Chờ ông Park “ra đòn” đổi màu huy chương

VietTimes -- Cách đây 10 năm, chỉ thoáng do dự không thay thủ môn Tấn Trường bị chấn thương trong trận chung kết bóng đá nam SEA Games 2009 tại Lào với U23 Malaysia, ông H.Calisto đã đánh rơi tấm HCV. Giờ đây, người ta đang trông chờ ông Park sẽ làm được điều đó trong trận cầu quan trọng nhất trong năm 2019 trước U23 Indonesia.
Ông Park sẽ làm gì để đổi màu huy chương? Ảnh VFF.
Ông Park sẽ làm gì để đổi màu huy chương? Ảnh VFF.

Trong bóng đá, lịch sử chỉ ghi tên nhà vô địch nên dù 5 lần về nhì (chỉ tính sau 1975) tại SEA Games thì bóng đá Việt Nam vẫn được nói đến với tư cách “người về nhì vĩ đại”. Trong lịch sử 29 kỳ SEA Games, Việt Nam đang dẫn đầu với 7 lần về nhì, điều mà chẳng ai muốn nhắc đến.

Đối thủ chưa từng gặp

Bóng đá Việt Nam bắt đầu tham dự SEA Games từ năm 1991, tính đến nay là 15 kỳ đại hội. Khá ngạc nhiên, dù được xem là hai thế lực lớn của bóng đá Đông Nam Á nhưng hai đội chưa từng gặp nhau ở trận chung kết SEA Games.

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam và Indonesia được xếp vào nhóm “ông lớn” cùng Thái Lan, Malaysia.Theo đó, hai đội từng chạm trán nhau 12 lần nhưng chỉ diễn ra ở vòng bảng, 2 lần tại bán kết. Điều này khiến trận chung kết khó đoán định hơn, dù U22 Việt Nam đã thắng đối thủ tại vòng bảng mới đây.

Con bài tủ Tiến Linh, đang được báo chí Indonesia nhắc đến rất nhiều. Ảnh VFF

Con bài tủ Tiến Linh, đang được báo chí Indonesia nhắc đến rất nhiều. Ảnh VFF

Thành tích đối đầu cũng rất cân bằng khi mỗi đội thắng 5 trận, 2 trận kết thúc với tỉ số hòa. Trận bán kết SEA Games 1997, Việt Nam thắng, còn 4 năm sau đó trận bán kết SEA Games 2011 Indonesia giành phần thắng. Như vậy, đội nào giành chiến thắng trong trận đấu tối nay sẽ vượt lên trong bảng thành tích đối đầu.

Nếu vô địch SEA Games lần thứ 2 thì Việt Nam cũng vượt lên chính Indonesia đứng thứ 4 (sau Thái Lan, Malaysia, Myanmar) thành tích vô địch giải đấu này. Chúng ta cùng số lần vô địch với Indonesia nhưng 7 lần về nhì trong khi Garuda chỉ có 4.

Ai khóa được biên sẽ thắng?

Về cơ bản, U22 Việt Nam vẫn sẽ triển khai lối chơi bóng kiểm soát thế trận, và chủ động phòng ngự tốt nhất có thể trước khi nghĩ đến tìm kiếm bàn thắng. Có chăng, nếu dùng Trọng Hùng trước, có thể U22 Việt Nam nhập cuộc bằng cách tấn công phủ đầu. Nếu có bàn thắng, U22 Việt Nam sẽ quay trở lại lối chơi phòng ngự phản công từng làm nên tên tuổi chiến lược gia người Hàn Quốc.

Nếu thế trận cân bằng, với nhiều cầu thủ kinh nghiệm như Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Văn Hậu..các cầu thủ U22 Việt Nam sẽ đá chắc chắn, phá lối chơi của đối thủ, đưa trận đấu dần về hiệp phụ. Đây mới là thời điểm, ông Park tung đòn hạ U22 Indonesia, vốn đã khá mỏi mệt sau khi kéo dài trận bán kết với U22 Myanmar sang tận 2 hiệp phụ.

Ông Park đã thấm hiểu khát vọng Việt Nam. Ảnh VFF.

Ông Park đã thấm hiểu khát vọng Việt Nam. Ảnh SP5

Dĩ nhiên HLV Indra Sjafri không chịu nằm yên để U22 Việt Nam áp đặt lối chơi. Họ thừa biết, lối đá 3 hậu vệ thì U22 Việt Nam sẽ có hơn 1 cầu thủ ở tuyến giữa nhưng lại có khoảng trống sau lưng Trọng Hoàng và Thanh Tịnh.

Nếu như U22 Thái Lan đã khai thác được khoảng trống bên cánh trái để có 2 bàn thắng thì chẳng có lý do gì các cầu thủ Indonesia lại không làm được. Thực tế 4 bàn thắng vào lưới U22 Myanmar trong trận bán kết đều có chung kịch bản này.

“Bại tướng” Velizar Popov, HLV của U22 Myanmar thừa nhận: "Indonesia là đội bóng mạnh, điểm nổi bật nhất của họ là kĩ thuật và đặc biệt là tốc độ cực kì ấn tượng. Hai vị trí tiền vệ cánh và tiền đạo của họ rất tốt. Các cầu thủ số 10 Maulana, số 15 Saddil và số 20 Osvaldo Haay là những cầu thủ nguy hiểm nhất của Indonesia. Họ có thể tạo ra sự khác biệt nhờ những tình huống xử lý mang tính cá nhân”.

Phần lớn các tình huống tấn công biên của U22 Indonesia chủ yếu diễn ra bên cánh trái với sự lĩnh xướng của Saddil, Adi Bagas. Khi đó trung phong Osvando và Andika sẽ di chuyển lôi kéo hàng thủ đối phương, hay xâm nhập vòng 16m50... Tất nhiên bên cánh phải, Rizki Sani đóng vai trò lĩnh xướng cùng lúc từ phía dưới Bahar Asnawi thường xuyên leo biên để hỗ trợ cho đồng đội và tạo sức ép lớn cho đối thủ dọc đường biên bên phải.

Đến giờ, sự tinh quái của Rizki Sani (cánh phải), tốc độ cũng như đầy sức mạnh từ Saddil (cánh trái) rõ ràng là thứ vũ khí mạnh nhất mà U22 Indonesia sở hữu. Đó là lý do tại sao ông Indra Sjafri thích tổ chức tấn công biên hơn dù trung lộ có cầu thủ đang chơi bóng tại Ba Lan là Egy Maulana Vikri được đánh giá chả thua kém gì Quang Hải.

Đòn cân não

Thành tích bóng đá Việt Nam qua các kỳ SEA Games (chỉ tính sau 1975):

·  Năm 1995: SEA Games 18 – Thành tích: Huy chương bạc

· Năm 1999: SEA Games 20 – Thành tích: Huy chương bạc

·  Năm 2003: SEA Games 22 – Thành tích: Huy chương bạc

· Năm 2005: SEA Games 23 – Thành tích: Huy chương bạc

Năm 2009: SEA Games 26 – Thành tích: Huy chương bạc

Đúng là “con tạo” đang xoay vần, U22 Indonesia thích tấn công biên còn ông Park lại đang đặt trọn niềm tin vào các chốt chặn Văn Hậu, Trọng Hoàng.
U22 Indonesia mạnh về thể lực thì ông thầy Hàn quốc sẽ dùng đòn “tra tấn thể lực” để hạ đối thủ trong trận chung kết này. U22 Indonesia muốn giải quyết sớm trận đấu thì thầy Park lại đá chậm, phá lối chơi của đối thủ.
Ngoài các pha phối hợp nhóm thì cả 2 ông thầy đang sở hữu những cầu thủ có khả năng hoạt động độc lập. Người ta đã thấy Đức Chinh dùng tốc độ và thể lực càn lượt vượt qua các cầu thủ Campuchia với cự ly hàng chục mét.
Trong khi đó 3 cầu thủ Thái Lan cũng không tài nào cản phá được “lực sĩ” Osvaldo Haay trong tình huống chịu bàn thua thứ 2.

Đã có mặt ở trận chung kết, việc thắng hay thua đôi khi chỉ được quyết định trong 1 tình huống phát sinh trên sân cỏ. Cả về lối đá lẫn nhân sự của 2 đội đều có những điểm khác biệt, trận chung kết vì thế mà đáng xem hơn.