Chính phủ xem xét 'giải cứu' Lọc dầu Dung Quất vào tuần tới

Cơ chế giá đối với sản phẩm của Lọc dầu Dung Quất sẽ được Thường trực Chính phủ thảo luận theo nguyên tắc đảm bảo bình đẳng và nguyên tắc thị trường.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Thông tin nêu trên được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý và vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong chuyến thăm nhà máy chiều 9/8.

Báo cáo trước đó với lãnh đạo Chính phủ, ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch Hội đồng thành viên BSR cho biết nhà máy đã gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm thời gian qua.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) trao đổi với lãnh đạo BSR về hoạt động của nhà máy.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (giữa) trao đổi với lãnh đạo BSR về hoạt động của nhà máy.

Cụ thể, trong biểu thuế ban hành kèm theo Thông tư số 165, các mức thuế cụ thể với xăng dầu nhập khẩu từ các nước thành viên ASEAN, khí hóa lỏng LPG và sản phẩm hóa dầu thấp hơn đáng kể so với các mức thuế suất áp dụng chung, trong đó có xăng dầu của Dung Quất. Từ đầu năm 2016, thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc giảm xuống còn 10%, các loại dầu từ khu vực ASEAN về 0% trong khi mức đối với Dung Quất vẫn là 20% và 5%.

Dù được Nhà nước cho giữ lại phần tiền tương đương 3-7% thuế nhập khẩu xăng dầu nhưng Dung Quất vẫn rơi vào hoàn cảnh rất khó khăn, sản phẩm làm ra không bán được vì giá thành cao hơn so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ Hàn Quốc, ASEAN. Các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối như Petrolimex, Saigon Petro, Thanh Mễ, Petimex… đều giảm mua từ nhà máy này (cũng như giảm nhập khẩu từ Trung Quốc). Hiện phía Bình Sơn đã phải giảm giá bán sản phẩm 1-2 USD một thùng, song vẫn khó tiêu thụ vì chênh lệch nhiều so với nhập từ ASEAN, Hàn Quốc. 

Tuy vậy, báo cáo với Thủ tướng, lãnh đạo BSR cho biết trong 7 tháng đầu năm, nhà máy đã sản xuất gần 4 triệu tấn sản phẩm, doanh thu đạt 40.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 6.900 tỷ và lợi nhuận sau thuế 1.091 tỷ đồng.

Đánh giá về giai đoạn này, lãnh đạo công ty cho biết 7 tháng là khoảng thời gian rất khó khăn khi giá dầu tiếp tục diễn biến phức tạp, khoảng cách giữa giá thành phẩm và dầu thô bị thu hẹp rất nhiều so với cùng kỳ, chênh lệch thuế bất lợi... đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của BSR.

Vì vậy, ông Nguyễn Hoài Giang kiến nghị Chính phủ quan tâm xem xét điều chỉnh cơ chế chính sách ổn định, giúp sản phẩm của Dung Quất được cạnh tranh bình đẳng với hàng nhập khẩu, đảm bảo sự vận hành ổn định, liên tục và có hiệu quả nhằm thu hút các đối tác trong việc nâng cấp mở rộng nhà máy và hoàn thành việc cổ phần hoá công ty.

Chia sẻ với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tuần tới sẽ đưa vấn đề ra Thường trực Chính Phủ để quyết định theo hướng đảm bảo bình đẳng trong kinh doanh của doanh nghiệp và nguyên tắc thị trường.

Thủ tướng nhấn mạnh Dung Quất là dự án đầu tiên, hình mẫu cho ngành công nghiệp lọc - hóa dầu của Việt Nam, là động lực phát triển kinh tế - xã hội của Quảng Ngãi nói riêng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung. Tuy nhiên, kể từ khi thành lập và đi vào sản xuất kinh doanh, BSR đã đối diện với rất nhiều khó khăn. Thêm vào đó, tình hình địa chính trị, kinh tế thế giới bất ổn dẫn đến giá dầu thô và sản phẩm diễn biến khó lường, thất thường, tỷ giá USD/VND khó nắm bắt.

"Sự trưởng thành và lớn mạnh của BSR rất đáng trân trọng và hoan nghênh. Tôi đánh giá cao việc lãnh đạo, cán bộ, nhân viên đã đoàn kết, phấn đấu không mệt mỏi để có những kết quả tốt trong sản xuất kinh doanh, cũng như nộp ngân sách Nhà nước", Thủ tướng nói.

Từ khi vận hành thương mại, Lọc dầu Dung Quất đã sản xuất được 41,4 triệu tấn sản phẩm các loại, tiêu thụ 41,2 triệu tấn. Doanh thu thuần đạt 764.630 tỷ đồng, nộp ngân sách 130.180 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 6.170 tỷ đồng. Hiện công ty đang gấp rút mở rộng nâng cấp nhà máy giai đoạn II.

Theo VnE