Chà bông độn... bột mì, hóa chất

Chế biến chà bông để ăn thì làm sạch còn hàng bán ra thị trường thì lạm dụng phụ gia không rõ nguồn gốc, độn bột mì
Chà bông màu bắt mắt được sản xuất hết sức dơ bẩn
Chà bông màu bắt mắt được sản xuất hết sức dơ bẩn

Chủ cơ sở sản xuất chà bông “chui” nằm sâu trong hẻm trên đường Sư Đoàn 9 (ấp 3, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP HCM) thừa nhận như vậy khi cơ quan chức năng bắt quả tang lò chà bông bẩn này.

Tay không, ở trần

Trưa 20-10, theo đoàn kiểm tra Liên ngành huyện Bình Chánh ập vào kiểm tra cơ sở trên, phóng viên không khỏi rùng mình với những gì đang chứng kiến. Nơi sản xuất được bố trí phía sau nhà tạm cũ kỹ, chà bông đổ trên một tấm lót mỏng bám đầy bột mì và bụi bẩn, ngay bên dưới là nền đất nhếch nhác. Do điều kiện sản xuất dơ bẩn nên nhiều chỗ bốc mùi hôi thối và ruồi bu cả lớp đen trên đống chà bông đang phơi. Chưa hết, chủ cơ sở còn nuôi chó và để chúng tự do đi lại trên sàn nhà.

Khi đoàn kiểm tra ập vào, cơ sở hoạt động nhộn nhịp với 4-5 công nhân ở trần, mặc quần đùi và dùng tay trần bốc trộn chà bông ở hầu hết các công đoạn. Một góc khác, cả 10 chảo thịt đều đỏ lửa để thực hiện quy trình: luộc gà - tách thịt - xay - tẩm ướp - độn bột mì và sấy khô. Thành phẩm tại đây được cho vào túi ni-lông để lăn lóc trên nền nhà, không ghi nhãn mác.

Chủ cơ sở là ông Đoàn Văn Thương (SN 1972, quê Ninh Bình) cho biết đã hoạt động vài tháng nhưng chưa đăng ký kinh doanh, thành phẩm không đưa đi xét nghiệm và công bố chất lượng theo quy định. Chà bông thành phẩm được ông bỏ mối sỉ với giá từ 45.000 đồng - 70.000 đồng/kg.

Với nguyên liệu đầu vào là thịt gà giá khoảng 34.000 đồng/kg, cơ sở độn thêm 2 lần bột mì để tăng trọng lượng. Đáng chú ý, cơ sở còn sử dụng đường hóa học (sodium cyclamate) do Trung Quốc sản xuất (chữ ghi trên nhãn) mà không có nhãn phụ, không có hóa đơn chứng từ đầu vào. Đoàn Kiểm tra cho biết đây là phụ gia tạo vị “siêu ngọt” nhưng giá chỉ 50.000 đồng/kg nên được các chủ cơ sở ưu tiên sử dụng để giảm giá thành, bất chấp đến sức khỏe của người tiêu dùng. Thời điểm kiểm tra, ngoài một gói đang dùng dở, cơ sở còn trữ một bao có 12 gói, tương đương 12 kg.

Tiêu hủy, đình chỉ hoạt động

Ông Nguyễn Lân Trường - Phó Trạm Thú y huyện Bình Chánh, đại diện đoàn Kiểm tra - cho biết đoàn lập biên bản xử lý cơ sở do không đăng ký kinh doanh, nguyên liệu thịt đầu vào không có giấy chứng nhận kiểm dịch, điều kiện cơ sở sản xuất không bảo đảm vệ sinh. Đoàn yêu cầu cơ sở ngưng ngay hoạt động và chỉ được phép sản xuất khi được phép.

Về tang vật, đoàn tạm giữ gần 750 kg chà bông thành phẩm và toàn bộ đường hóa học để lấy mẫu xét nghiệm. Trong khi chờ xử lý, ông Thương xin tiêu hủy toàn bộ sản phẩm. Vì không tiêu hủy, cơ sở phải tốn chi phí lưu kho, xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm không đạt chất lượng, lô hàng cũng phải bị tiêu hủy.

Đến cuối buổi làm việc, ông Thương bất ngờ xin lại một gói chà bông nhỏ trong đống thành phẩm chuẩn bị tiêu hủy với lý do giữ lại để ăn. “Loại này làm riêng để con tôi ăn, không trộn bột mì và đường hóa học!” - ông Thương giải thích.

Cuối giờ chiều cùng ngày, toàn bộ lô hàng trên đã được tiêu hủy ở bãi rác Đông Thạnh (huyện Hóc Môn).

Chà bông siêu rẻ khắp nơi

Chà bông trước đây được xem là một loại thực phẩm cao cấp vì được chế biến từ phần nạc của thịt heo, gà… Nếu tự làm thì giá mỗi kg chà bông thường cao gấp 3 lần giá thịt. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều loại chà bông được bán ngoài thị trường lại có giá siêu rẻ, người mua chủ yếu là các quán bán xôi, bánh mì, cơm cháy bình dân…, tiềm ẩn nguy cơ gây viêm ruột, tiêu chảy do sản xuất mất vệ sinh, dùng chất phụ gia kém chất lượng.

TS Huỳnh Khánh Duy (Khoa Kỹ thuật hóa học - Đại học Bách khoa TP HCM), cho biết do lo ngại khả năng gây bệnh ở người nếu sử dụng cyclamate nên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấm sử dụng chất này trong thực phẩm từ năm 1969. Tuy nhiên, ở Việt Nam lại cho phép sử dụng với điều kiện sản phẩm phải hợp pháp, đã qua kiểm soát và trong một nồng độ nhất định ở một số nhóm thực phẩm.

Theo NLĐ