Kỳ 3:

Châu Á – Thái Bình Dương: Nguy cơ xung đột cục bộ gia tăng song ít khả năng nổ ra chiến tranh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
LTS: Cấu trúc an ninh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương chịu tác động do cọ xát chiến lược của các nước lớn. Điều này khiến cho nguy cơ xung đột cục bộ gia tăng, song ít khả năng nổ ra chiến tranh; Thiếu tướng, TS Đỗ Lê Chi đã nhận định như vậy trong cuốn sách “Việt Nam trước tác động của cấu trúc an ninh tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương” được Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản.
Thiếu tướng, TS Đỗ Lê Chi
Thiếu tướng, TS Đỗ Lê Chi

Các tranh chấp, bất đồng được xử lý bằng các cơ chế linh hoạt, trong đó pháp lý trở thành công cụ quan trọng hơn

Hình thức xử lý các tranh chấp, bất đồng trên lĩnh vực an ninh có nhiều thay đổi trong 10 năm qua, trong đó luật pháp quốc tế trở thành một công cụ rất quan trọng.

Điển hình là năm 2013, Philíppin kiện lên Tòa trọng tài của Liên hợp quốc về tính pháp lý của “đường chín đoạn” và một số vấn đề khác liên quan tranh chấp tại Biển Đông, và phán xét của Tòa trên thực tế đã có ý nghĩa bác bỏ “chủ quyền đường lưỡi bò” của Trung Quốc.

Vụ việc này diễn ra theo một số vụ việc trước đó mà các nước Đông Nam Á giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại các tòa án của Liên hợp quốc, trong đó có việc Campuchia đưa vấn đề tranh chấp đền Preah Vihear với Thái Lan lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc năm 1962 và hai nước thỏa thuận đưa lại vấn đề này lên Tòa Công lý quốc tế (ICJ) năm 2008.

Tranh chấp giữa Xingapo và Malaixia về chủ quyền đảo Pedra Branca/Pulau Batu được đưa ra Tòa án Công lý quốc tế năm 2003 và đến năm 2008 Tòa ra phán quyết hòn đảo thuộc về Xingapo, nhưng đến năm 2017, Malaixia tiếp tục đề nghị Tòa xem xét lại phán quyết. Trong vụ việc này, hai nước áp dụng hình thức xử lý tranh chấp của Malaixia và Inđônêxia về chủ quyền của hai đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan tại Tòa án Công lý quốc tế vào năm 1998.

Tranh chấp lãnh thổ trên biên giới giữa Việt Nam và Campuchia cũng nổi lên. Năm 2015, một nhóm người Campuchia dẫn đầu là hai luật sư CNRP va chạm với người dân ở tỉnh Long An, tiếp giáp phía Việt Nam tỉnh Svayriêng của Campuchia. Chính quyền Campuchia gọi đây là nhóm người yêu nước. Thủ tướng Hun Sen đã viết thư lên Liên hợp quốc yêu cầu cung cấp bản đồ thời thuộc địa để xem lại quá trình phân định biên giới và cho rằng có thể một số điểm phân định chưa chính xác. Thủ tướng Campuchia Hun Sen đề cập việc sẽ đưa vấn đề này lên Tòa án Công lý quốc tế.

Tuy vụ việc sau đó đã được hai bên dàn xếp qua kênh song phương, nhưng đây là một diễn biến rất đáng chú ý. Có thể thấy việc xử lý tranh chấp, bất đồng bằng công cụ pháp lý đang trở thành xu hướng chính trong xử lý quan hệ quốc tế trong tình hình mới. Bên cạnh đó, các hình thức giải quyết các tranh chấp, bất đồng cũng được điều chỉnh linh hoạt, xuất phát từ quan điểm, lợi ích của các bên liên quan trực tiếp.

Điển hình là vấn đề hạt nhân Triều Tiên: Có xu hướng chuyển từ hình thức đàm phán sáu bên sang hình thức “song phương” giữa ba bên gồm Triều Tiên, Hàn Quốc và Mỹ. Trong hai năm qua, hàng chục cuộc gặp song phương cấp cao giữa ba nước nói trên đã diễn ra. Vấn đề Triều Tiên cho thấy cách thức giải quyết từ “đa phương” lại thu về “song phương”, xuất phát chủ yếu từ việc Triều Tiên đã tự tin hơn nhờ vào năng lực hạt nhân của mình, đồng thời không đặt niềm tin vào Trung Quốc, vào “liên minh” Trung - Nga trong bảo đảm lợi ích quốc gia.

Việt Nam có tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ với nhiều nước, trong đó đáng chú ý nhất là với Trung Quốc và một số nước ASEAN tại Biển Đông, và tranh chấp biên giới trên bộ với Campuchia. Việc giải quyết những tranh chấp này là một yếu tố chi phối đến môi trường an ninh khu vực thiết thân với Việt Nam. Xu hướng chung của các nước lớn trong xử lý tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ tại khu vực là: (i) kiên trì giải quyết tranh chấp với các nước nhỏ bằng các giải pháp “song phương”, lợi dụng thế mạnh áp đảo; và (ii) sử dụng tiến trình xử lý tranh chấp giữa các nước nhỏ để trục lợi, gia tăng ảnh hưởng của mình lên nước nhỏ. Trong bối cảnh đó, các nước nhỏ rất khó có thể giải quyết tranh chấp qua dàn xếp song phương mà cần tìm đến cách thức phân xử thông qua các tòa án quốc tế, theo luật quốc tế.

Cách thức này có thể giúp giải quyết bền vững các tranh chấp, đồng thời giúp cho an ninh của nước nhỏ không bị rơi vào tình trạng lệ thuộc vào một nước lớn cụ thể.

Cọ xát chiến lược, cạnh tranh ảnh hưởng nước lớn diễn biến phức tạp là nguyên nhân làm gia tăng các nguy cơ xung đột

Năm 2010 được đánh dấu bởi việc Chính quyền Obama thể hiện sự can dự trực tiếp vào Biển Đông với tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ ở Hà Nội, tháng 7/2010, rằng Mỹ có “lợi ích quốc gia” tại Biển Đông. Từ đó, Mỹ ráo riết tăng cường Chiến dịch Tự do Hàng hải và những hoạt động khác nhằm khẳng định quyền tự do đi lại của Mỹ cũng như hỗ trợ tăng cường năng lực kiểm soát biển của nước nhỏ tại Biển Đông.

Đến năm 2019, một số đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha cũng đã điều hoặc có kế hoạch điều tàu quân sự đến tham gia tuần tiễu ở Biển Đông.

Cùng với năng lực kiểm soát biển tăng lên, Trung Quốc cũng triển khai thêm nhiều hoạt động áp đặt “chủ quyền đường lưỡi bò”. Năm 2012, Trung Quốc chiếm đóng bãi Hoàng Nham/Scarborough được cho là nằm trên thềm lục địa của Philíppin.

Năm 2018, Trung Quốc được cho là đã ép Việt Nam hủy hợp đồng với nước ngoài thăm dò dầu khí tại lô 136/3 và lô 07/031. Năm 2019, Trung Quốc tiếp tục tiến một bước dài theo hướng này khi đưa tàu thăm dò HD8, được các tàu có vũ trang bảo vệ, tiến hành thăm dò ngay tại bãi Tư Chính trên thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc tạo tiền lệ, đẩy phạm vi “tranh chấp” ở Biển Đông vào sâu những điểm hoàn toàn thuộc chủ quyền hợp pháp của nước nhỏ, khẳng định Trung Quốc có “chủ quyền” thực sự trong phạm vi “đường chín đoạn” và Trung Quốc toàn quyền triển khai các hoạt động theo kế hoạch của mình.

Hoạt động nói trên xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng và đẩy họ vào tình thế buộc phải hành động theo hướng có thể dẫn đến xung đột vũ trang. Một số vụ va chạm trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các bên liên quan (đã xảy ra với Philíppin liên quan đến bãi Scarborough/Hoàng Nham; với Việt Nam liên quan đến vụ hạ đặt giàn khoan HD981).

Ngoài ra, một số nước khác như Mỹ cũng có các hoạt động Chiến dịch Tự do Hàng hải và không ngại có những va chạm với tàu thuyền Trung Quốc trên biển, như việc Mỹ cho tàu khu trục đi qua hoặc máy bay chiến đấu bay qua những khu vực có đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông mà không ngại những đáp trả của Trung Quốc. Các vụ va chạm Trung - Nhật tại biển Hoa Đông; xung đột biên giới Trung - Ấn (năm 2017) hai bên đưa quân đội và vũ khí mạnh áp sát biên giới sẵn sàng chiến đấu. Khủng hoảng bán đảo Triều Tiên khi Triều Tiên bắn pháo vào vùng lãnh thổ của Hàn Quốc trên biển Hồng Hải; Triều Tiên liên tục thử tên lửa, hạt nhân với tần suất dày đặc và mức độ lớn hơn rất nhiều so với 10 năm trước đó.

Tình hình trên kéo theo động thái chạy đua vũ trang giữa các nước, nhiều nước ưu tiên hiện đại hóa quân sự và khu vực châu Á - Thái Bình Dương luôn tiềm ẩn những nguy cơ, xung đột vũ trang, chủ yếu là giữa Trung Quốc với các bên liên quan.