Chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc, 62 quốc gia yêu cầu điều tra dịch bệnh COVID-19 tại Đại hội Y tế thế giới

VietTimes – Tổng cộng đã có hơn 4,75 triệu người trên thế giới bị mắc bệnh COVID-19, hơn 313.800 người đã chết. Đại hội Y tế Thế giới (WHA) năm nay của Tổ chức Y tế Thế giới sẽ khai mạc vào 18/5.  62 quốc gia sẽ đệ trình dự thảo nghị quyết yêu cầu Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom tiến hành điều tra độc lập về vụ đại dịch.
Đại hội Y tế thế giới năm nay khai mạc ngày 18/5 sẽ quyết định nhiều vấn đề lớn liên quan đến Trung Quốc (Ảnh: WHO)
Đại hội Y tế thế giới năm nay khai mạc ngày 18/5 sẽ quyết định nhiều vấn đề lớn liên quan đến Trung Quốc (Ảnh: WHO)

Theo trang tin Đông Phương, Hồng Kông, Đại hội y tế thế giới năm nay được tổ chức dưới dạng hội nghị truyền hình trực tuyến trong hai ngày 18 và 19/5. WHA là cơ quan quyết sách cao nhất của WHO, chịu trách nhiệm xác định các chính sách của WHO và phê duyệt ngân sách. Theo chương trình đại hội, ông Tedros Adhanom và trưởng phái đoàn của các quốc gia thành viên sẽ phát biểu về tình hình dịch bệnh COVID-19. Các năm trước đây, WHA được tổ chức vào tháng 5 hàng năm tại Geneva, Thụy Sĩ, nhưng năm nay nó đã phải thay đổi phương thức họp do dịch bệnh COVID-19 diễn ra trên khắp thế giới.

Đây là kỳ đại hội đầu tiên của Tổ chức Y tế Thế giới sau khi đại dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Dự kiến các chủ đề trọng tâm, tiêu điểm của đại hội sẽ là hiệu quả ban đầu của Trung Quốc đại lục trong việc đối phó với dịch bệnh và vấn đề Đài Loan tham gia vào WHO.

Đông Phương đưa tin, The Australian tiết lộ vào Chủ nhật (17/5) rằng chính phủ Australia đã đề xuất một bản dự thảo nghị quyết yêu cầu điều tra độc lập tình hình dịch bệnh và sẽ đệ trình lên Đại hội đồng để thảo luận vào ngày thứ ba (19/5). Văn bản dự thảo này nhận được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên EU, Vương quốc Anh, Nhật Bản, Canada và Nga.

Nhiều quốc gia thành viên WHO yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc virus Corona mới, bị Trung Quốc phản đối (Ảnh: Creaders).
Nhiều quốc gia thành viên WHO yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc virus Corona mới, bị Trung Quốc phản đối (Ảnh: Creaders).

Theo The Australian, từ ngữ của văn bản dự thảo này gay gắt hơn nhiều phiên bản dự thảo do EU chuẩn bị, yêu cầu ông Tedros Adhanom triển khai trong thời gian sớm nhất có thể một cuộc điều tra, đánh giá công bằng, độc lập và toàn diện về phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với dịch bệnh, hành động của WHO và thời gian biểu dịch bệnh bùng phát. Mặc dù Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi tất cả các nước ủng hộ điều tra về nguồn gốc của dịch bệnh, nhưng Mỹ lại không tham gia vào dự thảo được sự ủng hộ rộng tãi này.

Đông Phương cho biết, danh sách các quốc gia cùng nhau ủng hộ dự thảo nghị quyết này, gồm: Albania, Australia, Bangladesh, Belarus, Bhutan, Botswana, Brazil, Canada, Chile, Colombia, El Salvador, Guatemala, Iceland, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Mexico, Monaco, Montenegro, Mozambique, New Zealand, Bắc Macedonia, Na Uy, Paraguay, Peru, Hàn Quốc, Moldova, Nga, San Marino, Sierra Leone, Nam Phi, 27 quốc gia thành viên EU, Thổ Nhĩ Kỳ, Ukraine, Vương quốc Anh và Zambia

Trang tin Hoa ngữ Creaders ngày 17/5 dẫn nguồn tin từ cộng đồng ngoại giao EU nói, WHA sẽ yêu cầu Tổ chức Y tế Thế giới và ông Tedros Adhanom  khởi động quy trình “đánh giá dịch bệnh COVID-19” càng sớm càng tốt, nhằm mục đích thảo luận về phản ứng của cộng đồng quốc tế đối với cuộc khủng hoảng y tế và các biện pháp liên quan của WHO. Dự thảo nghị quyết cũng kêu gọi “tìm ra nguồn gốc của coronavirus mới, từ đó xác định con đường mà virus này từ động vật lây sang người”.

Mỹ và một số quốc gia thành viên cho rằng WHO thiên vị, đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Reuters).
Mỹ và một số quốc gia thành viên cho rằng WHO thiên vị, đứng về phía Trung Quốc trong vấn đề dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: Reuters).

Bản thân vấn đề “Xác định nguồn gốc của virus” rất nhạy cảm đối với Bắc Kinh. Washington luôn cáo buộc Bắc Kinh che đậy quy mô của đại dịch COVID-19, nói WHO thiên vị Bắc Kinh và chấp nhận tuyên bố của Bắc Kinh rằng họ “có thể phòng ngừa và kiểm soát được” trong lúc dịch bệnh đã rất nghiêm trọng mà không kịp thời tuyên bố tình hình dịch ở Vũ Hán đã tạo thành sự kiện khủng hoảng y tế mang tính toàn cầu. Sau đó, ông Trump đã ra lệnh đình chỉ nộp hội phí cho WHO.

Creaders cho rằng, các chủ đề được thảo luận tại đại hội lần này rất phức tạp: Cải cách WHO, khôi phục tư cách quan sát viên của Đài Loan tại WHA, cơ hội tiếp cận với vắc-xin của các nước trên thế giới; và quan trọng nhất là gửi một phái đoàn chuyên gia quốc tế đến Trung Quốc để tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của virus. Rất nhiều chủ đề kích động sự giận dữ của Trung Quốc, nhưng vấn đề trung tâm gây ra cuộc đối đầu khốc liệt giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn là vấn đề về nguồn gốc của virus. Mỹ, Australia và Vương quốc Anh đã yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế về vấn đề này. Họ nghi ngờ Bắc Kinh đã che giấu một sự cố tại Viện nghiên cứu virus Vũ Hán gây nên dịch bệnh do virus Corona mới và cuối cùng dẫn đến đại dịch trên toàn cầu. Ngoài ra, Liên minh châu Âu cũng sẽ trình trước WHA một dự thảo nghị quyết về tiến hành “điều tra độc lập” về đại dịch COVID-19.

Mỹ cũng đang cáo buộc Trung Quốc có ý đồ đánh cắp thành quả nghiên cứu của Hoa Kỳ về vắc-xin coronavirus mới. Tổng thống Mỹ Trump hôm 14/5 thậm chí còn đe dọa cắt đứt mọi quan hệ với Bắc Kinh và tuyên bố “Tôi không muốn nói chuyện với ông Tập Cận Bình vào lúc này”.

Đồng thời, chính phủ Mỹ cho rằng Tổ chức Y tế Thế giới đã bỏ qua một thông báo khẩn cấp mà Đài Loan đã gửi cho họ về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh khi Vũ Hán mới bùng phát dịch; cho đến nay WHO vẫn không chịu thừa nhận. Tuy nhiên, với sự ủng hộ của một số quốc gia, Mỹ đã yêu cầu Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom mời Đài Loan tham gia Đại hội Y tế Thế giới. Động thái này bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ.

Dịch bệnh COVID-19 hiện đã lây lan khắp toàn cầu khiến hơn 4,75 triệu người trên toàn thế giới bị mắc bệnh (Ảnh: AP)
Dịch bệnh COVID-19 hiện đã lây lan khắp toàn cầu khiến hơn 4,75 triệu người trên toàn thế giới bị mắc bệnh (Ảnh: AP)

Cho đến năm 2016, Đài Loan vẫn được hưởng quy chế quan sát viên của WHO. Sau khi bà Thái Anh Văn của đảng DPP được bầu làm người đứng đầu chính quyền Đài Loan, đã từ chối chấp nhận nguyên tắc “Đồng thuận 1992” do Trung Quốc đại lục đề xuất. Do sự vận động của Bắc Kinh, từ đó Đài Loan bị gạt ra ngoài WHO.

Đáp lại yêu cầu của Mỹ và các quốc gia khác, Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố rằng 194 quốc gia thành viên sẽ quyết định có chấp nhận sự tham gia của Đài Loan vào WHA hay không. Điều mọi người cần biết bây giờ là liệu các quốc gia có bỏ phiếu thông qua vấn đề này tại hội nghị trực tuyến hay không.

Hai vấn đề lớn đều trực tiếp nhằm đến Bắc Kinh và liên quan đến Đài Loan, Bắc Kinh sẽ làm hết sức để ngăn chặn. Bà Thái Anh Văn, người sắp tổ chức lễ nhậm chức nhiệm kỳ 2 vào ngày 20/5, đã từ chối công nhận “Đồng thuận 1992”,  nghiêm khắc phê phán thuyết “một quốc gia, hai chế độ” và nhấn mạnh Đài Loan không phải là Trung Quốc. Bắc Kinh rất khó dung thứ việc Đài Loan được gia nhập WHO nhờ thành tích chống dịch được quốc tế công nhận.

Đối với cuộc điều tra độc lập quốc tế về nguồn gốc của đại dịch COVID-19, Bắc Kinh luôn công kích động cơ của các quốc gia liên quan kêu gọi điều tra nguồn gốc của virus Corona mới, chỉ trích đó là sự “thao túng chính trị”. Hôm thứ Bảy (16/5), tờ SCMP của Hồng Kông đã đưa tin nói cộng đồng quốc tế đã chỉ trích rộng rãi Trung Quốc lúc đầu che giấu dịch bệnh Vũ Hán, và sau đó lại áp dụng thái độ hiếu chiến để cố gắng định hình lại dịch bệnh. Trung Quốc lo ngại cuộc điều tra độc lập của quốc tế  sẽ làm tổn hại thêm hình ảnh quốc tế của họ.