Chính phủ chi 3.000 tỉ đồng hỗ trợ học sinh, sinh viên mua máy tính và trang trải chi phí học tập

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chính phủ vừa ra Nghị quyết nêu rõ: Cho học sinh, sinh viên vay tiền để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập, với tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỉ đồng.
Việc trao tặng máy tính giúp các em triển khai học trực tuyến, bảo đảm học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong hành trình chinh phục tri thức.
Việc trao tặng máy tính giúp các em triển khai học trực tuyến, bảo đảm học sinh nào bị bỏ lại phía sau trong hành trình chinh phục tri thức.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.

Nghị quyết đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng, chống dịch bệnh; Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; và Cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Trong đó, ở nhóm nhiệm vụ thứ hai: Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm, Nghị quyết đã nêu ra nhiều nhiệm vụ cụ thể:

Cụ thể, "cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy vi tính, thiết bị học tập trực tuyến và trang trải chi phí học tập (...). Tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 3.000 tỉ đồng.

(...) Trang bị máy tính bảng theo Chương trình "Sóng và máy tính cho em" từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng và sử dụng hiệu quả. Tổng kinh phí tối đa là 1.000 tỉ đồng" - Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.

Nghị quyết nêu rõ, đối tượng hỗ trợ bao gồm: Người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển cho nền kinh tế.

Thời gian hỗ trợ: chủ yếu thực hiện trong 2 năm 2022-2023; một số chính sách có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu đầu tư tăng cường kết nối cung - cầu lao động toàn quốc trên nền tảng trực tuyến phục vụ công tác tư vấn, giới thiệu việc làm và cung ứng lao động. Xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng và hiện đại hóa các cơ sở đào tạo, dạy nghề, giải quyết việc làm, nhất là trường cao đẳng chất lượng cao, trọng điểm và thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp; nâng cao năng lực cơ sở tuyến đầu của hệ thống cơ sở trợ giúp xã hội, chăm lo cho các đối tượng bị sang chấn tâm lý, cơ nhỡ và các đối tượng yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Ở nhóm nhiệm vụ thứ tư về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, Chính phủ cũng đặt mục tiêu phấn đấu sớm hoàn thành toàn tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với Miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp; hạ tầng số, chuyển đổi số; hạ tầng y tế, xã hội; lao động - việc làm; phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai.

Về nhóm nhiệm vụ thứ năm, liên quan cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát, tháo gỡ các rào cản về thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; đẩy nhanh lộ trình thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường xử lý thủ tục hành chính trên nền tảng trực tuyến.

"Tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp đột phá, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững; khẩn trương nghiên cứu, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch và quỹ đất liên quan đến nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân" - Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ.

Chương trình nhằm phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng, phấn đấu đạt mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025: tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm, chỉ tiêu nợ công dưới mức cảnh báo Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 23/2021/QH15, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%;giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung hạn và dài hạn.

Cùng với đó, tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân; phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.