Chóng mặt tốc độ Trung Quốc phát triển hải quân: Một năm đóng 60 tàu chiến!

Nhằm phục vụ chiến lược hải quân đầy tham vọng, kể từ những năm 1990 Trung Quốc đã khởi động một chương trình đóng tàu hải quân lớn chưa từng có. Chỉ riêng trong năm 2014, Trung Quốc đã đóng mới, khởi đông hoặc đưa vào phục vụ hơn 60 tàu các loại...
Biên đội tàu Trung Quốc hoạt động ở Ấn Độ Dương
Biên đội tàu Trung Quốc hoạt động ở Ấn Độ Dương

Strategypage nhận định, Bắc Kinh không chỉ muốn độc chiếm Biển Đông mà còn vươn sang cả Ấn Độ Dương. Theo Strategypage, đó là một phần trong nỗ lực giải thích lý do tại sao Bắc Kinh muốn dùng các chiến hạm thống trị các tuyền đường biển trọng yếu của thế giới, đặc biệt là tuyến đường biển qua Ấn Độ Dương, khu vực lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn của Trung Quốc phải đi qua.

Kiểm soát Biển Đông chỉ là bước đầu tiên, hải quân Trung Quốc còn muốn thiết lập các căn cứ hải quân ở nước ngoài. Vì đây là vấn đề nhạy cảm nên thay vì thế, Trung Quốc đang xây dựng quan hệ thương mại với các nước dọc theo các tuyến hàng hải trên.

Bắc Kinh thường đề xuất xây dựng các hải cảng mới hoặc nâng cấp các cảng biển đã có. Chúng sẽ phục vụ cho mục đích thương mại đem lại lợi ích cho các công ty Trung Quốc và nước chủ nhà. Nhưng người ta thừa hiểu rằng các quốc gia này sẽ cho phép chiến hạm Trung Quốc sử dụng các hải cảng để tiếp tế hậu cần và nghỉ ngơi.

Trung Quốc thực hành lập nhóm tàu tác chiến sân bay với tàu Liêu Ninh
Trung Quốc thực hành lập nhóm tàu tác chiến sân bay với tàu Liêu Ninh

Trung Quốc đang xây dựng một số cảng biển ở khu vực Ấn Độ Dương để có thể sử dụng chúng hỗ trợ cho các chiến dịch hải quân ngày càng gia tăng. Tất cả các hải cảng đó đều là các cảng thương mại được doanh nghiệp Trung Quốc nâng cấp hoặc xây mới và vận hành. Các cảng này hình thành “chuỗi ngọc trai” bao gồm ở (cảng Chittagong), Myarmar (Sittwe và Coco Island), Sri Lanka (Hambantota), Pakistan (Gwadar), và Tanzania (Bagamoyo).

Ấn Độ Dương đã trở thành tuyến thương mại chủ yếu của Trung Quốc và đảm bảo an ninh cho tuyến đường biển này là mối lo lớn. Tuy nhiên, chiến lược và những động thái của Trung Quốc khiến Ấn Độ ngày càng bất an hơn. Nhưng Ấn Độ chưa tìm ra cách đối phó hiệu quả với chiến lược “chuỗi ngọc trai” của Bắc Kinh, trong bối cảnh Trung Quốc đã trở thành thế lực kinh tế lớn và sốt sắng mời chào tất cả các nước ở Ấn Độ Dương tham gia “chuỗi hạt trai” năng động về kinh tế nhằm đồng ý để Bắc Kinh xây dựng các hải cảng và quản lý chúng.

Thực tế trên khiến các quốc gia khác rất khó phản đối “chuỗi ngọc trai” vì chúng không chính thức là các căn cứ hải quân như Trung Quốc ngầm hoạch định. Trong khi đó, Trung Quốc đang tiếp tục cải thiện năng lực tác chiến hải quân tại các khu vực không có các hải cảng thân thiện để tiếp tế. Trung Quốc đã tỏ ra hết sức sốt sắng vào đầu năm 2014 khi cộng đồng quốc tế nỗ lực tìm kiếm chuyến bay MH370 của Malaysia bị mất tích. Bắc Kinh đã điều động hơn 20 tàu chiến và tàu tiếp tế các loại tới phía nam Ấn Độ Dương tham gia chiến dịch tìm kiếm.

Trung Quốc có rất ít đồng minh như Pakistan, Cambodia, còn Myanmar gió cũng đã xoay chiều. Khâu hậu cần rõ ràng là một mắt xích rất yếu của hải quân Trung Quốc nếu muốn trở thành hải quân nước xanh. Chiến dịch tìm kiếm MH370 càng bộc lộ rõ yếu huyệt đó khiến Trung Quốc quyết tâm thúc đẩy việc đóng thêm nhiều tàu tiếp tế hậu cần. Năm 2013, Trung Quốc đã đưa vào biên chế chiếc tàu tiếp tế Type 903 thứ ba và thứ tư. Chỉ trong chưa đầy 2  năm, Trung Quốc đã đóng mới và đưa vào phục vụ thêm 2 tàu hậu cần cỡ lớn.

Tàu ngầm Trung Quốc gần đây liên tục xuất hiện tại Ấn Độ Dương khiến Ấn Độ bất an
Tàu ngầm Trung Quốc gần đây liên tục xuất hiện tại Ấn Độ Dương khiến Ấn Độ bất an

Nhằm phục vụ chiến lược hải quân đầy tham vọng, kể từ những năm 1990 Trung Quốc đã khởi động một chương trình đóng tàu hải quân lớn chưa từng có. Chỉ riêng trong năm 2014, Trung Quốc đã đóng mới, khởi đông hoặc đưa vào phục vụ hơn 60 tàu các loại. Kế hoạch hiện nay sẽ được tiếp tục theo tiến độ này cho tới năm 2020.  Chương trình xây dựng hạm đội của Trung Quốc bao gồm nhiều tàu sân bay, 26 khu trục hạm, 52 tàu hộ vệ, 20 tàu hộ tống cỡ nhỏ, 85 tàu tuần tra tên lửa, 56 tàu đổ bộ, 42 tàu quét mìn và gần 500 tàu hỗ trợ các loại. Nhiều chiến hạm mới được biên chế thay thế các tàu cũ thời Chiến tranh lạnh do Nga thiết kế, rất nhiều loại dựa trên các thiết kế tiên tiến của phương Tây và được chế tạo để hoạt động xa đại lục.

Trung Quốc đã đưa vào biên chế 3 tàu đổ bộ cỡ lớn và hiện đang tiếp tục đóng thêm một số chiếc khác. Các hình ảnh vệ tinh cũng cho thấy Bắc Kinh đang chuẩn bị khởi động đóng loại tàu tuần dương Type 055 cỡ 12.000 tấn, trang bị hàng trăm ống phóng tên lửa thẳng đứng và rất nhiều hệ thống tên lửa trên hạm khác.

Không quân hải quân cũng được mở rộng, bổ sung thêm các máy bay trực thăng, chiến đấu cơ hiện đại, máy bay ném bom mang tên lửa và các máy bay không người lái tầm xa. Trung Quốc cũng đang đóng thêm các tàu ngầm thông thường và tiếp tục nâng cấp các tàu ngầm năng lượng hạt nhân.

Theo QPAN