Năm 2015, Nga đã can thiệp vào một cuộc xung đột quân sự đúng nghĩa trên lãnh thổ Syria. Ba tháng hoạt động của cụm không quân viến chinh chống các phần tử khủng bố thuộc “Nhà nước Hồi giáo” (IS hoặc Daesh theo Arab) có sử dụng máy bay cường kích chiến trường và máy bay ném bom chiến lược tầm xa, tên lửa hành trình phóng từ trên không và trên biển đã chứng tỏ trình độ sẵn sàng chiến đấu cao của lực lượng vũ trang.
Nhưng cách diễn đạt “trong giai đoạn tiến công của quân đội Syria” được đưa ra ở cấp cao nhất không đưa đáp án cho những vấn đề cốt yếu: Nước Nga sẽ duy trì các hoạt động chiến đấu tại Syria bao lâu nữa và liệu Moscow có quyết định tiến hành một chiến dịch trên bộ hay không?
Hiện tại chỉ có thể khẳng định, lời kêu gọi hành động trong một mặt trận thống nhất chống IS với các nước phương Tây đã không có kết quả: những trở ngại cho việc thành lập một liên minh chống khủng bố thống nhất là cuộc khủng hoảng các mối quan hệ và những bất đồng chủ yếu về lợi ích địa chính trị ở Syria.
Chiến dịch của Nga vô thời hạn
Chiến dịch quân sự của Nga tại Syria chính thức được bắt đầu từ ngày 30.09 – ngay lập tức sau khi lời kêu gọi của Tổng thống Syria Bashar Asad được gửi tới Vladimir Putin.
Nhưng công tác chuẩn bị cho chiến dịch quân sự bắt đầu trước vài tháng. Lực lượng hậu cần kỹ thuật quân đội Nga đã vận chuyển cơ sở vật chất, đạn dược cho không quân tại Trung tâm bảo đảm vật chất – kỹ thuật của lực lượng Hải quân Nga ở căn cứ Tartus, máy bay vận tải quân sự chỉ phải chuyên chở vũ khí, trang bị kỹ thuật tới căn cứ không quân Hmeymim gần Latakia và vận chuyển lực lượng quân sự hạn chế cùng với các nhân viên kỹ thuật.
Trên các tàu đổ bộ cỡ lớn ngoài đạn dược còn có nhiên liệu, vật chất hàng không, trang bị kỹ thuật xe máy công trình được chuyển tới Syria. Trung tuần tháng 9 đã điều chuyển từ căn cứ thường xuyên tới Latakia máy bay cường kích Su-25SM, tiêm kích tiền phương Su-34 và ném bom Su-24M, tiêm kích đa nhiệm Su-30SM, trực thăng Mi-24P và Mi-8, tất cả đều được che chắn kín đáo bởi máy bay vận tải hạng nặng.
Các hệ thống vũ khí phòng không tầm gần “Pantsir-S1” và “Buk-M2E” được đưa đến Syria, những bộ khí tài điện tử hiện đại được triển khai trên căn cứ đã tạo ra một hệ thống phòng không vững chắc tại Hmeymim.
Những ngày cuối tháng 9, lực lượng vũ trang Nga lần đầu tiên sau cuộc chiến tranh 5 ngày năm 2008 đã sẵn sàng tham gia một chiến dịch quân sự lớn đúng với ý nghĩa viễn chinh. Ngay từ đầu cuộc chiến đã không hề được coi là cuộc dạo chơi nhẹ nhàng: cả điện Kremly, cũng như Bộ Quốc phòng đều hiểu, quân đội của Asad đã kiệt quệ đến gần mất sức chiến đấu vì cuộc chiến kéo dài nhiều năm với sự can thiệp của quá nhiều các thế lực bên ngoài. Hơn thế nữa Phương Tây đã triển khai một chiến dịch kinh hoàng nhằm hạ bệ ông Al-Assad.
Các cựu quan chức quân sự cấp cao nói rằng, việc bỏ bộ máy cố vấn quân sự Nga ở Syria năm 2012 là một sai lầm: Nếu như các chuyên gia Nga còn ở đó, thì kịch bản chiến dịch Syria đã có thể khác đi. Nhưng thực tế chiến trường cho thấy, điều mà Syria cần hiện nay không phải những lời khuyên, mà là sự yểm trợ sức mạnh thực tế.
Nhưng hiện nay Moscow chưa quyết định đưa lực lượng bộ binh có giới hạn theo đúng nghĩa tới giúp đỡ quân đội Syria. Tại đất nước này chỉ hiện diện nhóm quân nhân phục vụ theo chế độ hợp đồng thuộc lữ đoàn hải quân đánh bộ độc lập 810 (căn cứ gốc ở Sevastopol) và sư đoàn đổ bộ đường không sơn cước của lực lượng nhảy dù (đồn trú tại làng Raevskaya), có nhiệm vụ bảo vệ mục tiêu.
Cũng có phân đội nhỏ yểm trợ bảo vệ quân đội Syria trong giai đoạn tiến công: điều động từ Kemerovo tới khu vực Khamrat (tỉnh Homs) 6 khẩu lựu pháo “Msta-B” thuộc đại đội lựu pháo số 5 của lữ đoàn pháo binh cận vệ số 120.
Gánh nặng chiến trường chủ yếu trên vai các phi công chiến đấu. 20 lần xuất kích chiến đấu đầu tiên từ Hmeymim đã được tiến hành ngày 30.09, các máy bay ném bom đã tiêu diệt 8 mục tiêu của IS. Số lần xuất kích tăng lên theo cấp số nhân: kết quả tháng đầu, Bộ Tổng tham mưu báo cáo về lần xuất kích chiến đấu thứ 1.391, còn tới ngày 15 tháng 12 đã là lần xuất kích chiến đấu thứ 4.201.
Số lượng sở chỉ huy, trận địa pháo binh, trại huấn luyện khủng bố, xe bồn chở dầu bị bom KAB-500, FAB-250 và FAB-500 tiêu diệt đã lên tới hàng nghìn. Tổ chức bảo vệ luật pháp Ân xá quốc tế Amnesty International cho rằng, các cuộc không kích này đã gây ra thương vong cho dân thường, Bộ Quốc phòng LB Nga đánh giá báo cáo này là “khuôn sáo và bịa đặt”.
Lần đầu tiên trong lịch sử quân sự Nga, tên lửa hành trình “Kalibr-NK” đã được sử dụng trong điều kiện chiến đấu. Ngày 7 và 20.11 từ các chiến hạm của hải đoàn Caspian đã lần lượt phóng 26 và 11 quả tên lửa hành trình. Và ngày 7 tháng 12 đã phóng các tên lửa hành trình từ tàu ngầm “Rostov on Don” dự án 636.3 hiện thuộc hạm đội Biển Đen. Để thực hành tiến công chính xác các chuyên gia quân sự đã tái bố trí các phương tiện trinh sát quang điện tử và trinh sát vô tuyến điện tử vũ trụ.
Việc tăng cường lực lượng và phương tiện chiến tranh được thực hiện do tình thế bắt buộc. Sau vụ khủng bố trên chiếc máy bay Airbus A321 của hãng hàng không “Kogalưmavia” Nga, thực hiện chuyến bay từ Sharm el- Seikh về Sant Petersbourg, một cụm không quân đóng tại lãnh thổ LB Nga được tăng cường cho cụm không quân viễn chinh tại Hmeymim. Cụm binh lực bao gồm các máy bay tiêm kích Su-27SM, máy bay ném bom Su-34, các phương tiện mang tên lửa chiến lược Tu-22M3, Tu-160 và Tu-95MS.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Tu-160 và Tu-95MS, cũng như tên lửa hành trình Kh-101 và Kh-555 được sử dụng trong chiến đấu. Tại sao phải sử dụng những vũ khí trang bị tân tiến nhất có khả năng chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại mà IS không sở hữu, các nhà quân sự không giải thích, nhưng tổ hợp công nghiệp quốc phòng không hề lãng phí.
Chiến tranh đối với họ là điều kiện bảo đảm đơn đặt hàng lâu dài (chẳng hạn công ty “Vũ khí tên lửa chiến thuật” đã chuyển sang làm việc 3 ca). Và sau vụ việc chiếc Su-24M, bị Không quân Thổ Nhĩ Kỹ bắn hạ ngày 24 tháng 11 trên biên giới Syria, hệ thống tên lửa phòng không S-400 “Triumph” đã được điều động tới Latakia.
Cận cảnh những vụ không kích dữ dội của không quân Nga ở Syria
Chiến dịch Syria tốn kém tới mức độ nào, lúc này chưa rõ, nhưng đã rõ một điều, vì nó các nhà quân sự phải từ bỏ một số cuộc tập trận của quân đội Nga dự kiến cho năm 2016. Thời hạn kết thúc chiến dịch chưa rõ: cách trình bày “trong giai đoạn tiến công của quân đội Syria” không cho phép đưa ra một dự báo chính xác nào.
Rốt cuộc, chẳng rõ quân đội Syria có thể tiến công mà không cần tới sự chi viện trên bộ ở mức độ nào. Nhưng đã rõ một điều, nước Nga không có ý định rời khỏi Syria mà không giành được thắng lợi trước IS. Hơn nữa, đã xuất hiện những điều kiện căn bản cho việc áp dụng thử nhiều loại vũ khí mới của nền công nghiệp quốc phòng Nga.
“Chúng ta có cả những nguồn lực để bổ sung, và sẽ sử đụng chúng nếu cần thiết” – Vladimir Putin cảnh báo. Nhưng nếu “các nguồn lực bổ sung” này không mang lại hiệu quả mong đợi và quân đội Bashar Asad không thể chiến đấu hiệu quả, câu hỏi về việc tiến hành chiến dịch bộ binh – có lẽ, với thành phần liên minh những nước thân thiết với Syria – sẽ trở thành chủ đề chính.
Nước Mỹ bắt đầu và sa lầy
Chiến dịch của Nga tại Syria đã đột ngột làm thay đổi tình hình địa chính trị tại Trung Đông. Cùng với đó, các hành động của Moscow đã khiến chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama rơi vào thế bất ngờ, Washington đang trong tình thế hoàn toàn bị động.
Trước đó trong suốt gần 1 năm trời, kể từ tháng 8 năm 2014, trên thế giới người ta chỉ nói về hoạt động của Liên minh đấu tranh với IS do Mỹ đứng đầu, và Moscow không có trong thành phần của nó. Chiến dịch mang mật danh “Quyết tâm sắt đá” (Operation Inherent Resolve) đã được bắt đầu sau khi tổng thống Obama chuẩn y việc thực hiện các đòn không kích vào những vị trí của IS ở Iraq để bảo vệ đội ngũ nhân viên Mỹ tại thành phố Erbil (Kurdistan của Iraq) và những người Kurd-ezid đang có nguy cơ bị các phần tử Islam tiêu diệt.
Không lâu sau khi nổ ra chiến dịch tại Iraq, cuối tháng 9 năm 2014, Mỹ và đồng minh mở rộng hoạt động chống IS sang lãnh thổ Syria. Đồng thời, khác với Moscow, liên minh phương Tây không muốn thỏa thuận hành động của mình tại Syria với Damascus khi coi tổng thống Bashar Assad là người không còn hợp hiến.
Ngay từ lúc ban đầu Washington đã liên tục nhấn mạnh rằng, Mỹ hy vọng vào những hành động tập thể chống các phần tử Hồi giáo với sự tham gia rộng rãi của phần lớn đồng minh phương Tây và khu vực Trung Cận Đông. Sau khi thảo luận ý tưởng này tại hội nghị cấp cao NATO ở Wales hồi tháng 9 năm ngoái, Australia, Anh, Đức, Đan Mạch, Ý, Canada, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp đã nhận được đề nghị tham gia liên minh.
Kết quả là các cuộc không kích IS tại Iraq có sự tham gia của không quân Mỹ, Australia, Anh, Pháp, Đan Mạch, Bỉ và Hà Lan. Trên lãnh thổ Syria tham gia vào liên minh do Mỹ đứng đầu có Bahrain, Jordan, Qatar, Arabia Saudi và các Tiểu vương quốc Arabia thống nhất.
Dù nhiều lần kêu gọi hành động tập thể, nhưng vì những lý do mang tính nguyên tắc, việc mời Moscow tham gia liên minh do Mỹ đứng đầu đối với Washington là điều bất khả thi.
Nhà Trắng ngay từ đầu đã nêu ra mục tiêu là thực hiện nhiệm vụ 2 trong 1: lật đổ chế độ Asad và đấu tranh với IS. Nước Mỹ và đồng minh đã và đang khăng khăng quả quyết, sự tồn tại của ông Bashar Asad tại vị chỉ làm phát triển thêm hàng ngũ Hồi giáo cực đoan và như thế trái ngược với nhiệm vụ đấu tranh chống lại IS.
Bản thân Moscow công khai không ghi danh vào tổ chức này, cùng với Iran và tổ chức Hezbollah người Shiite Lebanon, thực tế đứng bên kia chiến tuyến với Washington và đồng minh của Mỹ khi bằng mọi biện pháp giúp đỡ Damascus.
Kiên quyết bác bỏ luận điểm nói về việc sự tại vị của ông Assad ở Damascus cản trở cuộc đấu tranh chống IS. Nước Nga chứng minh cho phương Tây thấy rằng, việc hạ bệ Asad sẽ vĩnh viễn biến Syria thành hang ổ của các nhóm khủng bố IS, Jabhat Al Nusra.
Mọi nỗ lực thành lập liên minh quốc tế chống IS với sự tham gia tích cực của Mỹ và Nga đi vào ngõ cụt, những lời kêu gọi liên kết lại trước mối đe dọa chung đang bị treo lơ lửng. Một mặt, cuộc đấu tranh với IS vẫn đang là chủ đề chính của nền chính trị thế giới: phần lớn các diễn đàn quốc tế năm ngoái đã không thể không bàn thảo về nó.
Mặt khác, một số lượng kỷ lục các nỗ lực ngoại giao cuối cùng đều không đạt được giải pháp mang tính chất đột phá, có khả năng cho phép biến cuộc đấu tranh chống IS tại Syria thành kế hoạch toàn cầu đúng nghĩa.
Chiến dịch chống IS của Nga tại Syria đã thực sự trở thành xuất phát điểm cho việc ra đời một trung tâm Hối giáo tiến bộ nhằm đấu tranh với các phần tử Hồi giáo cực đoan đang xây dựng Caliphate (vương quốc Hồi giáo) toàn cầu của mình. Sau khi chiến dịch không kích của Nga bắt đầu, giải pháp mở ra một trung tâm liên kết phối hợp cuộc chiến với IS tại Baghdad, có nhiệm vụ đồng bộ hóa các hoạt động của Nga, Iran, Iraq và Syria đã trở thành giai đoạn chuyển tiếp trong lộ trình xây dựng thành một liên minh quốc tế chống khủng bố do Nga đứng đầu.
Sau sự kiện này trên các phương tiện truyền thông phương Tây đã xuất hiện thông tin về việc, vài nghìn quân nhân Iran đang chiến đấu Syria, cùng với các lực lượng “Hezbollah” tham gia vào các trận chiến trên bộ, điều mà liên minh phương Tây không thể làm. Mũi nhọn chiến đấu tấn công vào IS, Al-Nusra và các tổ chức cực đoan khác của quân đội chính phủ Syria, mà trước đó họ vô cùng vất vả chống lại các cuộc tấn công. Thực tế, quân đội Nga đã chiến đấu rất hiệu quả hơn so với những bước đi của các quốc gia Phương Tây.
Thời điểm cuối nhiệm kỳ, tổng thống Obama bắt đầu cuộc đấu tranh với IS trước, không ngờ đã ở vào vị thế của kẻ phải lựa thế. Không chỉ các đảng viên Cộng hòa, mà cả ứng viên tranh cử ghế tổng thống của đảng Dân chủ Hilary Clinton cũng chỉ trích những chính sách của tổng thống.
Kết quả là, cuộc chiến chống khủng bố mang tầm cỡ quốc tế đang bị chia xẻ bởi nhiều cực khác nhau, trong đó có Liên minh do Mỹ dẫn đầu, liên minh Nga Iran Iraq và các lực lượng vũ trang tự phát, liên minh do Ả rập Xê út mới thành lập và những nước láng giềng Syria đang lôi kéo các lực lượng “đối lập ôn hòa”.