Chật vật lo than cho phát điện trong khủng hoảng do mưa lũ

Mưa lũ kéo dài khiến ngành than gặp khó trong việc khôi phục sản xuất để cung cấp than cho các nhà máy nhiệt điện, và hiện nay do Cẩm Phả bị ngập lụt, ngành than đang phải phối trộn than từ các mỏ khác để cung cấp như một biện pháp tình thế.
Ngành than bị tổn thất trên 1.000 tỉ đồng do mưa lũ những ngày qua - Ảnh: Vinacomin.
Ngành than bị tổn thất trên 1.000 tỉ đồng do mưa lũ những ngày qua - Ảnh: Vinacomin.

Thông báo ngày 2-8 của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, đơn vị này sẽ nỗ lực để tiếp tục bốc xếp, sản xuất than cho điện, dự kiến sau khi hết mưa khoảng 4-5 ngày sẽ bắt đầu khôi phục khoảng 30-50% năng lực và sẽ ưu tiên số 1 cung cấp than cho nhiệt điện Duyên Hải 1, tiếp theo là Vĩnh Tân 2, Nghi Sơn, Vũng Áng ...

Hiện tại, mưa lũ còn phức tạp tại thủ phủ ngành than nên TKV đã chọn phương án sử dụng than Vàng Danh, Uông Bí, Mạo Khê và than pha trộn cho sản xuất điện của các nhà máy điện phía Nam. Cụ thể từ chiều ngày 31-7, TKV đã pha trộn để cấp than cho nhiệt điện Vĩnh Tân 2, chuyển tải than cấp cho nhiệt điện Duyên Hải 1...

Tuy nhiên, tin từ ngành khí tượng thủy văn cho thấy tình thế vẫn khá bất lợi cho ngành than khi từ nay đến ngày 4-8 các tỉnh Bắc Bộ vẫn tiếp tục mưa vừa, mưa to trên diện rộng. Cụ thể, bản tin dự báo mưa lũ ngày 2-8 của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết từ nay đến ngày 4-8 các tỉnh Bắc Bộ tiếp tục có mưa vừa, mưa to, và có “nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở tất cả các tỉnh vùng núi phía Bắc (đặc biệt là: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình) và ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông suối (đặc biệt là Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Yên Bái, Lạng Sơn).”

Còn theo TKV, hiện nay các mỏ than lộ thiên tranh thủ lúc ngớt mưa xử lý đất đá thông các tuyến đường, khôi phục tầng khai thác, tập trung sửa chữa các tuyến đường sắt, khi ngớt mưa tiếp tục rót than cho một số khách hàng xi măng, cung cấp than cho điện Vĩnh Tân, Vũng Áng, Duyên Hải.

TKV cho biết thiệt hại về tài sản, vật chất và chi phí do ngừng sản xuất, để khôi phục sản xuất là rất lớn với tổng thiệt hại dự kiến tại thời điểm 31-7 lên đến 1.000 tỉ đồng và có thể tăng cao hơn nếu thời tiết còn diễn biến phức tạp. Việc phải ngừng sản xuất vào các ngày cuối tháng 7 làm giảm sản lượng than sản xuất, tiêu thụ trên 0,5 triệu tấn.

Theo TBKTSG