CEO Nvidia Jensen Huang: Tỷ phú gốc Á kiếm hàng tỉ USD nhờ 'cơn sốt' ChatGPT

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Không chỉ Microsoft hay OpenAI, nhà sản xuất chip Nvidia cũng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi từ 'cơn sốt' ChatGPT, qua đó giúp tài sản của nhà sáng lập kiêm CEO Jensen Huang tăng 4,6 tỉ USD từ đầu năm 2023.
Jensen Huang được xem là 'thủ lĩnh' của Nvidia - công ty chip hàng đầu thế giới (Ảnh: Nvidia)
Jensen Huang được xem là 'thủ lĩnh' của Nvidia - công ty chip hàng đầu thế giới (Ảnh: Nvidia)

Jensen Huang - vị tỷ phú nhập cư người Đài Loan nổi tiếng với chiếc áo khoác da màu đen và hình xăm giống logo của Nvidia Corp - được cho là một trong những người được hưởng lợi nhất từ 'cơn sốt' của ChatGPT.

Nhà sáng lập kiêm CEO Nvidia đã chứng kiến giá trị khối tài sản ròng của mình tăng 33% từ đầu năm 2023, lên mức 18,4 tỉ USD - mức tăng trưởng theo tỷ lệ phần trăm lớn hơn bất kỳ vị tỷ phú Mỹ nào khác, theo Bloomberg Billionaires Index.

Theo Citigroup, sự tăng trưởng nhanh chóng của việc sử dụng ChatGPT có thể mang lại doanh thu từ 3 tỉ USD đến 11 tỉ USD cho Nvidia trong 12 tháng tới.

Dưới 'triều đại' của Jensen Huang, Nvidia đã phát triển vượt xa Intel về nhiều mặt, với giá trị định giá khoảng 789 tỉ USD và hơn 20.000 nhân sự. “Jensen Huang là một biểu tượng của ngành,” John Neuffer, Giám đốc điều hành của SIA, cho biết khi chia sẻ về Huang.

Người 'thủ lĩnh' của Nvidia

Jensen Huang thành lập Nvidia vào năm 1993 và giữ chức Giám đốc điều hành kể từ khi thành lập. Bắt đầu từ lĩnh vực đồ họa PC, NVIDIA đã giúp xây dựng thị trường game trở thành ngành công nghiệp giải trí lớn nhất thế giới hiện nay. Việc công ty phát minh ra GPU vào năm 1999 đã tạo ra khả năng tạo bóng có thể lập trình theo thời gian thực, xác định đồ họa máy tính hiện đại và sau đó đã cách mạng hóa điện toán song song.

Gần nhất, GPU deep learning đã kích hoạt AI hiện đại — kỷ nguyên điện toán tiếp theo — với GPU đóng vai trò là bộ não của máy tính, rô-bốt và ô tô tự lái có thể nhận thức và hiểu thế giới.

Năm 1993, ông và hai nhà đồng sáng lập — Curtis Priem và Chris Malachowsky — thành lập Nvidia trong một văn phòng nhỏ ở Fremont, California vào sinh nhật lần thứ 30 của mình.

Jensen Huang khi còn là kĩ sư trẻ (Ảnh: Nvidia)

Jensen Huang khi còn là kĩ sư trẻ (Ảnh: Nvidia)

Ban đầu, các đồng sáng lập gọi công ty là NV, tức "Next Version". Sau đó, để thuận tiện hơn trong kinh doanh, cả ba đã quyết định kết hợp với từ "Invidia" (một từ trong tiếng Latin, có nghĩa là Ghen tị") và chọn "Nvidia" là tên gọi cuối cùng.

“Ba chúng tôi đã tin rằng mô hình điện toán này sẽ giúp giải quyết những vấn đề mà một chiếc máy tính thông thường về cơ bản là không thể nào thực hiện được”, Jensen Huang nhớ lại.

Ra đời vào đầu thời kỳ bùng nổ đồ họa 3D trong trò chơi điện tử đã giúp cho Nvidia kiếm bộn tiền. Thời điểm đó, khách hàng không tiếc tay bỏ ra hàng nghìn USD cho card đồ họa. Nhờ vậy, công ty đã tạo dựng được mối liên kết chặt chẽ với thế giới trò chơi điện tử. Cú đánh cược vào cho thị trường game đã cho một kết quả mỹ mãn. Nvidia phất lên như diều gặp gió từ năm 1999.

Jensen Huang cũng được cho là đã hứa với các nhân viên sẽ xăm biểu tượng "con mắt" Nvidia nếu giá cổ phiếu công ty đạt 100 USD. Chỉ một thời gian ngắn sau, ông đã thực hiện điều đó trên cánh tay trái và bật khóc vì xúc động.

Huang cũng là một người hâm mộ sự giao thoa giữa khoa học viễn tưởng và công nghệ và gần đây đã nói nhiều hơn về siêu vũ trụ , vũ trụ của các thế giới ảo được kết nối với nhau.

Ông cho biết, Nvidia sẽ xây dựng một “bản sao kỹ thuật số của Trái đất” và đó sẽ là thứ làm nền tảng cho metaverse và nó cũng sẽ phục vụ một mục đích khác là hỗ trợ nghiên cứu khí hậu. Ông chia sẻ sẽ mất vài năm để làm. Nó sẽ mô phỏng khí hậu của Trái đất trong nhiều thập kỷ tới.

“Chúng tôi sẽ lấy dữ liệu từ các vệ tinh trong 10 năm qua và nhập hàng petabyte mỗi ngày vào một siêu máy tính, sau đó sử dụng nó để dự đoán tương lai của khí hậu", Jensen Huang cho hay.

“Cuộc đời định sẵn là một kĩ sư”

Mặc dù có một tầm nhìn rộng lớn và vĩ đại như vậy, nhưng xuất thân và tuổi thơ của Jensen Huang khá khiêm tốn.

Ông sinh ra ở Đài Nam, Đài Loan. Gia đình ông di cư đến Mỹ khi Huang được 9 tuổi. Huang nhận bằng đại học về kỹ thuật điện tại Đại học Bang Oregon vào năm 1984 và bằng thạc sĩ về kỹ thuật điện tại Đại học Stanford vào năm 1992.

Cuộc sống ở Mỹ không hề dễ dàng. Anh em nhà Huang phải học cách tự vệ tại trường nội trú khi còn học tiểu học. Huang không có bạn nên đã tham gia một câu lạc bộ máy tính. Khi đó, gia đình ông không đủ khả năng mua một chiếc máy tính, nhưng ông đã rất thích học lập trình.

Trước khi thành lập Nvidia, Huang làm việc tại LSI Logic và Advanced Micro Devices. Ông có bằng BSEE của Đại học Bang Oregon và bằng MSEE của Đại học Stanford.

Huang đã nhận được giải thưởng thành tựu trọn đời xuất sắc của Kỹ sư người Mỹ gốc Á của năm từ nhóm Viện Kỹ sư Trung Quốc (CIE).

Ông từng chia sẻ, bản thân “được định sẵn là một kỹ sư”, vì cha ông là một kỹ sư ở Đài Loan. Các anh trai của Huang là kỹ sư, và vợ ông, Lori, người mà Huang gặp khi còn là sinh viên năm thứ hai tại Đại học Bang Oregon cũng là một kỹ sư. Con gái Madison của họ làm việc tại Nvidia./.

Nguồn tham khảo: Bloomberg, Forbes, Venturebeat