“Chi lãi ngoài” tại Ocean Bank: “Nếu bị cáo không làm thì ngân hàng sẽ sụp đổ”

VietTimes – “Hoàn cảnh vi phạm của bị cáo trong tình thế rất đặc biệt. Nếu bị cáo không làm thì ngân hàng sẽ sụp đổ. Và bị cáo đã ra chỉ thị dừng nhưng sau đó lại phải khởi động lại vì nếu không sẽ bị mất thanh khoản”.
Hà Văn Thắm trong phiên xử sáng 31/08. (Ảnh: K.T)
Hà Văn Thắm trong phiên xử sáng 31/08. (Ảnh: K.T)

Ngày xét xử thứ tư của phiên tòa sơ thẩm “đại án” Ocean Bank (31/08/2017), Hội đồng Xét xử (HĐXX) tiếp tục xét hỏi các bị cáo và người có liên quan để làm rõ cáo buộc mà cơ quan công tố nêu trong cáo trạng. Các xét hỏi đều tập trung vào nội dung “chi lãi ngoài” (chi ngoài lãi suất huy động vốn cho các khách hàng).

Theo cáo trạng, kết quả điều tra xác minh tại Hội sở Ngân hàng Đại Dương - Ocean Bank (OJB) xác định, trong thời gian từ năm 2010 đến 31/11/2014, tổng số tiền OJB đã sử dụng để chi lãi ngoài là 1.576 tỷ đồng, lấy từ các nguồn của OJB, gồm: Chi từ nguồn tạm ứng thực hiện nghiệp vụ (925 tỷ đồng); Chi thẳng, hạch toán vào tài khoản chi trả lãi tiền gửi (621 tỷ đồng); Chi từ tài khoản của Vũ Thị Thùy Dương – Giám đốc khối Kế toán (30 tỷ đồng).

Số tiền 1.576 tỷ đồng được sử dụng qua 3 kênh: Chi cho các cá nhân là Lãnh đạo Hội sở và Lãnh đạo các Chi nhánh thuộc OJB trực tiếp nhận và chi tiền mặt là 1.023 tỷ đồng; Hội sở chuyển thẳng số tiền chi lãi ngoài cho các khách hàng cá nhân gửi tiết kiệm tại Chi nhánh là 66 tỷ đồng; Hội sở OJB chuyển cho 54 Chi nhánh, Phòng Giao dịch và khối Khách hàng Doanh nghiệp để chi lãi ngoài huy động vốn là 476 tỷ đồng; Nguyễn Minh Thu sử dụng chi 11 tỷ đồng.

Cáo trạng xác định, hoạt động “chi lãi ngoài” nêu trên đã gây thiệt hại cho OJB 1.576 tỷ đồng (cũng chính là số tiền OJB đã sử dụng để “chi lãi ngoài”). Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao đã truy tố Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn và các đồng phạm (bao gồm lãnh đạo các phòng ban trên Hội sở và 34 Giám đốc các Chi nhánh, Phòng giao dịch) hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

“Bị cáo không đồng ý”

Trả lời HĐXX, Hà Văn Thắm cho biết, chủ trương “chi lãi ngoài” ở OJB có từ khoảng đầu năm 2009 cho đến khi bị cáo bị bắt.

Thắm khẳng định không có sự thống nhất trong HĐQT OJB khi đề ra chủ trương này. “Chỉ có bị cáo và anh Sơn”, Hà Văn Thắm nói.

Theo ông Thắm, khi đưa chủ trương ra thì trong hệ thống ngân hàng, mọi người đều đồng thuận, “trừ nhóm kế toán phản đối”.

Về nguồn tiền để trả lãi ngoài, bị cáo Thắm khai, “thu từ việc cho vay ra, thu từ bên bán trả cho bên mua”.

“Khi bị cáo cho vay có nâng lãi suất không?”, Tòa hỏi.

Hà Văn Thắm: “Mức cho vay của Đại Dương chênh lệch với huy động thường 4%-4,5% - không có khoản vay nào bị lỗ. Bị cáo đều mời cty kiểm toán Deloitte – kiểm toán rất minh bạch. Hàng ngày, bộ phận kế toán của Đại Dương đều phải báo cáo với NHNN (theo hệ thống corebanking) – thanh tra giám sát biết được từng ngày. Nguồn doanh thu thu cho vay cao hơn trả cho nguồn huy động vào (trong và ngoài hợp đồng).”

Bị cáo Thắm dẫn lại một thông tin được công bố trong vụ án tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), đó là có 29 ngân hàng vi phạm chi trả lãi suất ngoài trên tổng số 34 ngân hàng ở Việt Nam lúc đó.

“Trong cáo trạng nêu hoạt động chi ngoài lãi suất của Ocean Bank ảnh hưởng đến chính sách điều hành của NHNN. Bị cáo không đồng ý”, Hà Văn Thắm nói.

Bị cáo này phân trần rằng, tại thời điểm xảy ra việc này, Thống đốc NHNN đã họp với các ngân hàng để thông báo chỉ thị không vượt trần lãi suất. Nhóm này là G14. OJB không được tham gia G14 – là nhóm nắm 80% tổng huy động .

Theo bị cáo Thắm, OJB chỉ nắm 17% tổng huy động nên có làm gì cũng không ảnh hưởng đến thị trường huy động. Hà Văn Thắm dẫn chứng rằng, một số ngân hàng bị công bố chi vượt trần thì một số Giám đốc Chi nhánh bị phạt cách chức 2, 3 năm. Với ngân hàng nhỏ như Oceanbank thì không những không làm ảnh hưởng  thị trường mà ngược lại, bị ảnh hưởng theo.

“Thống đốc chỉ đạo không được chi vượt trần với G14/G15. Bị cáo cho rằng với việc ngân hàng nhỏ như Ocean Bank thì có làm gì làm nữa cũng không ảnh hưởng đến. Bị cáo nghĩ Chỉ thị 02 là bắt buộc để chống lạm phát, đi ngược lại với chủ trương phát triển theo thị trường, nó là phi thị trường. Ngân hàng đi đêm với khách hàng là phản ứng phụ của liều thuốc chống lạm phát, mong quý toà xem xét”, Hà Văn Thắm trình bày.

“Nếu bị cáo không làm thì ngân hàng sẽ sụp đổ”

Theo Hà Văn Thắm: “Hoàn cảnh vi phạm của bị cáo trong tình thế rất đặc biệt. Nếu bị cáo không làm thì ngân hàng sẽ sụp đổ. Và bị cáo đã ra chỉ thị dừng nhưng sau đó lại phải khởi động lại vì nếu không sẽ bị mất thanh khoản”.

Trước đó, khi được Tòa hỏi “có thời điểm Ocean Bank rơi vào tình trạng mất thanh khoản không?”, bị cáo Nguyễn Hoài Nam – nguyên Giám đốc Khối Nguồn vốn, người chịu trách nhiệm đảm bảo thanh khoản, nói rằng, có 3 lần xảy ra khủng hoảng thanh khoản ở OJB: Lần đầu vào giữa năm 2008; Lần 2 vào năm 2011 và lần 3 vào giữa năm 2012 - khi ngân hàng dừng chi lãi ngoài.

Nguyễn Hoài Nam khai rằng, khi dừng chi lãi ngoài, thì khách hàng của Ocean Bank chỉ có rút tiền ra. Tuy nhiên, Ocean Bank chưa bao giờ để xảy ra tình trạng mất thanh khoản.

Theo bị cáo Nam, khi Chủ tịch Hà Văn Thắm và Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh Thu bị bắt, “4 tháng trời bị cáo và các anh chị em rất khó khăn (thanh khoản) do khủng hoảng truyền thông. Tội danh bị gán cho các anh chị rất khó chấp nhận”.

Bị cáo Nam khẳng định bản thân trên cương vị Giám đốc Khối Nguồn vốn “không liên quan đến dòng tiền nào của ngân hàng, bị cáo không nhận thức được số tiền chi ra trái quy định”.

Tương tự Nguyễn Hoài Nam và Hà Văn Thắm, bị cáo Nguyễn Thị Thu Ba – nguyên Giám đốc Khối Bán lẻ OJB từ tháng 5/2011, rồi Giám đốc Khối quản trị rủi ro OJB từ tháng 8/2012, nói rằng: Bị cáo có biết Ocean Bank chi trả lãi ngoài nhưng nhận thức thời điểm đó là phản ứng bắt buộc trong bối cảnh thị trường khó khăn để cứu ngân hàng, đảm bảo thanh khoản.

Ba phân tích, năm 2011, lạm phát 18,58% trong khi huy động áp trần 14%. Người dân đòi hỏi không hề vô lý, tuân theo nguyên tắc thị trường. “Bị cáo lại hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng nên bị cáo hiểu tình trạng đó thanh khoản mất trầm trọng thế nào, việc nhiều ngân hàng bắt buộc giữ nguồn thanh khoản của mình, bắt buộc phải tham gia vào phản ứng lãi suất”.

Liên quan đến cáo buộc gây thiệt hại cho Ocean Bank 1.576 tỷ đồng vì chủ trương “chi lãi ngoài”, theo Hà Văn Thắm, “bị cáo nghĩ không có thiệt hại gì”.

Hà Văn Thắm lý giải: Bị cáo là cổ đông rất lớn của Ocean Bank, bị cáo không dại gì gây thiệt hại cho Ocean Bank. Bị cáo huy động được đồng nào cho vay đồng đấy. Ocean Bank luôn luôn cân đối ở mức tốt nhất, tất cả các tiền huy động được tận dụng triệt để, huy động đều cho vay có lãi.

“Ocean Bank chỉ có 1 hệ thống sổ sách và Core Banking xác định những gì bị cáo nói là đúng”, cựu Chủ tịch Ocean Bank khẳng định./.