Chính phủ của Taliban chọn tuyên thệ nhậm chức ngày 11/9, Mỹ và phương Tây lâm vào thế khó xử

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Khi chính phủ mới của Taliban ở Afghanistan hình thành với thành phần khiến phương Tây chưa biết đối phó ra sao, có thông tin nói chính phủ này sẽ tổ chức lễ tuyên thệ nhậm chức vào đúng ngày nhạy cảm 11/9.
Người phát ngôn Taliban tổ chức họp báo công bố danh sách chính phủ lâm thời Afghanistan (Ảnh: AP).
Người phát ngôn Taliban tổ chức họp báo công bố danh sách chính phủ lâm thời Afghanistan (Ảnh: AP).

Các nhà phân tích cho rằng thành phần thành viên nội các do Taliban thành lập hôm 7/9 có thể cản trở các nước phương Tây công nhận chính phủ mới của Afghanistan. Tất cả các bộ trưởng đều là nam giới, trong đó có cả những người theo chủ nghĩa Hồi giáo cứng rắn và những người bị Mỹ truy nã vì tội khủng bố. Có thông tin Nga, Trung Quốc và một số nước cũng đã được Taliban mời đến tham dự. Liệu Bắc Kinh và Mosow có cử đại biểu đến dự?

Phương Tây chưa vội công nhận chính phủ của Taliban

Theo trang Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức), hôm thứ Năm (9/9) Liên Hợp Quốc cảnh báo rằng số tài sản của Afghanistan khoảng 10 tỷ USD ở nước ngoài nên bị phong tỏa để tránh rơi vào tay Taliban. Điều này sẽ dẫn đến sự "suy thoái kinh tế trầm trọng" và có thể khiến hàng triệu người Afghanistan lâm vào cảnh nghèo đói.

Đặc phái viên LHQ về Afghanistan, bà Deborah Lyons, nói nếu cộng đồng quốc tế không cung cấp thêm ngân quỹ cho Afghanistan, cuộc khủng hoảng có thể "khiến Afghanistan thụt lùi mấy thế hệ", kinh tế và trật tự xã hội có thể "hoàn toàn sụp đổ".

Quân Taliban chiếm dinh Tổng thống Afghanistan hôm 15/8 (Ảnh: AP).

Quân Taliban chiếm dinh Tổng thống Afghanistan hôm 15/8 (Ảnh: AP).

Nhưng phương Tây coi tài sản ở nước ngoài của Afghanistan là đòn bẩy chính để gây áp lực lên Taliban. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden không có kế hoạch giải phóng hàng tỷ USD vàng của Afghanistan, đầu tư và dự trữ ngoại hối của nước này đang bị đóng băng.

Nhiều người chỉ trích đã kêu gọi giới lãnh đạo Taliban hãy vực dậy nền kinh tế vì kinh tế Afghanistan đang đối mặt với sự sụp đổ trong bối cảnh lạm phát và thiếu lương thực trầm trọng. Một bộ trưởng của Taliban nói rằng chính phủ hy vọng sẽ tiếp xúc với các chính phủ khu vực và phương Tây, đồng thời hợp tác với các tổ chức viện trợ quốc tế.

Bà Deborah Lyons, nói với Hội đồng Bảo an LHQ: “Hãy để nền kinh tế (của Afghanistan) được thở trong vài tháng cho Taliban có cơ hội thể hiện sự linh hoạt và ý muốn thực sự, đặc biệt là từ các khía cạnh nhân quyền, giới tính và chống khủng bố".

Bà Lyons đề cập rằng bất chấp các nhà lãnh đạo Taliban đã cam kết tôn trọng quyền của phụ nữ theo luật Sharia, ngày càng có nhiều thông tin nói rằng Taliban đã áp đặt các hạn chế đối với phụ nữ tương tự như những quy định trong thời gian cầm quyền của họ từ năm 1996 đến 2001.

Bà Deborah Lyons, Đặc phái viên LHQ về Afghanistan (Ảnh: Deutsche Welle).

Bà Deborah Lyons, Đặc phái viên LHQ về Afghanistan (Ảnh: Deutsche Welle).

Bà nói. mục tiêu của Liên Hợp Quốc là các tổ chức phi chính phủ hỗ trợ phụ nữ, nhưng trên thực tế, quyền tự do của phụ nữ địa phương đang bị hạn chế, và cơ quan phụ trách công tác phụ nữ của chính phủ do Mỹ hậu thuẫn trước đây cũng đã bị giải tán trên khắp đất nước.

Lyons nói với Hội đồng Bảo an: "Chúng tôi ngày càng nhận được nhiều báo cáo rằng Taliban cấm phụ nữ xuất hiện ở những nơi công cộng mà không có đàn ông và ngăn cản phụ nữ làm việc... Họ cũng hạn chế quyền tiếp cận giáo dục của trẻ em gái ở một số khu vực".

Zaki Daryabi, người sáng lập và tổng biên tập của báo Etilaat Roz, nói rằng hai phóng viên của họ tên là Nemat Naqdi và Taqi Daryabi trong tuần này đã bị Taliban giam giữ và đánh đập sau khi đưa tin về các cuộc biểu tình của phụ nữ ở Kabul. Ông đã chia sẻ hình ảnh hai phóng viên nam này trên mạng xã hội. Trong đó lưng và chân của một người có nhiều vết thương lớn. Theo Reuters xác minh khuôn mặt của hai người đàn ông trong ảnh cũng bầm tím và vết cắt.

Hai nhà báo Afghanistan bị lính Taliban giam giữ và đánh đập vì đưa tin về các cuộc biểu tình chống lịa họ (Ảnh: Deutsche Welle).

Hai nhà báo Afghanistan bị lính Taliban giam giữ và đánh đập vì đưa tin về các cuộc biểu tình chống lịa họ (Ảnh: Deutsche Welle).

Chính quyền Taliban sẽ nhậm chức ngày 11/9?

Có thông tin cho biết, lễ tuyên thệ nhậm chức của chính phủ Afghanistan Taliban dự kiến ​​diễn ra vào thứ Bảy (11/9). Ngày này đặc biệt gây sự chú ý vì 20 năm trước, thủ lĩnh tổ chức khủng bố Al Qaeda vạch kế hoạch tấn công Mỹ tại Afghanistan vào ngày 11/9/2001; sau đó chính quyền Taliban đã bị Mỹ tấn công trong cuộc chiến tranh Afghanistan.

Một số cơ quan truyền thông trích dẫn các nguồn tin của Taliban cho biết các nước Nga, Trung Quốc, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Pakistan và Iran đã được mời tham dự buổi lễ. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phản hồi về việc liệu có cử ai thay mặt Trung Quốc tới dự hay không, chỉ nói rằng “Đại sứ quán Trung Quốc tại Afghanistan đang thực hiện chức trách bình thường”.

Để đối phó với Taliban, Trung Quốc tiếp tục tích cực hành động. Ngày 8/9, Ngoại trưởng Trung Quốc đã tham dự Hội nghị Ngoại trưởng giữa Taliban với các nước láng giềng với hình thức trực tuyến. Hội nghị này do Ngoại trưởng Pakistan chủ trì; tham dự ngoài Vương Nghị, có Ngoại trưởng các nước Iran, Tajikistan, Uzbekistan và Thứ trưởng Ngoại giao Turkmenistan.

Sau cuộc họp, Trung Quốc tuyên bố rằng tất cả các bên sẽ phát huy tác dụng của nước láng giềng thông qua việc hỗ trợ Afghanistan tăng cường chống dịch bệnh, mở các cửa khẩu, tăng cường kiểm soát người di cư và cung cấp viện trợ nhân đạo, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, kiểm soát biên giới, hợp tác chống ma túy...để mang lại một môi trường bên ngoài tốt đẹp cho việc “tái thiết và sự ổn định của Afghanistan".

Bà Jen Psaki - người phát ngôn Nhà Trắng: Mỹ không vội công nhận chính phủ lâm thời Afghanistan (Ảnh: Reuters).

Bà Jen Psaki - người phát ngôn Nhà Trắng: Mỹ không vội công nhận chính phủ lâm thời Afghanistan (Ảnh: Reuters).

Liên quan đến chính phủ mới của Afghanistan do Taliban thành lập, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki ngày 7/9 tuyên bố rằng Mỹ "không vội vàng" trong việc công nhận chính phủ này, và thái độ của họ sẽ phụ thuộc vào các hành động cụ thể của Taliban. Tổng thống Joe Biden trước đó cũng tuyên bố rằng Mỹ "vẫn còn một chặng đường dài phía trước để công nhận chính phủ Taliban."

Ngày kỷ niệm 20 năm “Sự kiện 11/9" đang đến gần, Mỹ đã khởi động lại thủ tục xét xử 5 nghi phạm trong đó có Khalid Sheikh Mohammed (kẻ chủ mưu đằng sau vụ việc) vào ngày 7/9. Nếu bị tuyên có tội, tất cả những kẻ này đều có thể bị kết án tử hình.

Ngoài ra, ngày 9/9, ông Biden đã thông báo cả nước Mỹ sẽ dành ba ngày để cầu nguyện và tưởng nhớ các nạn nhân trong vụ khủng bố ngày 11/9 trên khắp nước Mỹ từ ngày 10 đến 12/9.

Hôm 8/9, một nguồn tin của Taliban nói với hãng thông tấn Nga RIA Novosti “chính phủ Afghanistan mới có thể tổ chức lễ nhậm chức vào ngày 11/9”. Tuy nhiên, người phát ngôn của Taliban Suhail Shaheen cùng ngày nói rằng ông ta không có thông tin gì về vấn đề này.

Người cầm đầu mạng lưới Haqqani đang bị FBI truy nã toàn cầu được Taliban bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Nội vụ (Ảnh: Dwnews).

Người cầm đầu mạng lưới Haqqani đang bị FBI truy nã toàn cầu được Taliban bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Nội vụ (Ảnh: Dwnews).

Hãng thông tấn TASS ngày 8/9 đưa tin, về thời gian cụ thể của lễ nhậm chức chính phủ mới của Afghanistan, Suhail Shaheen cho biết trong một cuộc phỏng vấn: "Tôi không có thông tin gì về việc này".

Vào ngày 11/9/2001, nước Mỹ đã bị một cuộc tấn công khủng bố, các cơ quan truyền thông Mỹ nói, cuộc tấn công đã khiến 2.997 người chết. Sau cuộc tấn công, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W. Bush nhanh chóng tuyên bố sẽ thực hiện các chiến dịch quân sự ở Afghanistan, và vào ngày 7/10 cùng năm, ông đã cho quân tiến công Afghanistan và lật đổ chế độ Taliban khi đó. Quân đội Mỹ đã ở lại Afghanistan cho đến ngày 30/8/2021 mới rút đi.

Mỹ cảnh báo al Qaeda có thể trở lại Afghanistan

Theo trang tin Hồng Kông Đông Phương ngày 10/9, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã đến thăm các nước vùng Vịnh Ba Tư trong 4 ngày. Hôm thứ Năm (9/9), ông đã nói với các phóng viên tại Kuwait City, thủ đô Kuwait: tổ chức khủng bố al Qaeda và chi nhánh ISIS-K của Nhà nước Hội giáo có thể sẽ phục hồi sức mạnh ở Afghanistan và Mỹ đã chuẩn bị đề phòng. Ông nhấn mạnh rằng quân đội Mỹ sẽ duy trì khả năng tấn công tầm xa để ngăn chặn việc xuất khẩu của khủng bố từ Afghanistan sang Mỹ.

Ông Austin nói, thế giới đang theo dõi diễn biến của tình hình, dù al Qaeda có khả năng quay trở lại Afghanistan hay không, bản chất của tổ chức này và tổ chức khủng bố khác là Nhà nước Hồi giáo (IS) là luôn tìm kiếm nơi để sinh sôi và tập hợp lại, và Mỹ đã cảnh báo Taliban chớ để al Qaeda lấy Afghanistan làm căn cứ của chúng.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin: Mỹ có thể sử dụng máy bay tấn công tầm xa để đối phó các tổ chức khủng bố ở Afghanistan (Ảnh: AP).

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin: Mỹ có thể sử dụng máy bay tấn công tầm xa để đối phó các tổ chức khủng bố ở Afghanistan (Ảnh: AP).

Ngoài ra, ông Austin tuyên bố rằng quân đội Mỹ có khả năng sử dụng máy bay do thám và máy bay chiến đấu tấn công tầm xa từ các đơn vị đồn trú, bao gồm cả từ Vịnh Ba Tư để ứng phó các tổ chức khủng bố từ Afghanistan và kiểm soát các mối đe dọa do chúng gây ra. Ông cũng thừa nhận rằng việc rút quân và nhân viên tình báo của Mỹ khỏi Afghanistan đã gây ra khó khăn hơn.

Ông Austin nói rằng Taliban hiện hy vọng có được tiền và nguồn lực để thống trị Afghanistan, đồng thời hy vọng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt; nếu Taliban cho lực lượng khủng bố trú ẩn ở Afghanistan, sẽ khó có được các nguồn lực cần thiết để điều hành đất nước.

Đối với việc thành lập chính phủ lâm thời Afghanistan gần đây, nhiều lãnh đạo của chi nhánh Taliban "Mạng lưới Haqqani" đã được đưa vào nội các. Ông Austin nói không có bằng chứng cho thấy Taliban đã giữ lời hứa thành lập một chính phủ rộng rãi và bao trùm. Ông chỉ ra rằng mặc dù không hài lòng về các nhân sự của chính quyền Taliban, nhưng ông nhấn mạnh Mỹ “không có quyền lựa chọn và bỏ phiếu”.