Chiến lược “thả nổi giá dầu” của OPEC bắt đầu có hiệu quả

3 tháng sau khi Ả Rập Xê Út tuyên bố sẽ không can thiệp dù cho giá dầu có giảm đến mốc nào đi nữa, chiến lược của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã bắt đầu có hiệu quả.
Giá dầu thế giới đã phục hồi 12% kể từ cuối tháng 1/2015. Ảnh: Reuters.
Giá dầu thế giới đã phục hồi 12% kể từ cuối tháng 1/2015. Ảnh: Reuters.
Bloomberg hôm 27/2 đưa tin, giá dầu thô thế giới đã phục hồi 12% kể từ ngày 29/1. Chốt phiên giao dịch hôm 27/2, giá dầu Brent và giá dầu WTI giao giữa tháng 4/2015 lần lượt là 62,58 USD/thùng và 49,76 USD/thùng.
Giá dầu phục hồi sau khi nguồn cung dầu thô trên toàn thế giới cho thấy dấu hiệu giảm. Ở Mỹ, hiện đang 1.019 giàn khoan dầu hoạt động - mức thấp nhất kể từ tháng 7/2011. Các kế hoạch đầu tư vào ngành năng lượng nước này cũng chùng lại và hàng ngàn công nhân bị cho nghỉ việc tạm thời vì nhiều công ty hoạt động kém hiệu quả.
Cụ thể, nếu chỉ tính trong thời gian từ ngày 5/12 năm ngoái đến 20/2 năm nay, đã có 556 giàn khoan của Mỹ bị cho ngừng hoạt động. Các công ty năng lượng như Royal Dutch Shell Plc hay Chevron Corp. đã tuyên bố giảm 50 tỷ USD đầu tư kể từ tháng 11/2014. Trong tuần cuối cùng của tháng 2/2015, Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết nước này chỉ sản xuất 9,29 triệu thùng dầu thô, mức thấp nhất trong vòng 3 thập kỷ qua.
Như vậy, kế hoạch “thả nổi” giá dầu và chấp nhận cả mức giá dưới 50 USD/thùng để đẩy mức cầu cao hơn cung, làm thị trường ổn định trở lại mà Bộ trưởng dầu mỏ Ả Rập Xê Út Ali Al-Naimi tuyên bố ngày 27/11/2014 bước đầu đã mang lại hiệu quả.
Ông Harry Tchilinguirian, trưởng bộ phận chiến lược thị trường hàng hóa tại hãng dịch vụ tài chính BNP Paribas ở London (Anh) cho rằng: “OPEC chấp nhận thiệt hại tài chính trong ngắn hạn để có thể thu lợi lâu dài, và chiến lược dài hạn của họ đã có hiệu quả như mong đợi".
Tuy vậy, Bloomberg cho hay cái giá mà OPEC phải trả cũng không nhỏ.
Các chuyên gia tại EIA nhận định giá dầu thấp sẽ khiến OPEC mất 37% lợi nhuận trong năm nay. 11 trên tổng số 12 nước thành viên của tổ chức này (ngoại trừ Iran) sẽ thu được lợi nhuận tổng cộng là 446 tỷ USD trong năm nay so với 703 tỷ USD có được trong năm ngoái.
Các nước thiệt hại lớn vì giá dầu ở mức thấp như Iran, Nigeria và đặc biệt là Venezuela thời gian qua cũng tỏ ra bất đồng với lập trường của Ả Rập Xê Út - thành viên có tiếng nói lớn nhất trong khối.

Theo: Thanh Niên