Trong dịp đến thăm làm việc, chúc Tết tập thể cán bộ, nhà giáo, công chức, viên chức ngành giáo dục ngày 4/2, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đây là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta.
Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân, thời gian qua, ngành giáo dục đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” và đạt được những thành tựu quan trọng.
Bày tỏ đồng tình với những nhiệm vụ và giải pháp cơ bản mà ngành giáo dục đã đề ra, Chủ tịch nước đề nghị ngành tiếp tục quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo; tạo sự đồng thuận cao coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự hưng thịnh của dân tộc.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở trong và ngoài nhà trường; hướng các hoạt động hướng nghiệp đáp ứng thị trường lao động, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ngành giáo dục cũng cần tăng cường kỷ cương, kỷ luật và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo; phát huy truyền thống “Tiên học lễ, hậu học văn”, giáo dục nâng cao tri thức đi cùng với tập trung giáo dục nhân cách, giáo dục thể chất…
Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý ngành giáo dục tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, những “công dân toàn cầu” trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ nano, tự động hóa, điện tử viễn thông, vật liệu mới, lưu trữ năng lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường lao động trong nước và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, ngành giáo dục phải chú trọng đổi mới cách tiếp cận giáo dục, phát triển năng lực sáng tạo và kỹ năng khởi nghiệp của người học; hỗ trợ liên kết hợp tác giữa các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp và doanh nghiệp để cung cấp môi trường thực hành giúp người học tiếp cận các xu thế phát triển cũng như đáp ứng yêu cầu công việc sau tốt nghiệp; nghiên cứu các mô hình đào tạo mới gắn với việc đổi mới và cấu trúc lại chương trình đào tạo trong một số ngành và lĩnh vực để có được đội ngũ “kỹ sư toàn cầu”.
Chủ tịch nước đề nghị ngành giáo dục triển khai các giải pháp, mô hình liên thông, liên kết giữa các cơ sở đào tạo, nhất là các trường đại học với các tổ chức khoa học và công nghệ, đặc biệt là các viện nghiên cứu. Xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh, các viện nghiên cứu, các trường đại học mang tầm khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực. Sớm có chiến lược, giải pháp cụ thể để phát triển các ngành tự động hóa tích hợp với công nghệ cao như công nghệ thông tin, chuỗi cung ứng thông minh, sử dụng hệ thống quản lý sở hữu trí tuệ mới, tối ưu hóa mô hình kinh doanh với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng nhân tài để hình thành đội ngũ các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nói trên.