Chỉ Việt Nam thực sự là đối tác quân sự “nặng ký” ở Biển Đông

VietTimes -- Nhìn từ Lầu Năm Góc thì chỉ có một đất nước thực sự có thể là một đối tác quân sự và một nhân tố có trọng lượng tại khu vực Biển Đông, và đó chính là Việt Nam, hãng tin AP dẫn lời chuyên gia Mỹ Marvin Ott nhận định.
Lực lượng đặc công trinh sát của quân đội Việt Nam anh hùng
Lực lượng đặc công trinh sát của quân đội Việt Nam anh hùng

Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp công du Việt Nam và trở thành tổng thống Mỹ thứ ba thăm đất nước này kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc. Chuyến đi của ông Obama còn bao gồm cả Nhật Bản, sẽ hoàn tất nhiều vấn đề ưu tiên, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Tuy nhiên, tại Việt Nam vấn đề lớn và được chú ý nhất là liệu ông Obama có công bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội hay không. Hiện nay, Mỹ đã dỡ bỏ một phần việc bán một số thiết bị hàng hải cho Việt Nam, nhưng chưa chấm dứt hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí này.

Theo Reuteurs và một số hãng truyền thông khác, chính phủ Việt Nam hồi năm ngoái đã trở thành nước mua sắm vũ khí đứng thứ 8 thế giới. Việt Nam đã quan tâm tới việc mua các máy bay trực thăng và chiến đấu cơ của Mỹ. Đại diện của nhiều hãng sản xuất vũ khí Mỹ được cho là đã tới Việt Nam tham dự một cuộc hội nghị chuyên đề về quốc phòng tuần qua, trong đó bàn về khả năng mua các máy bay trực thăng và chiến đấu cơ, theo Reuteurs.

Trở ngại duy nhất hiện nay là trong nội bộ chính giới Mỹ đang tranh cãi về vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Một số nhà quan sát cho rằng về phương diện này Việt Nam đã có sự cải thiện, thậm chí còn tốt hơn một số đồng minh của Mỹ ở Trung Đông như Ai Cập, Arabia Saudi…

Hãng Bloomberg có hẳn bài xã luận với tựa đề "Tiến lên, hãy bán vũ khí cho Việt Nam" cho biết, thượng nghị sĩ John McCain đã nói thẳng một lý do xác đáng để Mỹ dỡ bỏ cấm vận vũ khí hoàn toàn với Việt Nam: đó là Trung Quốc. Một Việt Nam được vũ trang tốt hơn, triển khai các vũ khí Mỹ có thể là một đối tác hùng mạnh hơn trong những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, đó không phải là lý do duy nhất hay thậm chí là thuyết phục nhất để dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí.

Tàu ngầm kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam
Tàu ngầm kilo và chiến hạm Gepard của hải quân Việt Nam

Hơn 40 năm sau khi Mỹ rút khỏi Sài Gòn, và hai thập kỷ sau khi hai nước cựu thù khôi phục quan hệ ngoại giao, cấm vận vũ khí vẫn còn là một tàn dư rơi rớt lại. Mỹ đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam, sau Trung Quốc. Các tập đoàn Nike và Intel đã làm ăn lớn tại đây và Mỹ đang trên đường trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Việt Nam cũng đã có những nhượng bộ to lớn để thông qua TPP. Dỡ bỏ hạn chế còn lại đối với vũ khí sát thương sẽ khẳng định tiến trình bình thường hóa quan hệ tốt đẹp.

Bloomberg cũng nhấn mạnh, Việt Nam đã trở thành một trong các quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Từ năm 2011 đến 2015, Hà Nội chủ yếu mua sắm vũ khí từ Nga, tăng tới gần 700%. Lãnh đạo Việt Nam sẽ hứng thú với các thiết bị tối tân của Mỹ và Hà Nội đang thương thảo với các tập đoàn Boeing, Lockheed Martin cũng như các nhà thầu quốc phòng lớn khác của Mỹ.

Theo chuyên gia Joshua Kurlantzickj trên National Interest, Việt Nam có tầm quan trọng chiến lược rất lớn trong việc xây dựng quan hệ hợp tác quốc phòng với Mỹ, bao gồm việc bán vũ khí. Không giống như các nước láng giềng Thái Lan, Myanmar, Philippines hay Campuchia, Việt Nam có một quân đội tính chuyên nghiệp cao (tất nhiên, Thái Lan và Philippines là những đồng minh có hiệp ước với Mỹ, nhưng quân đội các nước này thường chứng tỏ sự yếu kém trong nhiệm vụ, chỉ giỏi can thiệp vào các vấn đề chính trị nội bộ).

National Interest nhấn mạnh, người dân Việt Nam rất thân thiện với Mỹ, sự hỗ trợ về an ninh và kinh tế của Mỹ đối với chính quyền có vẻ không gây tác động tới tâm lý ủng hộ Mỹ, theo cách đã xảy ra như ở Malaysia, Thái Lan và Campuchia. Quan trọng hơn cả, Việt Nam có giá trị chiến lược to lớn do án ngữ Biển Đông và là một đối trọng then chốt tiềm năng trước tham vọng thống trị của Trung Quốc đối với tuyến hải lộ mang tính sống còn này.

Mong muốn của Việt Nam cũng phù hợp với lợi ích chiến lược của Mỹ , được cho là muốn tìm thêm đồng minh và đối tác trong khu vực để ngăn không cho Trung Quốc áp đặt luật chơi riêng của Bắc Kinh trong toàn khu vực.

Trả lời hãng tin Mỹ AP, ông Marvin Ott, nguyên giảng viên tại trường Hải chiến Mỹ, đã nêu bật tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam trong chính sách xoay trục của Mỹ qua châu Á, đặc biệt là về mặt quân sự tại khu vực Biển Đông.

Đối với chuyên gia này, trong số các quốc gia ven Biển Đông có thể trở thành đối tác quân sự của Mỹ và không chạy theo Trung Quốc, Việt Nam là nước có năng lực nhất. Indonesia tuy lớn nhưng không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, mặc dù hai bên có yêu sách biển chồng chéo trên biển; Philippines là một đồng minh của Mỹ, nhưng quân đội lại rất yếu kém; Malaysia và Brunei thì lại không sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc.

Chuyên gia Marvin Ott kết luận: «Nhìn từ Lầu Năm Góc thì chỉ có một đất nước thực sự có thể là một đối tác quân sự và một nhân tố có trọng lượng tại vùng Biển Đông, và đó chính là Việt Nam».

Khẩu đội tên lửa chống hạm Bastion P của Việt Nam
Khẩu đội tên lửa chống hạm Bastion P của Việt Nam

National Interest đánh giá, quân đội Việt Nam được huấn luyện tốt và lãnh đạo Việt Nam ngày càng tỏ rõ mong muốn từ bỏ chiến lược cân bằng giữa Bắc Kinh và Washington để nghiêng về quan hệ đối tác khăng khít hơn với Mỹ, theo National Interest. Việt Nam còn là một lãnh đạo của ASEAN và một trong những quốc gia tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Mặc dù có chậm lại so với đỉnh cao hồi đầu những năm 2000, nhưng GDP Việt Nam vẫn dự báo tăng 6,3% trong năm 2016 và 6,2% năm 2017 theo đánh giá của IMF.

So với những chính thể đang có xu hướng gia tăng sự độc đoán ở Thái Lan, Malaysia và mới nhất là Philippines, Việt Nam nên là một ngoại lệ. Mỹ có thể tiếp tục vừa thúc đẩy cải thiện nhân quyền, vừa dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí. Tầm quan trọng của Việt Nam đối với an ninh của Mỹ tại châu Á và an ninh của các đối tác của Mỹ nên được đặt lên trên tất cả mọi vấn đề khác, National Interest khuyến nghị.

Theo Bloomberg, sử dụng các trang bị, vũ khí Mỹ sẽ khiến lực lượng của Việt Nam phối hợp tốt hơn với các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản và Philippines, có thể tham gia tuần tra chung ở Biển Đông. Việc này cũng giúp mở rộng khả năng tập trận với Mỹ cũng như có thể tăng cơ hội để hải quân Mỹ có thể lại được tiếp cận cảng Cam Ranh.