Chỉ có 203.000 người tự nguyện tham gia BHXH

VietTimes -- Tính đến hết ngày 31/12/2016, cả nước có hơn 13 triệu người lao động tham gia BHXH, chiếm khoảng 24,1% lực lượng lao động. Nhưng tham gia BHXH tự nguyện chỉ có 203 nghìn người, còn 12,9 triệu người là tham gia BHXH bắt buộc

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đánh giá, đây là con số quá khiếm tốn so với số người lao động hiện nay.

Tuy nhiên, xét trên tổng thể, trong năm 2016, BHXH Việt Nam đã hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản được giao. Cụ thể, số người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 76 triệu người (đạt 101,5% kế hoạch), số thu đạt 101,5% kế hoạch giao, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn quốc là 81,8% dân số, vượt 2,8% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã được kiểm soát, giảm về số tiền và tỷ lệ trên số phải thu so với cuối năm 2015. Đến 31/12/2016, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 7.580 tỷ đồng, chiếm 3,22% so với số phải thu (số nợ cùng kỳ năm ngoái là gần 10.000 tỷ đồng, chiếm 4,88% so với số phải thu).

Bảo hiểm xã hội cũng cho biết, năm 2016, ngành BHXH thanh toán chi phí KCB BHYT cho hơn 146 triệu lượt người (tăng gần 13%), vượt quỹ KCB BHYT là hơn 5.000 tỉ đồng.

Nguyên nhân của tình trạng vượt quỹ là do điều chỉnh giá dịch vụ y tế theo Thông tư 37 của liên Bộ Y tế và Tài chính, mức giá dịch vụ y tế tăng cao, đặc biệt là tiền công khám bệnh, ngày giường bệnh, quy định thông tuyến làm tăng chi phí KCB do tần suất KCB, đặc biệt là ở bệnh viện tuyến huyện; ngoài ra còn do nguyên nhân lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT từ cả người tham gia BHYT và cơ sở KCB.

Năm 2017, BHXH Việt Nam xác định một trong các nhiệm vụ trọng tâm quan trọng là tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, phấn đấu hoàn thành việc tin học hóa các hoạt động của Ngành theo đúng lộ trình, nhất là các hoạt động liên quan đến phục vụ người dân, doanh nghiệp; xây dựng hệ thống BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu quả cao...