Chủ quan, bệnh nhân phải chịu chấn thương chân suốt một năm

VietTimes -- Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiến hành mổ nội soi, điều trị tổn thương cổ chân dai dẳng suốt một năm qua cho bệnh nhân N.V.T (37 tuổi). Nguyên nhân là do anh T. chơi đá bóng, bị thương nhưng chủ quan không điều trị.
Kíp bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca phẫu thuật nội soi cổ chân
Các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện ca phẫu thuật nội soi cổ chân

Được biết, một năm trước, do chơi bóng đá, anh T. bị chấn thương cổ chân. Khi đến bệnh viện khám, bác sĩ không phát hiện thương tổn nên chỉ định cho anh T. điều trị bằng thuốc tại nhà. Tuy nhiên, vết thương ở chân của anh T. không khỏi, khiến càng ngày anh càng bị đau đớn nhiều hơn.

Khi quá đau anh T. mới đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để khám, thì được các bác sĩ cho biết anh bị tổn thương sụn xương sện ở cổ chân, gây sưng tấy, khó cử động khớp cổ chân, khó vận động. Vì vậy, các bác sĩ quyết định mổ nội soi để điều trị tổn thương chân cho anh. Sau ca mổ nhiều ngày, anh T. mới có thể trở lại sinh hoạt bình thường.

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, thời gian gần đây, Viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị chấn thương do thể thao với nhiều mức độ khác nhau.

Đáng lưu ý là rất nhiều người nhập viện khi đã quá muộn, do chủ quan nên chỉ khi không chịu đau nổi mới tìm đến bác sĩ. Hậu quả là nhiều bệnh nhân đã gặp những biến chứng đáng tiếc như rách sụn chêm thứ phát, mòn sụn, làm giảm tuổi thọ của khớp; một số còn tự ý điều trị bằng thuốc nam khiến cho bệnh càng nặng thêm.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh khuyến cáo, nếu vết thương vùng cổ chân không được điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị ảnh hưởng nhiều tới khả năng đi lại, phải chịu đau đớn kéo dài. Vì vậy, khi thấy có biểu hiện bất thường, người dân nên tới bệnh viện để được khám và điều trị đúng cách. 

Đặc biệt, người dân không nên chủ quan tự ý đi mua đơn thuốc về dùng; không dùng thuốc lá, thuốc nam không rõ nguồn gốc để đắp, xoa bóp hoặc tìm đến các thầy lang để kéo, nắn, giật. Vì các phương pháp này không những không có tác dụng chữa bệnh, mà còn gây khó khăn cho quá trình điều trị của bác sỹ về sau.