thời cũng đề xuất được nhiều giải pháp và cam kết với Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tập trung vào một số vấn đề chính, trong đó có hoàn thiện chính sách pháp luật và BHXH, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật BHXH (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 tới và xem xét thông qua vào kỳ họp đầu năm 2024.

Cùng với đó là khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến BHXH; xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng BHXH theo quy định của pháp luật.

Với phiên chất vấn Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Chủ tịch Quốc hội cho biết có 62 đại biểu đăng ký chất vấn, trong đó có 35 đại biểu chất vấn với 28 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn và 7 đại biểu tranh luận. Còn 27 đại biểu đăng ký nhưng chưa được đặt câu hỏi do hết thời gian sẽ gửi chất vấn đến Bộ trưởng để được trả lời bằng văn bản.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh

Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn diễn ra rất sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và mang tính xây dựng cao. Câu hỏi của các ĐBQH bám sát nội dung nhóm vấn đề chất vấn.

“Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc mặc dù lần đầu tiên trả lời chất vấn nhưng đã rất bình tĩnh, tự tin, chuẩn bị tốt nội dung, cơ bản nắm chắc vấn đề, sâu sát với thực tiễn, đã tập trung trả lời vào vấn đề mà ĐBQH quan tâm, giải trình khá đầy đủ, đồng thời đề xuất được phương hướng và một số giải pháp nhằm khắc phục những bất cập trong lĩnh vực phụ trách”, Chủ tịch Quốc hội chấm điểm.

Trong đó, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, định hướng quan trọng về chính sách dân tộc cho giai đoạn 2021-2030. Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ tăng tốc, tạo đột phá và chuyển biến căn bản trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia để bù lại thời gian chậm trễ vừa qua…

Về phiên chất vấn Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt, Chủ tịch Quốc hội cho biết có 122 ĐBQH đăng ký chất vấn; đã có 32 đại biểu chất vấn, gồm 20 đại biểu đặt câu hỏi và 12 đại biểu tranh luận; vẫn còn 92 đại biểu đăng ký chất vấn và 3 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng do hết thời gian sẽ gửi câu hỏi đến Bộ trưởng để được trả lời bằng văn bản,

Chủ tịch Quốc hội nhận xét, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi với tinh thần xây dựng và trách nhiệm.

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt

Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt giữ cương vị tư lệnh ngành từ cuối nhiệm kỳ khóa XIV kỳ họp thứ 10, nhưng đây là lần đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội. Bộ trưởng là một nhà khoa học và từng lãnh đạo Đại học Quốc gia TP.HCM - một trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn. Vì vậy, Bộ trưởng cơ bản nắm vững thực trạng, lĩnh vực quản lý.

“Chúng tôi thấy là càng trả lời càng thấy tự tin, càng trả lời càng hay hơn và đã trả lời đầy đủ, khá thẳng thắn câu hỏi của ĐBQH, có đề xuất định hướng và phương án cụ thể để xử lý mỗi vấn đề trong thời gian tới”, Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Chủ tịch Quốc hội tin tưởng nếu có được cơ hội chất vấn vào lần khác thì Bộ trưởng sẽ trả lời hay hơn, nhanh hơn, năng suất hơn.

Trong đó tập trung vào một số vấn đề chính như thực hiện có hiệu quả chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo đến năm 2030; triển khai đồng bộ chương trình khoa học và công nghệ quốc gia đến năm 2030.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo, chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo. Dỡ bỏ rào cản duy ý chí và hành chính hóa hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo…

Với Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết đã có 112 ĐBQH đăng ký chất vấn, trong đó 20 đại biểu đặt câu hỏi và 17 đại biểu tranh luận. Còn 76 đại biểu đăng ký chất vấn và 2 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng do hết thời gian nên đề nghị gửi câu hỏi để Bộ trưởng để trả lời bằng văn bản.

Chủ tịch Quốc hội ghi nhận phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, rất thẳng thắn và có tính xây dựng cao. Các ĐBQH đã bám sát nội dung chất vấn, tích cực đeo bám, tranh luận để làm rõ thực trạng và trách nhiệm.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng tuy nhận nhiệm vụ chưa lâu nhưng nắm vững vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của ngành, nhận diện đúng tồn tại trong ngành, giải trình khá đầy đủ các vấn đề còn bất cập, hạn chế, đề xuất một số giải pháp trước mắt cũng như lâu dài để thực hiện tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của Bộ và ngành.

Theo Chủ tịch Quốc hội cần tiếp tục đôn đốc thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải, bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Bộ GTVT chủ trì xây dựng dự án Luật Đường bộ, phối hợp với Bộ Công an xây dựng dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6…

Tách bạch chức năng quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực do Bộ GTVT phụ trách, nhất là lĩnh vực đăng kiểm, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe..Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.