Chủ tịch FPT Trương Gia Bình: Tồn tại là những kẻ khác biệt, trung bình là chết!

VietTimes -- Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình nhận định: “Mô thức kinh doanh mới là chìa khoá thành công bên cạnh vốn, bên cạnh kinh nghiệm. Và để doanh nghiệp phát triển trường tồn, người lãnh đạo cần có 3 yếu tố: Khát vọng cháy bỏng, Ám ảnh khách hàng và Tư duy người chủ”.

Ông Trương Gia Bình: "Tư duy làm chủ cần phải thay đổi so với trước đây nên phải tìm ra được những nhân viên có tư duy làm chủ, thấu hiểu và đồng cảm với sứ mệnh công ty, có chung ám ảnh khách hàng, từ đó tạo ra những nhóm đồng nhất".
Ông Trương Gia Bình: "Tư duy làm chủ cần phải thay đổi so với trước đây nên phải tìm ra được những nhân viên có tư duy làm chủ, thấu hiểu và đồng cảm với sứ mệnh công ty, có chung ám ảnh khách hàng, từ đó tạo ra những nhóm đồng nhất".

Trao đổi với VietTimes bên lề hội thảo “Tư duy người chủ” do Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức, Chủ tịch Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh: “Tốc độ là thế giới của tương lai, thay đổi là mệnh lệnh của thời gian, tiến hành thay đổi như một nghệ thuật và doanh nghiệp như một cơ thể sống với hành động phải bằng thời gian thực”.

Cơ hội cho ngành CNTT thay đổi thứ hạng trên thế giới

- Thưa ông, gần đây khái niệm “Cách mạng số” hay được nhắc tới. Theo ông, cuộc cách mạng này sẽ làm thay đổi cuộc sống như thế nào?

- Cả thế giới và Việt Nam đang ở trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang tên “Cách mạng số”. Cuộc cách mạng này đang diễn ra rất nhanh và làm thay đổi toàn diện diện mạo, tư duy người chủ - người làm thuê, cũng như cách thức làm việc trước đây của con người.

Trong đó công nghệ, máy móc sẽ tiến sang một cấp độ cao hơn: “Máy như người”, với đầy đủ sự linh hoạt, sự thấu hiểu nhu cầu của từng cá nhân để cho ra các sản phẩm không phải đại trà, chung chung mà cho riêng từng cá thể. Một chiếc áo sẽ được làm ra để dành cho riêng một cá nhân đó với đầy đủ sự thấu hiểu về kích thước, sở thích màu sắc, chất vải. Một chiếc ghế làm ra cho phù hợp với chỉ số cơ thể từng người. Một chiếc xe phù hợp với thói quen của cá nhân...

Xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS) thể hiện rất rõ.

Và chính bước chuyển từ cũ lên mới sẽ mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên, đặc biệt là cơ hội cho ngành CNTT vươn lên thay đổi thứ hạng trên thế giới.

- Tại diễn đàn cấp cao CNTT-TT Việt Nam (Vietnam ICT Summit) năm 2016 với chủ đề “Cách mạng số - Cơ hội và thách thức” do VINASA tổ chức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Quyết không bỏ lỡ cơ hội phát triển đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Để nắm bắt được cơ hội đang tới, các doanh nghiệp cần phải có sự chuyển mình như thế nào, thưa ông?

- Các doanh nghiệp phải thức thời thay đổi từ cách nghĩ, cách làm đến thời gian hành động. Trong đó, tốc độ sẽ là yếu tố then chốt. Vì vậy, doanh nghiệp phải hoạt động theo cơ chế thời gian thật, nghĩa là sẵn sàng phản ứng ngay lập tức với những vấn đề vừa mới phát sinh, như vậy mới có thể tồn tại và vươn lên.

Ngoài ra để một doanh nghiệp tồn tại và phát triển, cũng cần nhấn mạnh đến yếu tố phải tạo ra được mạng lưới liên kết (network). Chẳng hạn, một người chủ xe quyết định gia nhập vào đội ngũ lái xe lái cho hãng taxi, chấp nhận ăn chia theo phần trăm vì họ không có network với ngành nghề, không có khả năng tự tìm ra khách, không có thương hiệu. Vì thế, mô thức kinh doanh mới là chìa khoá thành công bên cạnh vốn, bên cạnh kinh nghiệm.

“Tồn tại là những kẻ khác biệt, trung bình là chết”

- Ông đánh giá, để doanh nghiệp thành công thì người lãnh đạo cần có những yếu tố gì, thưa ông?

- Dù là một công ty startup hay đã phát triển, để doanh nghiệp phát triển trường tồn, người lãnh đạo cần có 3 yếu tố: Khát vọng cháy bỏng, Ám ảnh khách hàng và Tư duy người chủ. Đây là những yếu tố tiên quyết không những người lãnh đạo doanh nghiệp cần phải nắm vững, thấm nhuần, mà đồng thời còn phải chia sẻ, truyền cảm hứng được cho cấp dưới. Có như vậy, cấp dưới của họ mới không chỉ thực hiện được sứ mệnh của công ty mà còn chia sẻ sứ mệnh ấy đến cộng đồng qua các sản phẩm hay dịch vụ cung cấp.

Về khát vọng cháy bỏng, một cá nhân khi khởi nghiệp hay đứng trước một suy nghĩ về sự thay đổi hãy tự hỏi 2 câu “sứ mệnh lập ra công ty là gì”, “sứ mệnh đó đã trở thành khát vọng hay chưa” Nếu có, thì hẵng khởi nghiệp, còn nếu không thì tôi cho rằng không thực hiện vì ngay khi gặp khó khăn là anh sẽ từ bỏ. 

Như một chủ hãng café nọ, anh ta mở ra một tiệm café vì có khát vọng chia sẻ loại café ngon ưa thích nhưng nếu mong muốn ấy được chuyển hoá thành sứ mệnh, thành khát vọng, tự anh ta sẽ biết, mình phải chọn loại nào, không được pha chế kém chất lượng, thiết kế quán đó về chỗ ngồi và cảnh quan như thế nào, phục vụ ra sao, các dịch vụ đi kèm như thế nào… để thực khách thưởng thức được vị ngon trọn vẹn đó. Khi có khát vọng cháy bỏng, tự doanh nghiệp sẽ định hình được hướng đi tiếp theo, tìm ra câu trả lời phải làm gì để phù hợp với mình nhất. Khi làm được điều đó bạn không đi tìm tiền nữa mà tiền sẽ tự chạy đến với bạn.

Các doanh nghiệp thường quan tâm đến đối thủ, cạnh tranh, coi đó là nỗi sợ hãi... Tôi cho rằng, thay vào đó, hãy nghiên cứu xem đối thủ có đối xử với khách hàng tốt hơn mình hay không? Đội quân bán hàng thật lòng quan tâm đến khách hàng của họ chưa?
Ông Trương Gia Bình cho rằng các doanh nghiệp không cần sợ hãi đối thủ đối thủ cạnh tranh mà chỉ cần quan tâm xem đối thủ có đối xử với khách hàng tốt hơn mình không, đội quân bán hàng thật lòng quan tâm đến khách hàng của họ chưa.

Yếu tố thứ 2 là Ám ảnh khách hàng, tôi thấy rằng một người chủ, một nhân viên càng ám ảnh khách hàng bao nhiêu thì càng phục vụ khách hàng tốt hơn với thái độ tận tâm.

Trong lịch sử kinh doanh, đã từng xảy ra những cuộc chiến tranh giữa các hãng hàng không. Hãng chiến thắng là hãng có những dịch vụ làm cho khách hàng cảm thấy thoải mái nhất, gần gũi nhất với sinh hoạt của họ như ở nhà, đó là cách đi vào lòng khách hàng.

Ngay trong trận sóng thần tại Nhật, khi lãnh đạo FPT Software hỏi về những thiệt hại của công ty đối tác, họ trả lời: Không. Nhưng hôm sau, chính tôi - lãnh đạo cao nhất của tập đoàn đã cùng nhiều quản lý cấp cao bay sang Nhật với mì gói, trà xanh,... Họ chưa chắc đã cần những thứ kia nhưng hành động ấy đã đánh đúng đến khía cạnh tình cảm, thể hiện tình anh em, chiến hữu. Doanh nghiệp Nhật này và những ban ngành có liên quan đã “fall in love” FPT một cách thật sự. Có lẽ đó cũng là câu chuyện mở đầu để lý giải vì sao hơn 50% khách hàng từ mảng phần mềm của FPT bấy lâu nay là doanh nghiệp Nhật.

“Tồn tại là những kẻ khác biệt, trung bình là chết”. Ám ảnh khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra điều khác biệt chỉ có của riêng mình. Chẳng hạn, ngân hàng American Bank đã vượt qua được cách thức kinh doanh bình thường như cho vay tín chấp, gửi tiết kiệm chính từ ám ảnh khách hàng. Họ hiểu và theo dõi khách hàng đến từng giai đoạn trong cuộc đời. Khi con cái của khách hàng đến tuổi cần có xe, họ sẽ chào gói cho vay mua xe, khi đến giai đoạn đổi nhà họ sẽ chào gói vay mua nhà... Không chỉ là ngân hàng nữa, nó trở thành nơi giúp quản lý ngân sách cho khách hàng và sản phẩm của họ luôn tạo được giá trị cho khách hàng.

- Còn về “Tư duy người chủ”, thưa ông?

- Tư duy người chủ là thứ khó tạo cảm hứng nhất. Bởi lẽ, không phải ai cũng sẵn sàng coi đồng nghiệp là người thân và xem công việc đang làm là một phần việc “làm cho gia đình”. Nếu lãnh đạo không quản trị tốt được điều này, khi công ty phát triển đến một mức độ nào đó, sẽ rất khó để kiểm soát tiêu cực.

Tư duy làm chủ cần phải thay đổi so với trước đây nên phải tìm ra được những nhân viên có tư duy làm chủ, tức là họ thấu hiểu và đồng cảm với sứ mệnh công ty, có chung ám ảnh khách hàng, từ đó tạo ra những nhóm đồng nhất.

Cơ chế kiểm soát phải tạo ra sự thoải mái, trao quyền nhưng cần có sự kiểm soát thông minh. Cơ chế hậu kiểm là một cơ chế hay, linh hoạt được hầu hết các DN nước ngoài áp dụng. Và nơi được trao quyền nhiều nhất chính là bộ phận tiếp xúc với khách hàng nhiều nhất.

Bí quyết:  Không bao giờ xa rời khách hàng

- Là lãnh đạo cao nhất của Tập đoàn FPT, ông có thể tiết lộ bí quyết kinh doanh thành công? 

- Tôi chưa bao giờ giữ riêng về “bí quyết kinh doanh thành công” của mình đó là: “Không bao giờ xa rời khách hàng”.

Hãy luôn hỏi khách hàng một cách ngẫu nhiên, nhẹ nhàng, cởi mở, trò chuyện thật nhiều với khách hàng của bạn chứ đừng làm ra các bộ câu hỏi rườm rà, cứng nhắc như đi nghiên cứu thị trường.

Các doanh nghiệp thường quan tâm đến đối thủ cạnh tranh, coi đó là nỗi sợ hãi... Tôi cho rằng, thay vào đó, hãy nghiên cứu xem đối thủ có đối xử với khách hàng tốt hơn mình hay không? Đội quân bán hàng thật lòng quan tâm đến khách hàng của họ chưa?

Tất cả các lĩnh vực kinh doanh đều cần đầu tư vào công nghệ, vì thế, không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi mọi công dân Mỹ cần phải biết lập trình. Công nghệ đã và sẽ chi phối mọi mặt trong quản lý vận hành doanh nghiệp.

Hội thảo “Tư duy người chủ” do Viện Quản trị Kinh doanh FSB tổ chức tại HCM để tri ân 500 cựu học viên, học viên Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh (MBA) và MiniMBA của trường. Tại đây, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình đã chia sẻ những kinh nghiệm đã được ông đúc rút từ thực tế quản trị trong gần 30 năm điều hành FPT và những chuyến hội thảo thế giới, đặc biệt là Diễn đàn kinh tế thế giới Davos quy tụ 2.500 người, trong đó có khoảng 40 nguyên thủ quốc gia và Câu lạc bộ Founder’s Mentality với sự tham dự của CEO Michael Dell.