Chính phủ đồng ý giải ngân vốn trái phiếu cho dự án Hầm đường bộ Hải Vân

VietTimes -- Thủ tướng Chính phủ cho phép giải ngân trong năm 2017 nhưng phải thực hiện theo nguyên tắc sử dụng kinh phí còn dư để thanh toán kinh phí xây dựng hầm Đèo Cả (bao gồm cả phần lãi vay BOT hầm Đèo Cả)
Ảnh chụp phối cảnh tổng thể dự án hầm đường bộ qua đèo Cù Mông
Ảnh chụp phối cảnh tổng thể dự án hầm đường bộ qua đèo Cù Mông

Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo về việc giải ngân vốn trái phiếu Chính phủ cho Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả (bao gồm cả hầm đèo Cù Mông và mở rộng hầm đường bộ Hải Vân).

Về lãi suất vốn vay, Thủ tướng Chính phủ đồng ý áp dụng mức lãi suất vốn vay đối với hạng mục hầm Hải Vân theo cơ chế quản lý và thực hiện các dự án đầu tư trên quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận tại văn bản số 979/TTg-KTN ngày 05/7/2013.

Về tỷ lệ vốn chủ sở hữu, Thủ tướng yêu cầu thực hiện theo đúng Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định sớm để đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công.

Về hỗ trợ trong công tác giải ngân và thực hiện Dự án, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Kiểm toán Nhà nước và yêu cầu các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Kho bạc Nhà nước, UBND các tỉnh, thành phố liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thiện các thủ tục trong quá trình thực hiện Dự án.

Hầm đường bộ Đèo Cả hiện là một dự án đường hầm thay thế cho Đèo Cả vốn rất hiểm trở và nguy hiểm. Đường hầm này nối liền hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa, nằm trên tuyến đường Quốc lộ 1A huyết mạch.

Hiện dự án này đang được thi công, và ngày khởi công là ngày 18 tháng 11 năm 2012, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2016

Tổng chiều dài dự kiến là 13,4 Km, trong đó hầm xuyên núi Đèo Cả dài 4,1Km, xuyên núi Cổ Mã dài 500m, còn lại là đường dẫn và cầu trên tuyến (9Km).

Hầm đường bộ được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc TCVN 5729-1997, có 2 trục hầm song song nhau, trong mỗi trục hầm thiết kế 2 làn xe, khoảng cách giữa hai trục hầm là 30m. Vận tốc thiết kế là 80Km/h, hầm có thể chịu được động đất cấp 7.

Dự án xây dựng Hầm đường bộ Đèo cả được Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam phê duyệt đầu năm 2012 theo hình thức BOT và BT với tổng vốn đầu tư là 15.603 tỷ đồng, chủ đầu tư là Công ty CP đầua tư Đèo Cả. Trong đó, kinh phí xây dựng hầm đèo Cả (đầu tư theo hình thức BOT) là 10.555 tỷ đồng, kinh phí xây dựng hầm Cổ Mã, đường dẫn và cầu trên tuyến (đầu tư theo hình thức BT) 4.509 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng và tái định cư 539 tỷ đồng (phần vốn ngân sách nhà nước).