Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM: Không làm công nghệ cao là tụt hậu và thất bại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngày nay, ứng dụng và phát triển công nghệ cao là tất yếu với mọi quốc gia. VietTimes đã có cuộc trao đổi với ông Đào Hà Trung – Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM.
Ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM
Ông Đào Hà Trung - Chủ tịch Hội Công nghệ cao TPHCM

PV: Ông nghĩ gì về công nghệ cao (CNC) ở Việt Nam dù chúng ta là một nước đi sau?

Ông Đào Hà Trung: Theo tôi hiểu, đi sau hay đi trước là liên quan đến mức độ áp dụng công nghệ tiên tiến vào cuộc sống chứ không phải là việc phát minh ra các công nghệ tiên tiến - thường chỉ tập trung vào một số ít các nước. Tuy nhiên ở lĩnh vực nào cũng có công dân các nước khác nhau đóng góp thành quả. Nhiều công dân Việt Nam có những đóng góp rất đáng tự hào. Công nghệ không có quốc tịch và đường biên giới.

Việc áp dụng công nghệ tiên tiến ở Việt Nam trên toàn xã hội là việc nên làm phải làm, làm gấp rút, không còn cần bàn cãi nữa. Cả thế giới cũng đang gấp rút tiến hành. Đã làm thì sẽ có sai sót cần rút kinh nghiệm để làm hiệu quả hơn nhưng không làm là tụt hậu và thất bại và nghèo đói.

PV: Vậy theo ông thì yếu tố pháp lý cho công nghệ cao cần phải như thế nào?

Ông Đào Hà Trung: Công nghệ không có biên giới nhưng lại có tác động toàn cầu nên thậm chí cần có một dạng Luật như kiểu “Hiến pháp toàn cầu về công nghệ“ để tất cả các quốc gia cùng tuân thủ. Nếu một quốc gia cấm không cho phát triển hay ứng dụng một công nghệ có thể gây tác hại cho loài người, vô đạo đức nhưng quốc gia khác lại không cấm hay ngấm ngầm thực hiện bởi tham vọng thống trị các nước khác thì sao?

Chúng ta cần Bộ luật về công nghệ để xử lý quan hệ xã hội hiện tại và tương lai. Chẳng hạn bộ luật để quản lý các thuật toán Trí tuệ Nhân tạo (AI) và Robot, vì trong tương lai gần AI và Robot có thể sẽ chi phối nhiều hoạt động trong xã hội? Các tập đoàn của tư nhân và cả công ty Nhà nước phải tôn trọng và bảo vệ quyền riêng tư cá nhân ra sao? Việc kiểm soát các tập đoàn và cá nhân đúng những gì họ tuyên bố và đúng luật pháp? Điều gì xảy ra nếu một nhóm người hay một người sở hữu công nghệ, thâu tóm đủ thông tin hành vi và sinh học để thao túng những người xung quanh bất hợp pháp, đi ngược với quyền con người?

Hiện nay có lời thề Hyppocrates cho bác sĩ nhưng chưa hề có quy định đạo đức cho những người phát triển công nghệ mặc dù sinh mạng chúng ta phụ thuộc rất nhiều vào họ y như phụ thuộc vào bác sĩ.

Mỗi quốc gia với tầm nhìn, lòng mong muốn và cách giải quyết các vấn đề đang có sẽ phải hình thành các nền tảng pháp lý để điều hành, giảm thiểu hay khuyến khích sự phát triển công nghệ trong các lĩnh vực. Việc đã có Bộ luật nhưng chưa đủ tốt, đủ hiệu quả là chuyện bình thường vì các quan hệ xã hội luôn phát triển và nhận thức của con người luôn hạn chế. Ta phải luôn cập nhật các Bộ luật cho phù hợp thực tế.

PV: Nguồn nhân lực là yếu tố quyết định cho việc có thể ứng dụng và phát triển CNC. Theo ông, chúng ta phải làm gì để sẵn sàng cho nguồn nhân lực này?

Ông Đào Hà Trung: Cả thể giới đang thiếu thốn và đi săn lùng nguồn nhân lực CNC và nhu cầu này là không có biên giới. Tấm bằng đại học không còn nhiều ý nghĩa như xưa nếu không được nâng cấp cập nhật thường xuyên. Tôi không biết cần phải làm gì là đủ mà nghĩ phải thử nhiều cách kể cả các phương pháp phi truyền thống mới có thể đào tạo và hấp dẫn người tài không phân biệt quốc tịch.

Nông nghiệp là một lĩnh vực tất yếu phải ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam

Nông nghiệp là một lĩnh vực tất yếu phải ứng dụng công nghệ cao ở Việt Nam

PV: Cuối cùng, được biết TPHCM là địa phương đầu tiên có Hội Công nghệ cao, xin ông cho biết vì sao phải lập hội cùng một số việc mà hội đã làm được?

Ông Đào Hà Trung: Lý do thành lập Hội Công nghệ cao TPHCM là vì chúng tôi thấy cần tìm hiểu các CNC có khả năng áp dụng giải quyết bài toán thực tế nhanh chóng để chia sẻ hỗ trợ các hội viên ứng dụng vào sản xuất kinh doanh nhằm tạo ra của cải vật chất cụ thể. Tiềm năng áp dụng công nghệ mới là vô cùng lớn và cũng cần những người tiên phong tự nguyện.

Hội không đặt mục đích nghiên cứu công nghệ mới mà chỉ nghiên cứu việc ứng dụng các công nghệ này sao cho phù hợp với hoàn cảnh điều kiện của Việt Nam. Chúng tôi không sử dụng ngân sách nhà nước mà chỉ dùng ngân sách tự nguyện đóng góp của các thành viên.

Chúng tôi góp ý, tư vấn, giới thiệu cho các sở ngành, UBND TPHCM và một số tỉnh lân cận, các doanh nghiệp hội viên về việc áp dụng các công nghệ và các ứng dụng mới trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, quản lý an toàn thực phẩm, kiểm soát dịch bệnh và nuôi trồng cho ngành nông nghiệp, kiểm soát chuỗi cung ứng, bảo vệ môi trường…

Bên cạnh đó, chúng tôi liên kết với các tổ chức quốc tế (FAO, UNDP, WB...), các tổ chức hiệp hội công nghệ cao các nước, các tập đoàn, công ty và cả các cá nhân start-up trong và ngoài nước để học hỏi và trao đổi kinh nghiệm cũng như tìm kiếm các cơ hội ứng dụng công nghệ mới.

Tuy nhiên, sự đóng góp của Hội Công nghệ cao TPHCM còn rất khiêm tốn so với nhu cầu của xã hội và tiềm năng của thị trường nhưng đã chứng minh được ích lợi cho TPHCM và các Hội viên tham gia vào Hội.

PV: Xin cảm ơn ông!