Chính phủ đầu tư gần 611.000 tỷ đồng phát triển nông nghiệp, nông thôn

VietTimes -- Trong giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân đạt gần 611.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân đạt gần 611.000 tỷ đồng.
Giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân đạt gần 611.000 tỷ đồng.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết 26/2012/QH13 của Quốc hội, Chính phủ đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ và tăng cường huy động các nguồn vốn xã hội đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, giai đoạn 2011- 2015, tổng vốn đầu tư Nhà nước đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên 610.959 tỷ đồng, tăng 1,83 lần so với giai đoạn 2006- 2010 đầu tư trên 332.500 tỷ đồng.

Trong đó, riêng từ năm 2012- 2015 (4 năm sau khi có Nghị quyết của Quốc hội) đầu tư hơn 509.500 tỷ đồng (chiếm 52,9% tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và Trái phiếu Chính phủ cả nước).

Tính riêng nguồn vốn đầu tư cho "Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới", trong 5 năm vừa qua, cả nước đã huy động được hơn 851.000 tỷ đồng đầu tư cho Chương trình. Trong đó, ngân sách nhà nước (bao gồm các chương trình, dự án khác) hơn 266.000 tỷ đồng, tín dụng 434.950 tỷ đồng, doanh nghiệp 42.198 tỷ đồng, người dân và cộng đồng đóng góp 107.447 tỷ đồng. Riêng ngân sách Nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho Chương trình 98.664 tỷ đồng (11,59%).

Ngoài ra, Chính phủ đã thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho nông dân như cấp bù miễn thủy lợi phí, trung bình trên 4.000 tỷ đồng/năm, hàng năm chi thêm khoảng 8.000 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh.

Theo đánh giá của Chính phủ, cơ cấu đầu tư công trong nông nghiệp, nông thôn đã dần được điều chỉnh, tăng vốn đầu tư cho các vùng trọng điểm có lợi thế phát triển nông nghiệp hàng hóa, các lĩnh vực trực tiếp sản xuất sản phẩm hàng hóa nông nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao, đảm bảo an ninh lương thực Quốc gia, phát triển kinh tế biển đảo, tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn với xây dựng nông thôn mới.