Chủ tịch quận Ba Đình: "Chúng tôi muốn làm tốt mà dân không chịu!"

Vụ việc tắc đường thoát nước tại 146 Quán Thánh được các cơ quan chức năng vào cuộc, trong đó có Thanh tra Chính phủ, sau 2 năm đã tìm được nguyên nhân. Tuy nhiên, người dân vẫn không đồng ý với cách giải quyết của chính quyền...
 Ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình: "Chúng tôi muốn làm tốt nhưng người dân vẫn không đồng ý".
Ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình: "Chúng tôi muốn làm tốt nhưng người dân vẫn không đồng ý".

Chiều 4/9, UBND quận Ba Đình (Hà Nội) đã thông tin với các cơ quan báo chí về việc xây dựng đường ống nước thải mới tại số nhà 146 phố Quán Thánh (phường Quán Thánh).

Chính quyền nói: “Phải làm đường ống mới”

Theo ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình, số nhà 146 vốn là một biệt thự cổ thời Pháp, hiện có 12 hộ gia đình sử dụng đan xen, có cả sở hữu nhà nước và sở hữu tư nhân. Từ cách đây 2 năm 2 tháng, khu vực này thường xuyên xảy ra ngập cục bộ gây ô nhiễm nặng vì đường nước thải bị tắc.

Đến ngày 30/6 vừa qua, trải qua rất nhiều khó khăn, UBND quận và Công ty thoát nước mới xác định được nguyên nhân gây ngập úng là do tắc đường thải chạy qua lòng nhà một hộ dân cùng thuộc số nhà 146 Quán Thánh, nay mở cửa ra phố Đặng Dung (số 5), đó là nhà của ông Nguyễn Xuân Minh. Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, cơ quan chức không thể vào trong nhà này để giải quyết việc tắc cống bởi luật pháp, Hiến pháp đã quy định quyền bất khả xâm phạm bên trong nhà của dân, mà ngôi nhà này đã được cấp sổ đỏ, được cấp phép xây dựng năm 2011.

Do vậy, UBND quận Ba Đình đã quyết định sẽ lựa chọn phương án làm đường nước thải mới. Theo phương án mới, đường nước thải này có chiều dài khoảng 50m, sẽ được làm bằng các loại vật liệu tốt. “Phương án này Sở Xây dựng đã phê duyệt và là phương án tối ưu nhất”- ông Bình khẳng định.

“Việc xác định nguyên nhân tắc cống ở khu nhà này rất khó khăn, phải huy động cả hệ thống chính trị, cả các cơ quan pháp luật vào cuộc. Ngay cả Thủ tướng Chính phủ cũng đã phải yêu cầu giải quyết dứt điểm trong tháng 9/2015” – ông Chủ tịch quận Ba Đình nói và cho biết thêm, hiện có rất nhiều khiếu kiện liên quan đến vụ việc giữa ông Minh và một số hộ còn lại.

Riêng về vấn đề cấp phép xây dựng nhà ông Minh, hiện Thanh tra Thành phố đang tiến hành thanh tra toàn diện về quản lý trật tự xây dựng, cấp phép... của chính quyền phường và sẽ có kết luận sớm. “Lúc đó, Thành phố yêu cầu xử lý như thế nào thì Quận sẽ xử lý như vậy. Nhưng trước mắt vẫn cần phải tuyên truyền, vận động các hộ dân đồng ý làm đường ống mới để giải quyết vấn đề tắc cống.” – Ông Bình nói.

Tuy nhiên, ông Bình cho biết, hiện tại vẫn có 7/12 hộ dân không đồng ý với phương án này mà cương quyết yêu cầu khôi phục lại đường ống cũ bị tắc.

“Chúng tôi rất muốn làm cho dân, nhưng dân vẫn không đồng ý nên rất khó khăn”- ông Bình cho biết.

Chủ tịch quận Ba Đình: "Chúng tôi muốn làm tốt mà dân không chịu!" ảnh 1

Đường nước thải bị tắc gây ô nhiễm trong suốt hơn 2 năm qua. Hiện tại, Quận Ba Đình đã phải lắp tạm một đường ống nổi và dùng máy bơm hút đổ ra ngoài.


Tại cuộc họp, sau khi Chủ tịch Quận giải thích vấn đề thì một câu hỏi đã được nhiều phóng viên quan tâm đặt ra, đó là: Tại sao sau hơn 2 năm chịu cảnh tắc cống, ngập ngụa hôi thối mà nay được làm đường ống mới, người dân lại vẫn không đồng ý? Liệu họ có tâm tư gì mà quận cần phải tìm hiểu để giải thích, vận động hay không?

Tuy nhiên, ông Chủ tịch UBND quận đã không trả lời thẳng vào câu hỏi mà nói: “Chúng tôi muốn làm tốt hơn, sạch đẹp hơn nhưng dân lại không muốn. Mà đây đâu có phải là lỗi của chính quyền? Có phải chính quyền gây ra đâu? Chúng tôi rất muốn được lắng nghe xem có cách giải quyết nào tốt hơn không”- ông Bình chia sẻ.

Người dân nói : “Không đời nào đồng ý!”

Để tìm hiểu về ý kiến của người dân trước quyết định của UBND quận Ba Đình, ngay sau cuộc họp, phóng viên đã có mặt tại số nhà 146 phố Quán Thánh. Tại đây, thật bất ngờ, câu đầu tiên mà phóng viên được nghe là: “Không đời nào chúng tôi đồng ý làm đường ống thoát nước mới”.

Chủ tịch quận Ba Đình: "Chúng tôi muốn làm tốt mà dân không chịu!" ảnh 2

Người dân trong khu nhà phải tự kê gạch lên cao để đi vì đường luôn luôn ngập bẩn, hôi hám dù đã được bơm thoát thường xuyên


Trao đổi phóng viên, ông Lê Bá Hùng, một người sinh sống trong số nhà 146 Quán Thánh cho rằng, ngôi nhà ông Minh được xây trên phần đất trước đây là nhà bếp của căn biệt thự và xây đè lên đường ống thoát nước. “Chúng tôi đã 6 đời ở đây, và 70 năm qua đường ống này không bị tắc, chỉ 2 năm nay, gia đìnhông Minhcố tìnhbịt đường ống lại nên mới bị tắc như vậy” – ông Hùng khẳng định.

Về lý do Chủ tịch UBND quận Ba Đình đưa ra khi không thể vào nhà ông Minh để xử lý phần cống tắc, ông Hùng cho rằng, theo Luật Nhà ở mới nhất thìchính phần đất mà Quận dự định xây đường ống mới cũng thuộc quyền sở hữu (sổ đỏ) của các hộ dân trong nhà biệt thự này vì đây không phải là ngõ mà chỉ là lối đi nội bộ của biệt thự. Như vậy, việc làm một đường ống mới trên phần đất này khi không có sự đồng thuận của người dân cũng là không hợp pháp.

“Nhưng quan trọng nhất là chúng tôi không thể để cho điều sai trái lại thắng lẽ phải. Vì vậy, cho dù có phải chịu ngập lụt hôi hám như cũ, chúng tôi vẫn không đồng ý cho làm đường cống mới. Tại sao đã tìm ra chỗ tắc mà không thông, lại phải tốn cả tiền tỷ để làm đường cống mới, dài hơn đường ống cũ hơn 10 lần?”– ông Hùng đặt câu hỏi và cho rằng, phía sau vụ việc này có những vấn đề cần phải làm rõ.

Chủ tịch quận Ba Đình: "Chúng tôi muốn làm tốt mà dân không chịu!" ảnh 3

Người dân cũng lo ngại đường ống mới chạy quá dài, khó khăn cho việc bảo dưỡng và sửa chữa khi có sự cố


“Chẳng lẽ cả chính quyền và chục hộ dân ở đây lại chịu thua một hộ dân hay sao?” – ông Hùng lặp lại câu hỏi và đây cũng là câu mà tại cuộc họp báo, Chủ tịch quận Ba Đình cho biết ôngđãtừng được nghe khi tiếp dân. Tuy nhiên, ông Chủ tịch quận khẳng định:“Sai phạm ở đâu sẽ xử lý ở đó, nhưng cống mới vẫn phải làm. Tiền ngân sách sẽ chi, hiện nay chưa có dự toán nhưng chắc không nhiều. Điều quan trọng là sẽ giải quyết triệt để việc tắc cống”.

Chuyện tắc đường ống nước tại số nhà 146 Quán Thánh đã xảy ra hơn 2 năm, được cả hệ thống chính trị vào cuộc, với hơn 20 cuộc họp của các cấp chính quyền và có cả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của Thanh tra Chính phủ. Cho đến nay, mặc dù đã tìm ra nguyên nhân, nhưng việc xử lý lại hoàn toàn không đơn giản. Trong khi chính quyền quận Ba Đình mong muốn được làm một đường ống thoát nước mới thì đại diện cho một số hộ dân đang chịu ảnh hưởng của việc tắc cống- ông Lê Bá Hùng cho biết hiện đang thảo đơn đề nghị được gặp mặt Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Quốc Hùng để phản ánh vụ việc, trong đó đề nghị không làm đường ống mới mà yêu cầu phải khôi phục lại đường ống cũ.

Xuân Hưng theo VnMedia