Chính sách tỷ giá - đâu mới là mục tiêu thực sự?

Gần đây vấn đề tỷ giá lại “nóng” trở lại khi đồng đô la Mỹ trên thị trường tự do có lúc đã tăng lên mức  21.800 đồng.
Chính sách tỷ giá - đâu mới là mục tiêu thực sự?

Trên thế giới, đồng bạc xanh cũng tăng giá so với hầu hết đồng tiền mạnh khác, đặc biệt là đồng euro. Tuy nhiên, với bối cảnh vĩ mô trong nước hiện nay tỷ giá năm 2015 vẫn có thể được kiểm soát dễ dàng trong biên độ cam kết, nhưng bài toán khó lại là phải có chính sách tỷ giá phù hợp để hỗ trợ tốt nhất cho nền kinh tế.

Ám ảnh tỷ giá

Hiện nay, tỷ giá được xem là một trong những yếu tố vĩ mô quan trọng. Các phương tiện thông tin đại chúng, người dân, doanh nghiệp thường khá “nhạy cảm” với biến động của tỷ giá. Đối với những nhà làm chính sách, tỷ giá cũng là một mục tiêu, thành tích quan trọng. Những tuyên bố về việc giữ tỷ giá biến động ở một mức nào đó được xem như là một cam kết về mặt chính sách.

Nhìn lại giai đoạn 2008-2011, tỷ giá là vấn đề cực nóng. Các chính sách điều chỉnh tỷ giá luôn được theo dõi sát sao. Các năm 2009, 2010 và 2011 thị trường chứng khoán đều có các phiên giảm mạnh sau thông tin điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được công bố. Tình trạng mua vàng, ngoại tệ để đầu cơ, tích trữ cũng diễn ra mạnh mẽ trong thời kỳ này.

Sau thời kỳ biến động mạnh, tỷ giá tiền đồng so với đô la Mỹ trong ba năm gần đây ít thay đổi. Cùng với đó hiện tượng đầu cơ tỷ giá, hay những cơn sốt vàng trong nước đã giảm hẳn so với trước. Dự trữ ngoại hối của NHNN cũng tăng cao. Tỷ giá ổn định đã giúp giảm bớt rủi ro cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, doanh nghiệp vay nợ bằng ngoại tệ, hay gánh nặng nợ của Chính phủ.c

Đầu năm 2015, Thống đốc NHNN tuyên bố sẽ kiểm soát tỷ giá biến động không quá 2%. Đây được xem là một thông điệp vĩ mô quan trọng đối với nền kinh tế. Nhiều chuyên gia cũng cho rằng mục tiêu này hoàn toàn khả thi. Các doanh nghiệp có thể sử dụng cam kết này làm một trong những căn cứ để hoạch định kế hoạch kinh doanh.

  Tuy nhiên, gần đây đồng đô là Mỹ tăng giá mạnh so với hầu hết các đồng tiền khác. Chỉ số Dollar Index, đo lường giá trị của đồng đô la Mỹ với một rổ gồm sáu loại tiền tệ khác, đã tăng 9% từ đầu năm đến nay và đang được giao dịch ở mức cao nhất từ cuối năm 2013. Đặc biệt, đồng đô la Mỹ đã tăng rất mạnh so với euro. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay đồng euro đã mất giá hơn 14%. Theo nhận định của Morgan Stanley, đà tăng của đồng đô la Mỹ vẫn chưa dừng lại.

Bài toán dễ mà khó

Chính sách tỷ giá của Việt Nam hiện nay là chính sách tỷ giá hối đoái cố định so với đồng đô la Mỹ. NHNN ấn định một mức tỷ giá nào đó rồi sử dụng các công cụ hành chính (biên độ cho phép) hay bằng cộng cụ thị trường (mua bán ngoại tệ) để giữ tỷ giá quanh mức mục tiêu. Hiện tại, tỷ giá liên ngân hàng đang được ấn định ở mức 21.457 đồng/đô la Mỹ, tương đương tỷ giá trần là 21.670 đồng/đô la Mỹ.

Đầu tuần này, ngày 16-3, tỷ giá giao dịch trên thị trường tự do đã vượt quá mức trần tỷ giá theo quy định của NHNN. Điều này khiến nhiều người lo ngại NHNN sẽ phải sớm điều chỉnh tỷ giá trong thời gian tới. Trước đó, Ngân hàng ANZ từng đưa ra dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục nâng tỷ giá vào cuối năm 2015, và đến tháng 12-2015 thì tỷ giá tiền đồng so với đô la Mỹ sẽ ở mức 22.050.

Nhìn lại quá khứ dễ dàng nhận thấy sự biến động của tỷ giá giữa tiền đồng và đô la Mỹ phụ thuộc chủ yếu vào các yếu tố vĩ mô trong nước và chính sách. Hiện nay, yếu tố vĩ mô đang khá thuận lợi để giữ cho tỷ giá ổn định.

Cụ thể, yếu tố quan trọng nhất đối với tỷ giá là cung ngoại tệ đang khá dồi dào. Theo số liệu của NHNN, năm 2014 thặng dư cán cân thanh toán của Việt Nam lên đến hơn 10 tỉ đô la Mỹ, dự trữ ngoại hối lên đến 36 tỉ đô la. NHNN dự báo cán cân thanh toán năm 2015 tiếp tục thặng dư khoảng 8 tỉ đô la. Những dự báo này hoàn toàn có cơ sở khi mà các dòng tiền như kiều hối, đầu tư vẫn đổ vào Việt Nam, còn xuất siêu hoặc nhập siêu nếu có cũng không lớn. Như vậy, năm 2015 nguồn cung ngoại tệ vẫn rất dồi dào.

Về mặt chính sách, việc tuyên bố tỷ giá biến động không quá 2% được xem là một cam kết khá mạnh của NHNN. Thực tế, NHNN đang có lượng ngoại tệ hoàn toàn đủ để can thiệp trên thị trường. Bên cạnh đó, NHNN cũng có các công cụ hành chính khá hữu hiệu khi nắm trong tay các ngân hàng thương mại lớn có thể can thiệp để ổn định tỷ giá.

Như vậy, việc kiểm soát tỷ giá tăng không quá 2% như cam kết, đối với NHNN là khá dễ dàng. Tuy nhiên, cam kết này có thực sự cần thiết và là cách tốt nhất đối với nền kinh tế không? Hiện nay, trên thế giới chính sách tỷ giá hối đoái cố định không được nhiều quốc gia áp dụng. Thực tế, trong thời gian qua, hầu hết các đồng tiền của các quốc gia trong khu vực đều biến động mạnh so với đồng đô la Mỹ, nhưng không quốc gia nào xem đó là thất bại hay thành tích. Tỷ giá được xem là một kết quả của nhiều chính sách vĩ mô quan trọng khác.

Tóm lại, với việc đồng đô la Mỹ lên giá mạnh so với các đồng tiền khác và việc neo tiền đồng vào đô la Mỹ đã làm cho tiền đồng tăng giá tương ứng. Thực tế này đã làm giảm tính cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam khi xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Với bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại, NHNN hoàn toàn có thể giữ mức cam kết tỷ giá tăng không quá 2% nhưng đây không phải là mục tiêu của chính sách tỷ giá, mà lợi ích cao nhất cho nền kinh tế mới chính là mục tiêu mà NHNN nên theo đuổi.
 

Theo TBKTSG